Sức khỏe tâm thần là “cơn sóng thần” trong môi trường làm việc hiện đại: 80% nhân viên quan tâm nhưng 33% doanh nghiệp còn thờ ơ
Khảo sát mới nhất về những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến từng thế hệ cho thấy đa số người lao động cảm thấy "căng thẳng hơn" trong đợt bùng dịch gần nhất so với năm 2020. Sức khỏe tâm thần cũng là khía cạnh hầu hết người lao động quan tâm.
- 09-08-2021Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách trẻ: 7 quy tắc giúp con cái trở thành người ưu tú vượt trội, sống một cuộc đời xứng đáng mà cha mẹ nên lưu tâm
- 09-08-20215 dấu hiệu nhận biết trái tim đang kêu cứu, phát hiện sớm để ngăn chặn cái chết "bất thình lình" do đột tử
Adecco Việt Nam ra mắt khảo sát mới nhất nhằm tìm hiểu những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến từng thế hệ, đồng thời làm rõ cách mỗi thế hệ ứng phó với những tác động đó. Cuộc khảo sát tập trung vào 3 khía cạnh: mô hình làm việc kết hợp (hyrbid work), vấn đề đào tạo lại kỹ năng và sức khỏe tâm thần.
Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 7 năm 2021 trên quy mô toàn quốc với chủ đề "Mô hình làm việc kết hợp, Đào tạo lại & Sức khỏe tâm thần: Góc nhìn từ mỗi thế hệ".
Cuộc khảo sát nhận được 650 câu trả lời từ tất cả các thế hệ, trong đó Thế hệ Y và Thế hệ X chiếm phần lớn. Hầu hết những người trả lời khảo sát đang làm việc trong các doanh nghiệp có dưới 1000 nhân sự trong nhiều ngành khác nhau.
Trong đó, những phát hiện chính bao gồm:
1. Mỗi thế hệ có các nhìn nhận khác nhau về mô hình làm việc kết hợp Hybrid work
Mỗi thế hệ có cách nhìn khác nhau về việc làm việc tại nhà. Nguồn: Adecco
Khi được hỏi về tần suất mong đợi được làm việc tại nhà, phần lớn Thế hệ Z (39,29%) muốn làm việc từ xa hoàn toàn và khoảng 43% trong số họ muốn dành 50 - 75% thời gian cho văn phòng tại nhà. Dưới 4% thế hệ Z muốn quay lại văn phòng mỗi ngày làm việc.
Chỉ 11% Thế hệ Baby Boomer muốn làm việc tại nhà hoàn toàn. Tuy nhiên, một phần ba trong số họ muốn làm việc ở nhà 75% số giờ làm việc, và một lượng phản hồi tương tự muốn quay lại văn phòng hoàn toàn.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy giữa các thế hệ, hơn 81% Thế hệ X khá và hoàn toàn đồng ý rằng quản lý của họ tin tưởng họ có thể hoàn thành công việc khi làm việc từ xa. Đây là tỷ lệ cao nhất, cũng khá cách biệt so với 67% Thế hệ Z đồng ý với nhận định này.
2. 5 thách thức lớn nhất khi làm việc từ xa đối với mọi thế hệ
Khi làm việc ở nhà, các thách thức lớn nhất đối với người lao động là: "Các vấn đề về làm việc nhóm và giao tiếp" (57,1%), "Các yếu tố gây phân tâm ở nhà" (48,5%), "Duy trì sự tương tác/động lực của tập thể" (46,2%), "Không gian làm việc thực tế" (44,2%) ), và "Cách ly xã hội" (38,8%).
Cụ thể, 64,3% Thế hệ Z và 57% Thế hệ Y xem những gián đoạn khi làm việc nhóm và giao tiếp là mối quan tâm lớn nhất của họ. 60,7% Thế hệ Z xem việc mất tập trung ở nhà là trở ngại đáng lưu ý thứ hai. 46,3% Thế hệ Y cũng đối mặt với vấn đề này cùng với việc sắp xếp văn phòng tại nhà.
Trong khi đó, Thế hệ X lại gặp khó khăn trong việc duy trì tinh thần đồng đội (64,7%). Đối với 55,6% Baby Boomer, việc làm quen với các nền tảng công nghệ cũng khó khăn như việc tránh bị sao nhãng khi làm việc từ xa.
3. Hầu hết người tham gia khảo sát sẵn sàng tham gia các hoạt động đào tạo lại
96,6% người tham gia khảo sát động tình. Tuy nhiên, 56,6% mong muốn được đào tạo lại tại chỗ, thực hiện thông qua công việc thực tế. 50% lựa chọn hình thức đào tạo trực tuyến và 40% người tham gia lựa chọn cố vấn/huấn luyện cá nhân.
Tuy nhiên, chỉ 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát cung cấp lộ trình đào tạo cá nhân hóa.
4. 80% người lao động quan tâm tới sức khỏe tâm thần
Hơn 53,7% người tham gia chia sẻ họ cảm thấy "căng thẳng hơn" trong đợt bùng dịch gần nhất so với năm 2020. 5 yếu tố gây căng thẳng chính là sự an toàn trong thời điểm dịch, khả năng tài chính dài hạn, đảm bảo công việc và triển vọng nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất, và tiếp nhận quá nhiều thông tin.
Khi được hỏi thế hệ nào bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh, mỗi thế hệ đều cho rằng đó là chính họ. Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam giải thích: "Điều này chứng tỏ rằng, mặc dù sự khác biệt về thế hệ đóng vai trò quan trọng trong khi đối mặt với những trở ngại và rủi ro từ đại dịch, thì tác động bất lợi là điều có thể xảy ra với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Lưu tâm điều này để giao tiếp, tương tác và lãnh đạo nhân sự một cách bình đẳng và không tự đưa ra giả định là chìa khóa để doanh nghiệp giúp họ phát triển trong dịch bệnh và cả tương lai."
Trong khi đó, ngay từ trước dịch bệnh COVID-19, sức khỏe tâm thần đã được coi là mối quan tâm lớn và “cơn sóng thần” mới quét qua môi trường làm việc hiện đại. Sức khỏe tâm thần đứng đầu trong danh sách các bệnh không lây nhiễm (NCDs), còn được gọi là các bệnh về lối sống, vốn ảnh hưởng đến tinh thần, năng suất và khả năng duy trì trong ngắn hạn. Các bệnh không lây nhiễm khác bên cạnh các vấn đề sức khỏe tâm thần là bệnh tim, các dạng ung thư, tiểu đường và các bệnh hô hấp. Tuy nhiên, trong khi khoảng 80% nhân viên coi trọng vấn đề sức khỏe tâm thần thì gần 33% doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này.
Các hoạt động hỗ trợ về sức khỏe tâm thần được người lao động mong đợi. Nguồn: Adecco
Người lao động hy vọng có thêm sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ người sử dụng lao động như đưa ra chính sách làm việc linh hoạt hơn và thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh giữa công việc - cuộc sống là những biện pháp hỗ trợ phổ biến nhất hiện nay. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động khác cũng được người lao động kỳ vọng như: chánh niệm (mindfulness) hoặc các buổi trị liệu, đào tạo đội ngũ quản lý để nhận biết các triệu chứng về sức khỏe tâm thần, kiểm tra sức khỏe định kỳ, và quyền truy cập vào các ứng dụng/chương trình/tài nguyên về sức khỏe tâm thần...
Nguồn: Adecco Việt Nam