Sức cầu bị dồn nén vì dịch, liệu M&A bất động sản có tăng trở lại vào năm 2022?
Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng.
Sáng 9/12, tại Tp.HCM đã diễn ra sự kiện Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 13 - năm 2021 do Báo Đầu tư tổ chức, với chủ đề "Cơ hội trong thị trường bùng nổ".
Theo hầu hết các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng, nhưng các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi. Sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường M&A bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa và thuốc điều trị Covid-19.
Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng.
Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.
Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (CMAC) ước tính, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, với khoảng 400 thương vụ, tăng trưởng mạnh so với mức 3,5 tỷ USD và 250 thương vụ của năm 2020.
Theo các chuyên gia, năm 2022 tới đây sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030.
Nhìn chung, khó khăn còn rất lớn khi đại dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện. Kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng.
Ở góc độ doanh nghiệp, sau 2 năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới…
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo các chuyêh gia, năm 2022 cũng trông đợi sự phục hồi nhanh của thị trường thế giới, nhất là các nền kinh tế đối tác của Việt Nam; sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á mà ở đó, Việt Nam luôn là một địa chỉ được nhấn mạnh. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UVFTA… sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.
Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy đã không chờ đến bây giờ mà đã sẵn sàng thay đổi từ trước đó để bắt kịp xu thế. Đặc biệt, với những tập đoàn, quỹ đầu tư đang sở hữu lượng tiền mặt lớn, khủng hoảng đang là cơ hội sở hữu nhiều tài sản chất lượng, cơ hội mở rộng quy mô, tầm ảnh hưởng với giá cả phù hợp hơn.