MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức chống chịu của doanh nghiệp đang vơi dần

25-02-2021 - 18:07 PM | Doanh nghiệp

Sức chống chịu của doanh nghiệp đang vơi dần

Sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục được ghi nhận trong những ngày đầu năm 2021 khi đợt dịch mới bùng phát...

Diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 tiếp tục bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam sau một năm đối mặt với vô vàn khó khăn. Điều này đang đặt ra những yêu cầu bức thiết về thực hiện giải pháp và chính sách phù hợp với doanh nghiệp.

ĐẨY DOANH NGHIỆP LÚN SÂU VÀO KHÓ KHĂN 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp thuộc Tổng công ty đã bắt đầu thiếu nguyên liệu, một số doanh nghiệp sẽ rơi vào tình cảnh "nhỡ hàng" từ giữa tháng 3/2021 khi có tới 50-60% nguyên, phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp bị ngưng trệ.

Tuy nhiên, theo ông Dương, cái khó nhất của các doanh nghiệp bây giờ là dù tạm ngưng sản xuất, cho lao động nghỉ làm, giãn việc thì vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động với mức lương bình quân bằng tiền lương tối thiểu hơn 4 triệu đồng/người/tháng... "Đây là áp lực tài chính vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp", ông Dương nói.

Không chỉ là các doanh nghiệp tại Hưng Yên, địa phương đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp khác trên cả nước cũng đang lao đao vì Covid-19 bùng phát trở lại.

Sau 1 năm sụt giảm doanh thu, những tưởng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tình hình kinh doanh sẽ khấm khá trở lại. Nhưng Covid-19 đã "đánh bay" kỳ vọng này của nhiều DN lữ hành bởi tâm lý e ngại của người dân. Bà Nguyễn Kim Oanh, Giám đốc khách sạn Bình Anh cho biết, doanh thu của doanh nghiệp bị giảm đến 70-80% trong năm 2020, chủ yếu do lượng khách quốc tế của doanh nghiệp bị sụt giảm tới 80%. Mặc dù doanh nghiệp đã phải thực hiện chiến lược mới là đẩy mạnh thu hút khách nội địa, đồng thời xác định, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt chưa dừng lại song sức chống chịu của doanh nghiệp đang vơi dần.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2020 là năm đầy sóng gió với doanh nghiệp Việt Nam khi gam màu xám lấn át gam màu hồng trong bức tranh doanh nghiệp. "Khi dịch bệnh, chiến tranh thương mại xảy ra đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tiễn này đã dạy cho cộng đồng doanh nghiệp bài học về tăng cường khả năng chống chịu, đi theo con đường phát triển bền vững. Đến giờ, sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục thử thách khả năng chống chịu ấy. Nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ vững", bà Hương nhận định.

ĐIỂM "LỆCH NHỊP" DO COVID-19 

Bức tranh về sức khỏe của khu vực DN Việt Nam trong năm 2020 được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạh và Đầu tư, công bố gần đây đã cho thấy những điểm "lệch nhịp" do những ảnh hưởng sâu rộng từ Covid-19.

Đó là sau nhiều năm tăng liên tục, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 lần đầu tiên giảm trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, cả nước có 134.941 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3% so với năm trước. Cùng với đó, có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng đáng kể so với năm 2019 (13,9%); trong đó, 46.592 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2% với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đến thời điểm trung tuần tháng 9 năm 2020 có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch. Doanh thu của khu vực doanh nghiệp giảm, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Điều này phản ánh sức chống chọi của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào quy mô doanh nghiệp.

Đáng chú ý, với độ mở của nền kinh tế lớn, tăng trưởng không chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu mà còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên, vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, số lượng DN đang thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào hiện nay khá lớn. Nhóm doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào càng cao.

Sức chống chịu của doanh nghiệp đang vơi dần  - Ảnh 1.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh giãn cách xã hội, thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu bị thu hẹp ở mức khá cao. "Sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu và khó khăn trong lưu thông hàng hóa đang là những khó khăn lớn nhất của đại bộ phận doanh nghiệp", ông Lâm cho biết. Đặc biệt, với tiềm lực tài chính và khả năng thanh khoản của khu vực doanh nghiệp còn yếu, khi đại dịch Covid-19 lan rộng, gây đình trệ sản xuất làm cho khu vực doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn về vốn cho sản xuất.

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CẦN ĐÚNG THỜI ĐIỂM 

Với thực trạng "sức khỏe" của khu vực doanh nghiệp và những hệ lụy của đại dịch Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế, theo ông Nguyễn Bích Lâm, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các chính sách và giải pháp phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng các giải pháp này cần đáp ứng 4 mục tiêu: đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ, sử dụng ngân sách nhà nước cấp tiền hoặc cho vay ưu đãi để các doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn. Rà soát lại các quy định, điều kiện, nới lỏng các yêu cầu về điều kiện thụ hưởng, đổi mới công tác triển khai cũng như xoá bỏ các quy định cồng kềnh để doanh nghiệp có thể thụ hưởng chương trình hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách và gói hỗ trợ tín dụng, chấp nhận thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót để hỗ trợ thực sự đến được những doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Khi nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, chính sách tài khoá cần chuyển hướng sang hỗ trợ có trọng tâm để bảo vệ cho các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, hỗ trợ tạo động lực cơ cấu lại nền kinh tế; hỗ trợ đầu tư trong nước hiệu quả hơn và hỗ trợ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc để tranh thủ được xu hướng chuyển dịch đầu tư trực tiếp nước ngoài do đại dịch tạo ra.

Khẩn trương có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Thực hiện kích cầu tiêu dùng và đầu tư, với nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước gần 100 triệu dân và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Ngoài ra, theo ông Lâm, cần hỗ trợ giá, bù đắp chi phí vận chuyển, lưu kho tăng do cộng đồng doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ các thị trường mới với các chi phí liên quan cao hơn như giá nguyên, vật liệu cao hơn, chi phí vận chuyển cao hơn do phải chuyển chở quãng đường dài hơn. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng vật tư trong nước vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện vai trò nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hoá đầu vào trong nước. Ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như du lịch, hàng không...

"Đặc biệt, các chính sách và giải pháp cần thực hiện kịp thời, đúng thời điểm vì chính sách được thực hiện muộn vẫn là chính sách nhưng không còn tác dụng", ông Lâm lưu ý.

Theo Anh Nhi

VnEconomy

Trở lên trên