MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sức khỏe" thị trường BĐS vẫn rất tốt và có thể bùng lên bất cứ lúc nào

06-10-2021 - 17:05 PM | Bất động sản

"Sức khỏe" thị trường BĐS vẫn rất tốt và có thể bùng lên bất cứ lúc nào

Bất động sản có bị tác động tiêu cực đến "sức khỏe" nhưng thị trường này vẫn có sức sống, "không chết, chững hay phải đứng lại" do bối cảnh dịch bệnh.

Chiều ngày 6/10, Báo điện tử VnExpress đã tổ chức tọa đàm "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới". Tại tọa đàm,  TS. Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết ông cùng các cộng sự thường xuyên bám sát tình hình thị trường, từ khi bắt đầu xuất hiện Covid-19 đến nay.

"Từ đầu 2020, từ đợt dịch đầu tiên, tôi cũng cảm thấy hoang mang, lo sợ. Từ quý 1, tỷ lệ giao dịch đã chạm mức thấp nhất kể từ khủng hoảng năm 2013, tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, tập trung tổ nghiên cứu để theo dõi thật chặt, đến cuối 2020, tôi khẳng định thị trường bất động sản không vướng phải khủng hoảng", ông Đính cho biết.

Nhìn chung, ở Việt Nam, cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm. Trong 2 năm xuất hiện Covid-19, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, nhiều nhà đầu tư lấn vào bất động sản - thị trường có tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công... Theo đó, thị trường không có nhiều sản phẩm mới, dẫn tới cung không đủ cầu.

Trong quý 3, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rằng vẫn có hàng vạn giao dịch, ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm bởi đây là đối tượng cần đi trước.

Vì vậy, ông Đính khẳng định, bất động sản có bị tác động tiêu cực đến "sức khỏe" nhưng thị trường này vẫn có sức sống, "không chết, chững hay phải đứng lại" do bối cảnh dịch bệnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - Võ Trí Thành mở rộng thêm về xu hướng tiêu dùng "trả thù". Ông tự đặt ra hàng loạt câu hỏi: Nền kinh tế này sẽ phục hồi như thế nào? Bất động sản là lĩnh vực quan trọng ở góc độ tài sản, đời sống, nhà đầu tư có thể nắm giữ? Quý ba vừa qua tăng trưởng của Việt Nam được xem là thấp nhất trong lịch sử, khó khăn là rất lớn. Song ông đánh giá vẫn có những điểm tích cực.

"Chúng ta khống chế được dịch. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới là 6% trở lên. Đầu tư bất động sản vẫn còn nhiều kỳ vọng. Hai năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam thì bất động sản vẫn là điểm sáng, thanh khoản, giá cả tốt. Xét về góc độ người tiêu dùng lại khó khăn vì giá tăng. Điều này phản ánh dịch chuyển về lối sống, sống xanh, sống tốt, vui vẻ, ăn toàn, kéo theo xu thế dịch chuyển bất động sản", ông Thành nói.

Ở khía cạnh khác, PGS. TS Trần Đình Thiên chia sẻ thị trường bất động sản thế giới đang có sự phục hồi nhanh, có thể yếu tố giúp cho bất động sản trong nước đi lên. Số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng. Không chỉ các nhà phát triển chọn thời điểm tung hàng cuối năm mà người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền.

Cũng theo ông Trần Đình Thiên, nền kinh tế chịu nhiều tác động mạnh từ dịch bệnh, sẽ cần sự ưu tiên chính sách. Làm sao cho nền kinh tế vận hành trơn tru thì càng tốt. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cho bất động sản trở lại đà tăng trưởng.


Lan Nhi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên