Sục sôi với giá vàng
Chỉ trong vòng 2 ngày, giá vàng SJC liên tục phá đỉnh mới với mức kỉ lục lên cao nhất lịch sử, lên tới 80 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng tái diễn cảnh xếp hàng mua bán vàng như ngày vía Thần tài đầu năm 2023. Thậm chí, nó làm người ta nhớ lại cảnh rồng rắn từ cách đây hơn thập kỷ khi thị trường ngập người chen lấn xô đẩy đầu cơ vàng.
- 26-12-2023Chóng mặt với giá vàng trong nước
- 26-12-2023Giá vàng SJC bất ngờ quay đầu rớt mạnh sau khi lập đỉnh trên 80 triệu đồng/lượng
- 26-12-2023Giá vàng SJC chính thức cán mốc lịch sử 80 triệu đồng/lượng
Người vác bao tải tiền đi mua, người chốt lời
Giá vàng SJC cuối tuần vừa qua chỉ 77 triệu đồng/lượng, thế nhưng chỉ đầu tuần cuối cùng của tháng 12 năm 2023, giá vàng SJC đã “làm nên lịch sử” khi vọt tăng lên trên các mốc 78 triệu đồng/lượng. Sang đến sáng 26/12, giá vàng lập tức vọt lên 79 rồi 80 triệu đồng/lượng.
Trong cơn tăng giá chóng mặt của giá vàng SJC, không kìm chế được ham muốn nhảy vào đầu tư hoặc tranh thủ chốt lời, người dân đã hò nhau đổ xô đến các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mua bán. Con phố vàng sau cả năm im ắng từ đầu ngày Thần tài đến nay bỗng tấp nập trở lại. Nhân viên cửa hàng vàng chóng mặt liên tục điều phối khách xếp hàng, phân luồng khách mua, bán. Quầy thu tiền cũng tăng cường nhân viên để đảm bảo người mua bán vàng nhanh chóng. Thậm chí, xuất hiện hình ảnh nhiều người vác cả bao tải tiền đi mua vàng.
Có mặt tại cửa hàng, PV Tiền Phong cũng tận mắt chứng kiến và trò chuyện. Tranh thủ giờ nghỉ trưa tại cơ quan, chị Nguyễn Minh Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) đến cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông nhưng khi tới nơi, chị phải xếp hàng chờ 20 người phía trước mới đến lượt giao dịch. Chị Tú kể: “Tôi vừa đáo hạn 1 sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng ở ngân hàng từ tháng trước nhưng với lãi suất rất thấp và vẫn có ý ngóng xem nên đầu tư vào đâu. Sáng 26/12, khi giá vàng SJC lên trên 80 triệu đồng/lượng nên tôi rất sốt ruột lập tức đến cửa hàng vào giờ trưa. Phải mất nửa tiếng mới đến lượt vào mua. Ngoài trời lạnh nhưng trong cửa hàng vàng ai cũng nóng. Tôi mua 5 cây vàng SJC giá 80,2 triệu đồng/lượng. Nhân viên vừa in phiếu ra đứng chờ lấy vàng, giá vàng lập tức tụt xuống 80,1 triệu đồng/lượng rồi về 80 triệu đồng/lượng. Quá chóng mặt với giá, vì tôi còn chưa cầm được vàng trong tay”.
Thế nhưng chị Tú cũng tự tin cho rằng, vàng dù giảm chút nhưng sẽ lên lại, thậm chí chị còn kỳ vọng lên 90, thậm chí 100 triệu đồng/lượng nên dù hơi “hẫng” chút nhưng chị và nhiều người khác vẫn chốt.
Không chỉ vàng SJC được người dân mua vào khi giá tăng, vàng nhẫn các thương hiệu khác cũng tăng mạnh lên mốc trên 63 triệu đồng/lượng. Do người dân mua vào tăng mạnh nên tại một số cửa hàng tạm thời hết vàng giao và hẹn lấy vàng vào buổi khác. Anh Minh Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) mua 9 lượng vàng nhẫn với hơn 500 triệu đồng. Thế nhưng, do hết vàng nên chủ hàng vàng thu tiền ghi phiếu hẹn anh 5h ngày 27/12 lấy vàng.
