MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức mua tại siêu thị tăng đột biến thời Covid-19

21-03-2020 - 07:45 AM | Thị trường

Nhiều gia đình đã cắt giảm ăn uống bên ngoài. Bên cạnh đó, thay vì mua hằng ngày, người dân có thói quen mua dùng cho cả tuần để tránh đến những nơi đông người.

Chi tiêu ăn uống tại gia đình tăng 

Hôm qua đi siêu thị, giỏ đựng đồ của chị Bích Thu (Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng) chứa đầy thực phẩm tươi sống, đồ khô cho một gia đình ăn trong 1 tuần. Chị Thu cho hay, tranh thủ giờ nghỉ trưa nên chị đi siêu thị. “Tôi không lo thiếu hàng mà không muốn mất thời gian đi mua thực phẩm và đến chỗ đông người trong thời điểm dịch lan rộng”, chị Thu nói.

Nhân viên thu ngân siêu thị cho biết: “Từ sáng đến giờ thanh toán liên tục. Dù khách không đông nhưng mọi người mua đồ tăng gấp 2, 3 lần so với trước”.

Tại siêu thị Vinmart (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Thu Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do lo ngại đợt cao điểm của dịch bệnh, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, chị vào siêu thị tìm mua các loại thực phẩm đông lạnh và rau củ để dự trữ. “Thời điểm nhạy cảm nên tôi cũng dặn các con ăn uống ở nhà để đảm bảo sức khỏe. Hôm nay, tôi đi mua chủ yếu là thịt hộp để có thể bảo quản lâu hơn và cũng không phải đi siêu thị nhiều”.

Tại các khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, hoạt động mua bán dù không tấp nập như trước nhưng tiểu thương vẫn vui vẻ vì số lượng bán nhiều hơn ngày thường. Chị Nguyễn Thị Bé, tiểu thương bán thịt gà tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Thời gian này tôi bán được nhiều gà hơn. Trung bình một ngày bán được 30 con gà. Có nhà mua thịt sẵn 3-5 con để tủ lạnh ăn dần. Hiện giá gà tăng nhẹ so với trước lên 130.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg)”.

Cung ứng hàng hóa dồi dào

Hệ thống siêu thị Coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho ở Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30%; hệ thống BigC lượng hàng tăng 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối.... Hệ thống siêu thị Vinmart tăng 50-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường. Hệ thống siêu thị Lotte mart, MM Megamarket, cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh thành khác.

Hàng hóa từ nhiều nơi đã được chuyển về kho dự trữ và các điểm bán của doanh nghiệp, hàng hóa trên quầy kệ được bổ sung liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Coopmart Hà Đông cho biết, thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp, siêu thị cũng giảm số lượng khách đến mua sắm nhưng sức mua lại tăng mạnh. Doanh thu 2 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 19/3, bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước cho hay, để chuẩn bị hàng hóa cho thành phố, đến nay nhiều siêu thị đã tăng mạnh lượng hàng dự trữ cung ứng cho thị trường trong bối cảnh dịch bệnh.

Vụ cũng đã làm việc và yêu cầu các siêu thị có kế hoạch tăng nguồn cung ứng, sẵn sàng bổ sung hàng từ ngoại tỉnh về Thủ đô trong trường hợp cần thiết. “Người dân nên bình tĩnh, không nên tích trữ quá mức tiêu dùng trong khi cung ứng hàng hóa ở Hà Nội đầy đủ. Bộ Công Thương và các doanh nghiệp lớn đã chuẩn bị các kịch bản, đảm bảo không để xảy ra thiếu hàng”, bà Nga cho hay.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng kịch bản dự trữ hàng hóa cho 4 cấp độ dịch. Sở cũng đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa cho cả trường hợp 1.000 người phải cách ly. Đặc biệt, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá để bình ổn thị trường.

Cung ứng khẩn hàng hóa cho Ninh Thuận, Bình Thuận

Về cung ứng hàng hóa cho hai địa phương có lượng người cách ly lớn là Ninh Thuận và Bình Thuận, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM, Công ty CP thương mại dịch vụ Vincommerce, Tổng Cty lương thực miền Nam đề nghị tăng cường cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các điểm bán hàng tại các địa phương. Bộ Công Thương đã cùng Sở Công Thương địa phương và đại diện các hệ thống siêu thị lập những nhóm phản ứng nhanh về điều tiết từng mặt hàng cho từng siêu thị trên địa bàn Ninh Thuận.

Đến nay, tại Ninh Thuận, Công ty CP thương mại dịch vụ Vincommerce đã tăng nguồn cung 100 sản phẩm thiết yếu cho các siêu thị trên địa bàn. Riêng đối với địa bàn bị cách ly (thôn Văn Lâm 3 với quy mô khoảng 5.000 dân sinh sống), chính quyền xã và huyện đã phối hợp với Vincommerce lên danh sách các mặt hàng, nhu yếu phẩm của người dân và cung ứng các mặt hàng tận nơi cho người dân trong thôn.

Siêu thị SaiGon Coop cũng phối hợp với Sở Công Thương Ninh Thuận để cung ứng hàng hóa cho địa bàn tỉnh và khu vực cách ly. Tại tỉnh Bình Thuận, Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tăng lượng cung ứng các mặt hàng thiết yếu gấp 3 lần cho thị trường.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng kịch bản dự trữ hàng hóa cho 4 cấp độ dịch. Sở cũng đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa cho cả trường hợp 1.000 người phải cách ly. Đặc biệt, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá để bình ổn thị trường.

Theo Phạm Tuyên - Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên