MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tắc” chuỗi cung ứng Việt Nam gây ảnh hưởng toàn cầu

“Tắc” chuỗi cung ứng Việt Nam gây ảnh hưởng toàn cầu

Chuỗi cung ứng bị “tắc” không chỉ là cuộc khủng hoảng của riêng Việt Nam, một trong số những nước hiếm hoi trên thế giới vẫn có xuất khẩu tăng trưởng tốt suốt từ đầu dịch COVID-19.

Việt Nam đang ở tuyến đầu cuộc chiến trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Bloomberg đặt vấn đề trong một bài viết vừa đăng tải, gắn với bối cảnh chuỗi cung ứng này đang trải qua nhiều khó khăn.

Những rắc rối mà Việt Nam đang đương đầu đặc biệt rõ nét trong thương mại và sản xuất, chỉ số PMI của ngành sản xuất tháng 8 rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 4/2020, chìm sâu trong khoảng thời gian suy giảm.

Trong số 53 nước trong bảng xếp hạng chỉ số vững vàng trước COVID-19 do Bloomberg tính toán và công bố (Bloomberg’s Covid Resilience Ranking), nhóm 5 nước xếp ở vị trí thấp nhất đều ở trong khu vực Đông Nam Á; Việt Nam đứng ở thứ hạng 50, giảm 4 bậc so với tháng trước đó trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 còn thấp.

Nhóm 5 nước này chiếm khoảng 6% xuất khẩu cũng như nguồn cung cấp sản phẩm thiết yếu cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có thể kể đến nguồn cung sản phẩm bán dẫn vào Mỹ, theo tính toán của Natixis.

Đây không phải chỉ là cuộc khủng hoảng của riêng Việt Nam, một trong số những nước hiếm hoi trên thế giới vẫn có xuất khẩu tăng trưởng tốt suốt từ đầu dịch COVID-19.

Nhiều thương hiệu lớn trên toàn cầu hiện đang chật vật với chi phí vận tải hàng hóa cao, họ đang phải tìm đủ cách nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động tại các nhà máy sản xuất, cũng như cùng lúc đó đảm bảo cho chuỗi cung ứng khắp châu Á khi mà khoảng thời gian đặt hàng cho mùa nghỉ lễ cuối năm đang đến gần.

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff nhận xét: “Chúng ta đang rơi vào tình huống mà trẻ em Mỹ sẽ mở hộp quà dưới cây thông Notel ra và nhận được mảnh giấy “Xin lỗi, món quà tuyệt vời từ cha mẹ cháu hiện chưa có, hãy vui lòng chờ thêm 6 tháng nữa”.

Trong tuần trước, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến Hà Nội, bà công bố Mỹ tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc xin Pfizer sau khi đã dành cho Việt Nam 5 triệu liều vắc xin trước đó. Hiện tại chưa đầy 3% tính trong tổng số dân 100 triệu người của Việt Nam được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ 2 mũi, tỷ lệ lây nhiễm mới khá cao mỗi ngày.

Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động làm việc tại các nhà máy, từ Samsung Electronics ở phía Bắc cho đến Intel Corp và nhiều nhà máy may mặc ở TP.HCM.

CEO của CEA Consulting đồng thời là cựu giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Hà Nội, ông Csaba Bundik cho rằng các công ty lớn của Mỹ cần phải liên lạc với Pfizer và Washington để nói với họ rằng họ cần phải duy trì sản xuất, chính vì vậy họ cần phải ưu tiên vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.

Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến Hà Nội mới đây, Phó tổng thống Mỹ cho biết phía Mỹ đánh giá cao sự hỗ trợ về trang thiết bị y tế của phía Việt Nam dành cho nước Mỹ ở giai đoạn đầu dịch COVID-19, đồng thời bà công bố khai trương văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Đồng thời, Mỹ công bố hỗ trợ thêm 23 triệu USD cho công tác ứng phó với đại dịch tại Việt Nam, tổng số tiền Mỹ hỗ trợ Việt Nam từ đầu dịch cho đến nay ước tính 44 triệu USD, theo Nhà Trắng.

Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội May mặc và da giày Mỹ, ông Steve Lamar, cho rằng việc chính quyền Mỹ tặng vắc xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam có thể coi như dấu hiệu cho thấy chính quyền Joe Biden đã lắng nghe những băn khoăn lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp.

Trước đó, đại diện cho nhiều thương hiệu lớn tại Mỹ cũng đã kiến nghị Chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường hỗ trợ vắc xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam, trước quan ngại gián đoạn nguồn cung ứng khi các đối tác của họ gặp khó khăn.

Ông Lamar nói thêm: “Cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn dài và chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đương đầu với khó khăn từ phía các nước đối tác cũng như nhu cầu có thêm vắc xin COVID-19”.

Theo Trung Mến

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên