“Sức nặng” kiểm tra chuyên ngành: Bộ, ngành ép doanh nghiệp “gánh”
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách được ngành hải quan xác định là phải thay đổi về “chất” mối quan hệ đối tác Hải quan – DN. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động, đại diện các DN cho rằng động thái này cần nhưng chưa đủ.
Cần “trách nhiệm” hơn để hiểu nhau
Theo kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN năm 2016, mục tiêu Tổng cục Hải quan đưa ra là cộng đồng DN tham gia xây dựng chính sách pháp luật và giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực Hải quan. Cơ quan Hải quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực Hải quan, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. Vấn đề cần đạt được khi phát triển mối quan hệ này là: Thông tin, tham vấn, tham gia và trao quyền. Để xây đắp mối quan hệ này, phía hải quan đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, lấy ý kiến DN về chính sách mới, những điểm mới của Luật Hải quan, Luật Thuế XK, thuế NK…, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội nghị giải đáp vướng mắc của DN, tổ chức các chương trình đối tác chuyên đề để lắng nghe ý kiến DN, nhận diện khó khăn và cùng đưa ra phương án tháo gỡ.
Những áp lực về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK vẫn tạo gánh nặng chi phí gây kéo dài thời gian thông quan cho DN.
Các hoạt động này của Hải quan được cộng đồng DN đánh giá cao và hưởng ứng tham gia. Đại diện Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, Hiệp hội cùng nhiều DN hội viên thường xuyên nhận được thư mời góp ý về những vấn đề liên quan đến Hải quan. Nhờ đó, các chính sách đến gần với thực tế hoạt động của DN hơn, giúp tạo niềm tin vững chắc giữa DN với các cơ quan chức năng. Để nâng cao chất lượng tham vấn, Lefaso đã cùng các Hiệp hội khác như Dệt may, Thủy sản, Gỗ… thành lập một Liên minh tư vấn các vấn đề về hải quan. Khi có bất kỳ vấn đề gì của ngành Hải quan triển khai mà cộng đồng DN cảm thấy cần nêu ý kiến, góp ý hoặc đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, liên minh sẽ lấy ý kiến của đông đảo các hiệp hội rồi cùng gửi tới cơ quan Hải quan.
Tuy nhiên, nhìn nhận nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tham vấn, đại diện các Hiệp hội cho rằng đôi khi các DN vẫn còn bàng quan với quá trình xây dựng pháp luật. Chính vì vậy, khi văn bản đi vào thực hiện mới nảy sinh nhiều vướng mắc, nhiều khái niệm hải quan và DN không thống nhất với nhau.
“Kéo” bộ ngành vào cuộc
Cũng theo ý kiến của các DN, mặc dù việc triển khai chương trình đối tác Hải quan – DN đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng để cải cách một cách hiệu quả thủ tục hải quan thì rất cần sự vào cuộc của các bộ ngành.
Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô, nên đưa các cơ quan thuộc bộ ngành khác vào quan hệ đối tác Hải quan – DN để cùng giải quyết những bất cập phát sinh, đặc biệt trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Bởi hiện nay công tác này cần sự liên thông của nhiều bộ ngành, một lô hàng DN có thể phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành ở 3-4 cơ quan chuyên môn khác nhau, sau đó mới quay trở lại Hải quan để thực hiện thông quan. Do đó, nếu các vướng mắc được giải quyết một cách thông suốt thì DN sẽ được thuận lợi hơn nữa.
Hiện những áp lực về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK vẫn tạo gánh nặng chi phí gây kéo dài thời gian thông quan cho DN.
Hi vọng với kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành hải quan giai đoạn 2016 -2020, chỉ tiêu đem đến sự hài lòng của DN đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan ít nhất đạt 70% sớm trở thành hiện thực.
Diễn đàn doanh nghiệp