Dù lượng mua vào tăng đột biến nhưng dòng người xếp hàng đem vàng đi bán cũng sôi động không kém. Cầm giấy hẹn chờ lấy tiền trong tay, anh Minh Đức (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Chỉ cách đây 1 tháng, tôi mua 15 lượng vàng nhẫn với giá 63 triệu đồng/lượng và 15 lượng vàng SJC với giá 74 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng SJC vượt mức 80 triệu đồng/lượng anh đã tranh thủ chốt lời 15 lượng vàng SJC, số tiền lãi anh thu được gần 100 triệu đồng. Tôi chờ giá vàng hạ xuống tiếp rồi lại tiếp tục mua vào. Sau một năm lỗ vì trái phiếu, giờ tôi chỉ trông vào kênh đầu tư vàng”.
Sau khi tăng tới 2 triệu đồng một lượng trong buổi sáng 26/12, phá vỡ mốc 80 triệu đồng, giá vàng miếng SJC đã quay đầu giảm cả triệu đồng, xuống vùng 79 triệu đồng/lượng. Cuối ngày, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết 77,4- 79,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Theo các chuyên gia, việc dự báo giá vàng trong nước thời điểm này rất khó. Vàng đang ở vùng giá đỉnh, cần hết sức cẩn trọng khi mua vào găm giữ, đầu tư. Chênh lệch mua vào - bán ra lớn lên đến hơn 1 triệu đồng/lượng, do vậy nhà đầu tư sẽ rất rủi ro khi giá có dấu hiệu đảo chiều.
Không liên thông với giá thế giới, giá còn tăng tới mức nào?
Dù giá vàng thế giới chỉ tăng 10 USD/ounce lên mốc 2.063 USD/ounce nhưng giá vàng SJC trong nước đã tăng liên tục gần 4 triệu đồng/lượng trong vòng 2 ngày. Đà tăng kỷ lục của giá vàng trong nước trong khi thế giới đi ngang, đẩy chênh lệch giữa hai thị trường nới rộng lên gần 20 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, cho rằng việc giá vàng tăng mạnh gần đây là kết quả của cả yếu tố trong nước và quốc tế cộng hưởng. Ông Dũng phân tích việc Fed lần thứ hai trong năm nay không tăng lãi suất, giữ lãi suất ở vùng 5,25 - 5,5%/năm, đồng nghĩa với việc phát tín hiệu chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ thời gian qua đã đến chặng cuối cùng, khiến đồng USD giảm mạnh. Diễn biến này góp phần đẩy giá vàng thế giới tăng cao. Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng cũng xuất phát từ việc các kênh đầu tư trong nước khác như thị trường chứng khoán, bất động sản... đang kém hấp dẫn
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thị trường trong nước bị tác động mạnh do thời gian tới giá vàng quốc tế có khả năng cao được dự báo sẽ chạm ngưỡng 2.100 USD/ounce. Còn trong nước, ông Hùng chỉ ra số lượng vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít, đặc biệt là sau khi xuất đi một lượng lớn vào năm 2019. Bên cạnh đó, nguồn vàng cho sản xuất vàng nhẫn khan hiếm, điều này càng đẩy giá mặt hàng này lên cao. Với số lượng vàng miếng ít và giao dịch qua lại trong một nhóm nhà đầu tư, biến động giá vàng miếng phụ thuộc nhiều vào lực mua bán của các nhóm nhà đầu tư và không có sự liên thông đáng kể với thế giới.
“Giá vàng lên nhanh, giá hôm trước so với hôm sau tăng cả triệu đồng/lượng, tác động khá lớn đến tâm lý nhiều người dân. Trong khi lãi suất tiền gửi thấp, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... còn ảm đạm. Chưa kể giá vàng trong nước còn chịu tác động từ yếu tố mùa vụ, cuối năm nhu cầu bao giờ cũng cao hơn”, ông Hùng nói.
Tiền phong