MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa Luật Đất đai: Tránh việc thu hồi đất gây thiệt hại cho dân

19-02-2023 - 16:16 PM | Bất động sản

Sửa Luật Đất đai: Tránh việc thu hồi đất gây thiệt hại cho dân

Trong tuần qua ở một số địa phương, cơ quan đã bắt đầu tiến hành việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi).

Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) là một nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò và huy động trí tuệ của nhân dân. Trong 9 nhóm nội dung được tập trung lấy ý kiến thì thu hồi đất là nội dung được nhiều người dân, chuyên gia quan tâm.

Phản ánh trên báo Đại đoàn kết trích các ý kiến cho rằng với việc thu hồi đất, cần giải thích rõ các tiêu chí thế nào là vì lợi ích công cộng để tránh việc lạm dụng vì lợi ích của tư nhân. Đây là một trong những lĩnh vực có nhiều khiếu kiện. Do vậy nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.

Cử tri ở phường Trúc Bạch cho rằng nên quy định thời gian đưa đất vào sử dụng sau khi thu hồi, ví dụ sau 5 năm mà chưa thực hiện phải tính lại giá để đền bù cho người dân. Ngoài ra, cử tri cũng mong muốn quy định bảng giá đất ban hành hàng năm nhưng có thể trong năm có thay đổi thì cần điều chỉnh cho phù hợp.

Sửa Luật Đất đai: Tránh việc thu hồi đất gây thiệt hại cho dân - Ảnh 1.

Có nên để tòa giải quyết toàn bộ tranh chấp đất?

Còn băn khoăn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các chuyên gia trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa án Nhân dân sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết. Trong khi đó, vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND.

Còn với quy định tòa và UBND đều có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, có luật sư đề nghị nên giao thẳng việc này cho tòa. Bởi việc giải quyết tranh chấp ở tòa sẽ tạo điều kiện để dân đối thoại trực tiếp với người ra quyết định hành chính.

Một nội dung quan trong khác đang được lấy ý kiến là việc đề xuất bỏ đối tượng là "hộ gia đình sử dụng đất" vốn gây nhiều vướng mắc, tranh chấp trong giao dịch đất đai.

Cử tri TP Hồ Chí Minh ủng hộ việc bỏ đối tượng này bởi việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Việc này cũng phát sinh nhiều vụ tranh chấp đất. Việc ăn chặn, bội tin cũng từ câu "cấp cho hộ" này.

Sử dụng Quỹ Phát triển đất để chống thất thu thuế

Ngoài những nội dung về thu hồi đất, bồi thường, xây dựng khung giá đất, minh bạch quy hoạch sử dụng đất, một nội dung đáng chú ý khác cũng được các chuyên gia cho ý kiến là việc sử dụng Quỹ Phát triển đất sao cho hiệu quả.

Theo phân tích của báo Đầu tư, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, UBND cấp tỉnh phải bố trí tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm cho Quỹ Phát triển đất. Ngoài thực hiện chức năng tạo quỹ đất, phục vụ đền bù, giải phóng mặt bằng, Quỹ Phát triển đất sẽ góp phần chống thất thu thuế trong giao dịch bất động sản.

Thời hạn cuối cùng của việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là 15/3, tức chỉ còn gần 1 tháng nữa. Do vậy mà những tuần tới đây sẽ là những tuần cao điểm của việc huy động trí tuệ tập thể, tâm huyết của nhân dân cho dự án luật rất quan trọng này.

Rõ ràng, thông qua việc lấy ý kiến của người dân, cơ quan hoạch định chính sách sẽ có thông tin về thực tế cuộc sống để đưa ra những quy định phù hợp với các điều kiện hiện có và bám sát thực tế cuộc sống.

Sửa Luật Đất đai: Tránh việc thu hồi đất gây thiệt hại cho dân - Ảnh 2.

Huy động trí tuệ tập thể, vì lợi ích của nhân dân

Chia sẻ với báo Đại biểu nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo việc sửa đổi cho biết, thông qua việc lấy ý kiến sẽ bảo đảm văn bản pháp luật ban hành có tính khả thi cao, tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí, áp đặt từ một phía.

Bên cạnh đó, đây cũng là một hình thức tuyên truyền tích cực, chủ động để người dân nghiên cứu, thảo luận trước một bước với văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để văn bản đi vào cuộc sống khi được chính thức ban hành.

Để việc lấy ý kiến nhân dân lần này được hiệu quả, nhiều người cũng đồng tình với quan điểm của báo Sài Gòn Giải phóng về việc đổi mới cách thức tiến hành. Đó là khi xin ý kiến không phải chỉ mời đại diện mà phải trực tiếp đến từng tổ dân phố để nghe người dân nói, đặc biệt là người dân ở những vùng đang có vướng mắc, vì nhiều nơi ở vùng sâu vùng xa không dùng Internet nên không vào mạng để tiếp cận tài liệu và gửi góp ý được.

Nên chăng cần tập huấn cho một đội ngũ nòng cốt để truyền đạt các vấn đề quan trọng đến với dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Theo Ban Thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên