MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Suýt bỏ nghề vì kiệt sức, nữ tổng biên tập danh tiếng người Mỹ giãi bày: "Bạn thấy tôi thành công, còn tôi thấy mình thất bại khi nằm trên 1 vũng máu"

22-06-2019 - 08:41 AM | Sống

Việc cân bằng giữa nghề làm báo và cuộc sống riêng là không hề dễ dàng, nhưng sau tai nạn suýt lấy đi mạng sống, nhà báo Arianna Huffington đã rút ra cho mình bí quyết để sống hạnh phúc hơn.

Làm báo vốn dĩ là một nghề vất vả. Ngày qua ngày, không biết bao nhiêu phóng viên và biên tập viên phải làm việc tới kiệt sức để chạy theo tin tức, đáp ứng lượng nhu cầu khổng lồ của độc giả. Ngay cả những người giỏi nhất trong giới như Arianna Huffington cũng có lúc phải ngã quỵ.

Arianna Huffington là một nhà báo nổi tiếng người Mỹ gốc Hy Lạp. Bà là người sáng lập, đồng thời là cựu Tổng biên tập của The Huffington Post Media Group. Năm 2005, Huffington cho ra mắt tạp chí trực tuyến The Huffington Post - một trong những trang thông tin hàng đầu nước Mỹ, từng đoạt giải Pulitzer cho hạng mục "Báo chí quốc gia" vào năm 2012.

Nhờ thành tích này, Arianna Huffington đã lọt vào danh sách "Những người phụ quyền lực nhất" của Forbes năm 2013. Trước đó, vào năm 2006 và 2011, bà cũng được xướng tên trong Time 100 - danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm do tạp chí Time bình chọn.

Thành công là vậy, nhưng Huffington tin rằng, cả bà và mọi người đều đang sống trong một thế giới mà môi trường làm việc nằm đâu đó giữa thời kỳ đen tối và thời kỳ phục hưng.

Suýt bỏ nghề vì kiệt sức, nữ tổng biên tập danh tiếng người Mỹ giãi bày: Bạn thấy tôi thành công, còn tôi thấy mình thất bại khi nằm trên 1 vũng máu - Ảnh 1.

Theo Huffington, thời kỳ đen tối đó bao gồm những môi trường và văn hóa công sở được bồi đắp từ stress. Để tồn tại và phát triển, chúng ta buộc phải chuyển sang "thời kỳ phục hưng" - nơi mọi người biết sống và làm việc điều độ.

Trước đây, Huffington không hề nhận ra điều này. Đã là nhà báo, lại còn quản lý một công ty truyền thông làm việc 24/7, bà rất hiếm khi có thời gian nghỉ ngơi. Phải đến ngày 6/4/2017, khi thức dậy trên một vũng máu dưới sàn nhà, với một vết cắt sâu hoắm trên mắt và xương gò má vỡ vụn, Huffington mới bàng hoàng nhận ra lối sai lầm trong những năm vừa qua của mình.

Sau 2 năm dồn sức để xây dựng và phát triển tạp chí The Huffington Post, việc lao động 18 tiếng/ngày trở thành điều bình thường nữ nhà báo này. Nhưng cuối cùng, bà vẫn phải đối mặt với hậu quả của những tháng ngày làm việc đến thiếu ngủ và kiệt quệ trước đó. Một ngày nọ, sau khi từ chỗ làm trở về nhà, bà đã gục xuống ngay giữa phòng làm việc, đầu đập xuống sàn. Các bác sĩ tức tốc tiến hành hàng loạt xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân sự cố, để rồi phát hiện thủ phạm chỉ đơn giản là tình trạng kiệt sức.

Kể từ lúc đó, bà nhận ra lao động đến thiếu ngủ chẳng phải là điều gì vẻ vang, đáng tự hào như mọi người vẫn nghĩ. Thậm chí, bà đã nghĩ đến chuyện dừng tất cả lại, bỏ nghề để hồi phục sức khỏe.

"Nếu theo định nghĩa thành công thông thường, tôi là một người thành công," bà nói. "Nhưng nếu xét về thành công thực sự, việc nằm giữa một vũng máu trên sàn phòng làm việc chỉ vì kiệt sức thì không thể gọi là thành công được." 

Giờ đây, Huffington tin rằng tư duy "thành công = tiền bạc + quyền lực" chỉ là một cái nhìn hạn hẹp mà con người luôn vin vào. Theo bà, để thực sự trở thành người thành công và hạnh phúc, bạn phải đảm bảo được 4 yếu tố sau.

Suýt bỏ nghề vì kiệt sức, nữ tổng biên tập danh tiếng người Mỹ giãi bày: Bạn thấy tôi thành công, còn tôi thấy mình thất bại khi nằm trên 1 vũng máu - Ảnh 2.

Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân

Bạn nâng niu điện thoại của mình như thế nào, hãy chăm lo cho sức khỏe của mình như thế ấy.

Huffington biết rằng chúng ta luôn giữ gìn và dành nhiều thời gian bên điện thoại bởi đó là vật kết nối chúng ta với phần còn lại của thế giới. Nhưng sạc điện thoại để làm gì khi chính bạn còn chẳng đủ sức để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Theo bà, thế giới ngày nay đã tô hồng quá đà về chuyện hy sinh sức khỏe để thành công. Nhiều người trong số chúng ta cứ khoe khoang rằng mình chỉ ngủ có 3 tiếng/ngày như một thứ gì đó đáng để tự hào. Huffington so sánh, thế chẳng khác nào chúc mừng một người đi làm trong tình trạng say xỉn cả.

Vì vậy, bà khuyên mỗi người nên ngủ thêm 30 phút/ngày so với đêm hôm trước. Huffington cũng lấy cựu Tổng thống Bill Clinton ra làm ví dụ. Chỉ ngủ 5 tiếng mỗi ngày, nhưng chính ông cũng thừa nhận: "Mọi sai lầm tôi đã phạm phải trong đời mình, đều là vì tôi quá mệt mỏi."

Đề cao lời răn dạy của người xưa

Theo Huffington, chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều dữ liệu khoa học để chứng minh tri thức của người xưa đến vậy.

Mọi tri thức trên thế giới này - dù là từ Ấn Độ hay Nhật Bản - đều có chung một thông điệp. Từ câu châm ngôn "biết mình" của người Hy Lạp cổ cho đến thành ngữ "momento mori" (hãy nhớ rằng bạn sẽ phải chết) của người La Mã, tất cả đều nhắc nhở chúng ta cái chết là không thể tránh khỏi. Theo Huffington, tất cả những tri thức cổ xưa này đều hướng tới một lối sống lành mạnh, và giờ chúng ta có đầy đủ bằng chứng khoa học để chứng minh điều đó.

Dừng lại để cảm nhận sự kỳ diệu của cuộc đời

"Chúng ta không biết cuộc đời sẽ đem lại những gì," cựu Tổng biên tập của tờ Huffington Post cho biết. "Vì thế chúng ta cứ chôn vùi bản thân trong công việc hay kế hoạch và giả vờ như mình đang sống."

Suýt bỏ nghề vì kiệt sức, nữ tổng biên tập danh tiếng người Mỹ giãi bày: Bạn thấy tôi thành công, còn tôi thấy mình thất bại khi nằm trên 1 vũng máu - Ảnh 3.

Theo bà, đã đến lúc chúng ta cần bắt đầu trân trọng vẻ đẹp của thế giới này. Chúng ta thường xuyên quên đi điều này, bởi tâm trí ta còn mải nhìn về phía trước và lo lắng cho tương lai, hoặc ngó lại quá khứ và phán xét bản thân mình.

Bà coi điều này là "người bạn cùng phòng đáng ghét đang sống trong đầu chúng ta", và nói rằng đã đến lúc chúng ta cần loại bỏ nó.

Hãy rộng lượng

Việc đề xuất các chính sách giảm stress tại nơi làm việc không chỉ là một cử chỉ đẹp mà còn giúp công ty về mặt lâu dài.

Theo Huffington, CEO của Aetna - Mark T. Bertolini - đã khám phá ra lợi ích của các phương thuốc tự nhiên, yoga và thiền chỉ sau 1 năm phải uống thuốc giảm đau để điều trị vết thương do tai nạn trượt tuyết gây ra.

Bertolini quyết định gợi ý những phương pháp hữu ích này cho nhân viên của mình, và anh đã nhận được kết quả rất đáng ngạc nhiên. Sau 12 tuần áp dụng kỹ thuật thay thế  để xả stress, mức chi tiêu cho bảo hiểm y tế đã giảm 7%, còn năng suất lao động tăng thêm 69 phút/ngày.

Huffington tin rằng, đây chính là lúc mà chúng ta cần nhận ra mình chỉ có 30.000 ngày để sống và "kiểm soát trò chơi cuộc đời."

"Cách chúng ta điều khiển cuộc sống phụ thuộc vào những giá trị mà ta coi trọng," bà cho biết. "Nếu coi trọng tiền bạc và quyền lực, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Chúng ta chỉ có thể sống một cách trọn vẹn nhất khi biết trân trọng cuộc sống của chính mình."

Ngọc Hà

FC

Trở lên trên