MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa Luật Lao động: Doanh nghiệp lo tự 'trói chân' mình

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May 10, cho rằng, hiện các doanh nghiệp (DN) Việt, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may đứng trước thách thức lớn, khi luật quá chặt chẽ, tới đây có thêm nhiều tổ chức đại diện người lao động (LĐ)...

Ngày 17/9, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trực tiếp khảo sát điều kiện làm việc, sinh hoạt của người LĐ và lắng nghe góp ý của lãnh đạo Tổng Công ty May 10 về Dự thảo Bộ Luật Lao động (LĐ) sửa đổi.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, hiện Bộ phận đánh giá khách hàng của các đối tác nước ngoài “soi” rất kỹ các DN dệt may Việt Nam. Đặc biệt trong việc DN chấp hành pháp luật nước sở tại, nếu chỉ cần 1 vi phạm nhỏ, như giờ nghỉ, giờ làm thêm sai quy định lập tức bị đánh giá không đạt, và đối tác sẽ cắt hợp đồng ngay. May 10 đang có 1 đơn hàng trị giá 24 triệu USD nhưng phải dừng lại do bị đánh giá chưa chấp hành đúng quy định của luật Việt Nam.

“DN đang đứng trước nguy cơ vi phạm chính các điều khoản do Việt Nam đưa ra. Nếu luật quá chặt chẽ, cứng nhắc sẽ dẫn tới làm khó chính DN Việt, đặc biệt với DN vừa và nhỏ”, ông Giang nói.

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, hiện DN có 17 xí nghiệp thành viên với hơn 12.000 LĐ. Trong 8 tháng đầu năm 2019, DN đạt doanh thu trên 2.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 48 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người LĐ trên 8,3 triệu đồng/người/tháng.

Góp ý cho Dự thảo Bộ Luật LĐ sửa đổi, ông Việt đề xuất, nếu tăng tuổi nghỉ hưu cần cho người LĐ được nghỉ hưu sớm trước 5 năm với các ngành nghề đặc thù. Ngoài ra, trường hợp nghỉ hưu sớm thuộc lĩnh vực nặng nhọc, độc hại... không bị tính trừ lương hưu theo năm nghỉ trước tuổi.

Về thời giờ làm thêm, lãnh đạo May 10 đề xuất tăng khung giờ làm thêm tối đa từ 300giờ/năm lên 400 giờ/năm với ngành nghề đặc biệt và bỏ quy định khung giờ làm thêm tối đa theo tuần, tháng.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, nước ta còn nghèo, nên làm thêm giờ là cần thiết. Tuy nhiên, cần đảm bảo mục tiêu DN phát triển vừa chăm lo người LĐ.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo ông Dung, đây là vấn đề ứng phó cho tương lai, khi dân số già. Thực tế, tình trạng thiếu LĐ đã xảy ra, hiện nhiều DN rất khó tuyển được người. Ngoài ra, đây chỉ là tăng tuổi nghỉ hưu với người bình thường trong điều kiện làm việc bình thường. Nếu làm nghề nặng nhọc, độc hại... được nghỉ trước 5 năm, cộng thêm suy giảm khả năng LĐ có thể được nghỉ trước 10 năm. “Đây là lo cho tương lai sau này, khi dân số già hóa, không phải để giữ ghế”, ông Dung nói.

Về đối thoại tại nơi làm việc, ông Thân Đức Việt tỏ ra lo lắng nếu trong 1 doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người LĐ cùng hoạt động bên cạnh tổ chức Công đoàn. Khi có nhiều tổ chức, sẽ khiến việc đối thoại gặp khó khăn, phát sinh nhiều vấn đề...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nước ta đã tham gia các hiệp định thương mại tự do toàn cầu, tham gia sân chơi mới nên phải theo luật chung. Trong đó có việc hình thành các tổ chức đại diện người LĐ tại DN.

“Chúng ta sẽ rút kinh nghiệm của một số quốc gia khác, Bộ Luật Lao động chỉ đưa ra khung, và còn thời gian để Chính phủ nghiên cứu, đưa ra quy định cụ thể. Không phải đưa vào luật là thực thi ngay. Ngoài ra, các tổ chức đại diện người LĐ (ngoài tổ chức Công đoàn) sẽ chỉ đại diện trong quan hệ LĐ, hoạt động trong DN, còn các tổ chức này liên kết ra sao vẫn phải bàn thêm. Chúng tôi biết DN lo nhiều tổ chức đại diện người LĐ sẽ khó khăn, phức tạp”, ông Dung nói.

Dự kiến ngày 20/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và cho ý kiến về Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên