MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sướng như đẻ con ở Phần Lan: Bố mẹ được nghỉ có lương tới 3 năm sau sinh, khi đi làm lại chính phủ trợ cấp gần 8 triệu đồng phí chăm con

17-03-2021 - 15:59 PM | Sống

Sướng như đẻ con ở Phần Lan: Bố mẹ được nghỉ có lương tới 3 năm sau sinh, khi đi làm lại chính phủ trợ cấp gần 8 triệu đồng phí chăm con

Phần Lan luôn quan tâm tới lợi ích của trẻ nhỏ.

Bộ phim "Bố già" của Trấn Thành đang thu hút sự chú ý của công chúng khi khắc họa tình cha con đậm nét cũng như đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống gia đình, xã hội. Thế nhưng một sự thật phũ phàng là rất nhiều gia đình không nhận được sự quan tâm đúng mức của người cha hoặc thậm chí bị bỏ rơi trong xã hội ngày nay.

Vấn đề này không chỉ xuất hiện ở những nước đang phát triển, nơi gánh nặng kinh tế đè lên vai đàn ông mà còn tồn tại ở những quốc gia thu nhập cao khi người cha hầu như ít dành thời gian cho con cái hơn phụ nữ.

Theo báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), những nước Bắc Âu là các quốc gia có sự bình đẳng trong chăm sóc gia đình nhất giữa cha và mẹ trên thế giới. Một chế độ làm việc tốt giúp các ông bố có nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn trong khi những bà mẹ được tạo điều kiện để quan tâm hơn cho bản thân ngoài gia đình.

Ngoài ra, những chính sách tốt về giáo dục, y tế cho trẻ nhỏ cũng giúp các gia đình có con hưởng thụ được các lợi ích từ việc đóng thuế cao cho nhà nước.

Cũng theo báo cáo của OECD, Phần Lan là quốc gia duy nhất trong số những nước phát triển mà đàn ông dành nhiều thời gian cho gia đình và con cái hơn phụ nữ. Cụ thể tại nền kinh tế 5,5 triệu dân này, những người chồng dành nhiều hơn 8 phút mỗi ngày cho những đứa con đang độ tuổi đi học hơn so với các bà mẹ.

Trên thực tế tiêu chuẩn sống của Phần Lan khá tốt khi luôn nằm trong top các nước có bình đẳng giới hàng đầu cũng như xếp hạng cao về môi trường làm việc cho các bà mẹ,. Để đạt được những kết quả này là sự kết hợp của chính sách nhà nước, sự hỗ trợ xã hội và hệ thống thuế.

Đặt con trẻ lên hàng đầu

Cựu bộ trưởng gia đình xã hội Phần Lan Annika Saarikko từng cho biết chính phủ không đặt lợi ích của cha mẹ lên hàng đầu, thay vào đó họ quan tâm hơn đến lợi ích của trẻ nhỏ.

"Đây không phải vấn đề bình đẳng giới hay gì mà là câu chuyện về quyền lợi của những đứa trẻ. Chúng tôi không đặt quyền của các ông bố bà mẹ lên trên hết, thay vào đó là quyền được hưởng thời gian cũng cha mẹ của những đứa con", bà Annika nhấn mạnh.

Phần Lan tin rằng người cha đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ, bởi vậy họ có những chính sách rất ưu đãi cho những người đàn ông có gia đình. Theo quy định, nam giới được nghỉ chăm con tới 9 tuần và được thanh toán 70% lương trong khoảng thời gian đó.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng thực hiện các chiến dịch nhằm kêu gọi cánh đàn ông dành nhiều thời gian cho gia đình hơn là nhậu nhẹt hoặc các thú vui khác sau giờ làm.

"Chúng tôi muốn các ông bố sử dụng nghỉ phép chăm con nhiều hơn nữa. Những năm tháng đầu của trẻ con là cực kỳ quan trọng trong sự phát triển và chúng cần sự hiện diện của cánh đàn ông", bà Annika kêu gọi.

Với tiêu chuẩn sống cao và bình đẳng giới được bảo vệ, tỷ lệ phụ nữ có con đi làm rất cao ở Phần Lan, qua đó tạo nên hiện tượng trẻ em không có nhiều thời gian với cha mẹ. Bản thân Cựu bộ trưởng Annika cũng là mẹ của 1 đứa con 3 tuổi nhưng vẫn đi làm toàn thời gian y như người chồng. Con của bà dành cả ngày tại trường học và chỉ có chút thời gian sum họp buổi tối.

Phần Lan hiện là nước xếp thứ 2 trên thế giới về quyền bầu cử của phụ nữ và là quốc gia đầu tiên thông qua quyền này vào năm 1906. Hiện 42% số ghế trong nghị viện là phái yếu, cao hơn rất nhiều so với mức 19,6% tại Mỹ.

"Phần Lan vốn là một nước nghèo và phụ nữ phải cáng đáng kinh tế cùng nam giới. Chúng tôi cũng phải làm việc cùng nhau rất nhiều để còn trả nợ sau Thế chiến II. Bởi vậy phụ nữ chúng tôi tại Phần Lan từ lâu đã tham gia vào rất nhiều quyết định quan trọng của đất nước", Nữ giám đốc Paulina Ahokas của Trung tâm Tampere Hall nhấn mạnh.

Một xã hội trọng gia đình

Tại Phần Lan, các bậc cha mẹ được chính phủ hộ trợ rất nhiều trong việc sinh con. Chi phí y tế khám sức khỏe cho các bà mẹ mang thai khá rẻ. Bình quân mỗi phụ nữ mang thai có thể đi khám 11-15 lần miễn phí trước khi sinh. Chi phí đỡ đẻ cũng rất bình dân.

Sướng như đẻ con ở Phần Lan: Bố mẹ được nghỉ có lương tới 3 năm sau sinh, khi đi làm lại chính phủ trợ cấp gần 8 triệu đồng phí chăm con - Ảnh 1.

Trái lại tại Mỹ, một ca sinh thường có giá khoảng 10.000 USD còn đẻ mổ là 15.000 USD.

Trong 80 năm qua, bất kỳ gia đình có con nào của Phần Lan cũng được chính phủ phát một hộp đồ cần dùng cho trẻ, từ túi ngủ, nệm đến đồ vệ sinh cá nhân và đồ chơi. Những gia đình nào không thích có thể nhận lại 140 Euro thay thế.

Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong tại Phần Lan cũng rất thấp với chỉ 1,7/1.000 trẻ thiệt mạng.

Sau sinh, các bà mẹ được nghỉ phép có lương 4 tháng còn các ông bố được nghỉ khoảng hơn 2 tháng. Những gia đình có hoàn cảnh sẽ được nghỉ thêm 5 tháng có lương trong trường hợp cần thiết.

Theo luật, một trong các ông bố bà mẹ sẽ được nghỉ tại nhà và được trợ cấp 430 Euro/tháng để chăm con đến khi 3 tuổi. Họ có quyền được quay về công việc cũ với vị trí tương đương, bằng không doanh nghiệp sẽ bị phạt. Điều đáng chú ý là rất nhiều ông bố Phần Lan chọn ở nhà chăm con cho phụ nữ đi làm trong khoản này.

"Tôi nghĩ xã hội bây giờ ngày càng chấp nhận việc này. Mọi người đều hiểu ra việc người cha cần dành thời gian cho gia đình nhiều hơn", anh Sami Sulin, một nhân viên ngân hàng nghỉ phép 10 tháng chăm con mà vẫn nhận lương cho biết.

Khi đứa con đã cứng cáp và cả 2 vợ chồng cần đi làm toàn thời gian, chính phủ sẽ trợ cấp chi phí chăm con lên tới 290 Euro/tháng (khoảng gần 8 triệu vnđ). Xin được nhắc là chi phí chăm con tại Mỹ tương đương tới 85% tiền thuê nhà hàng tháng của các gia đình và thậm chí còn đắt hơn tiền gửi con đến trường đi học.

Tất nhiên để có được những thành công này cũng không hề rẻ. Tiền thuế chiếm tới 44% GDP tại Phần Lan, cao hơn nhiều mức 25% của Mỹ. Người dân sống tại đây sẽ phải nộp đủ loại thuế cho nhà nước và chính phủ địa phương. Một số người có thu nhập khoảng 1,2 triệu USD/năm sẽ phải trả tới 51,5% tiền thuế cho chính phủ.

Theo Băng Tâm

Trí thức trẻ

Trở lên trên