Tắc đầu ra, gỗ rừng trồng khốn đốn
Từ giữa tháng 10/2017 đến nay, mặt hàng dăm gỗ tắc đầu ra nên hầu hết các nhà máy chế biến dăm gỗ XK trên địa bàn Bình Định phải dừng thu mua gỗ nguyên liệu.
- 18-12-2017Xuất khẩu gỗ sang EU có thể đạt 1 tỉ USD vào năm 2020
- 17-11-2017Xuất khẩu gỗ chắc chắn đạt 10 tỷ USD vào 2020
- 05-10-2017Xuất khẩu gỗ có thể đạt 8 tỷ USD năm 2017
Theo đó, giá gỗ nguyên liệu giảm sâu khiến người trồng rừng khốn đốn.
Giá thấp nhất trong 10 năm qua
Theo ông Cái Minh Tùng, GĐ Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, giá gỗ keo lai thu mua trên địa bàn huyện Vân Canh (Bình Định) hiện dao động từ 920 - 950 ngàn đồng/tấn, giá gỗ bạch đàn từ 830 - 840 ngàn đồng/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gỗ nguyên liệu giảm 300 ngàn đồng/tấn, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Do không xuất bán được sang Trung Quốc nên hiện Cty TNHH Sông Kôn còn tồn đọng 16.000 tấn dăm khô
Đã có hơn 10 năm trồng rừng nguyên liệu với hơn 100ha, chưa năm nào ông Cù Văn Mẫn ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) thất vọng như năm nay. Ông Mẫn rầu rĩ cho biết: “Giá gỗ keo đang tuột thấp chỉ còn 900 - 950 ngàn đồng/tấn, thấp hơn cùng kỳ 350 - 400 ngàn đồng/tấn. Đã vậy, muốn bán cũng rất khó vì các nhà máy dừng thu mua. Nghịch lý là giá bán thấp, nhưng chi phí đầu tư trồng rừng như giống, phân bón và giá thuê nhân công tăng lên từng ngày”.
Đang sở hữu 30ha cây keo lai đã tới chu kỳ khai thác nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đầu ra, ông Phạm Hồng Hải ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), than thở: “Bây giờ tui muốn bán gỗ nguyên liệu mà chẳng có ai mua. Hầu hết các nhà máy chế biến dăm gỗ đã dừng thu mua gỗ nguyên liệu, thương lái vì thế cũng không còn thu mua gỗ keo, bạch đàn”.
Ông Hải tính toán: Mỗi ha keo đầu tư từ 40 - 50 triệu đồng. Sau 5 - 6 năm cho khai thác với năng suất 80 tấn gỗ nguyên liệu. Tính theo mức giá thu mua bình quân hiện nay 900 - 950 ngàn đồng/tấn, mỗi ha rừng trồng thu được hơn 70 triệu đồng, trừ hết chi phí người trồng rừng… phủi tay!
Tắc đầu ra
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, toàn tỉnh này hiện có trên 20 nhà máy chế biến dăm gỗ XK, tổng công suất hơn 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên khi các DN Trung Quốc dừng thu mua là các nhà máy chế biến dăm gỗ lao đao, phải dừng hoạt động. Trong khi đó, toàn tỉnh có trên 101 ngàn ha rừng trồng, sản lượng khai thác trên 600 ngàn tấn/năm.
Các DN dăm gỗ phải tạm dừng thu mua gỗ nguyên liệu
Theo ông Võ Vạn Toàn, PGĐ Cty TNHH Sông Kôn, từ đầu tháng 8/2017 đến nay, Cty không xuất bán được lô hàng dăm nào sang Trung Quốc, hiện nhà máy đang tồn đọng 16.000 tấn dăm khô. Do đó, hiện Cty TNHH Sông Kôn phải tạm ngừng thu mua gỗ nguyên liệu.
Lâm tình cảnh tương tự, hiện nhà máy chế biến dăm của Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh cũng đang tồn đọng 30.000 tấn dăm khô. Do lượng dăm tồn quá lớn, hiện không còn chỗ chứa nên nhà máy dừng thu mua.
Ông Cái Minh Tùng, GĐ Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, nhận định: “Thời điểm này, các nước trồng rừng lớn như Australia, Indonesia hay Malaysia đang bước vào chính vụ thu hoạch gỗ nguyên liệu nên sản phẩm tràn ra thị trường rất lớn. Trong khi đó các DN thu mua dăm gỗ ở Trung Quốc giảm nhu cầu nhập. Vả lại, sau cơn bão số 12, luồng lạch ra, vào cảng Quy Nhơn bị ách tắc do tàu hàng chìm. Tàu có trọng tải lớn chưa thể ra, vào cảng để chở dăm gỗ”.
Được biết, thời gian tới chủ trương của Bình Định là giảm diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy, chuyển sang trồng rừng cây gỗ lớn. Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng đề án triển khai trồng rừng cây gỗ lớn ở các công ty lâm nghiệp trong tỉnh, sau đó nhân rộng ra các địa phương có nhiều diện tích rừng trồng như Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát.
Đồng thời, rừng trồng sẽ được “nuôi” đến 9 - 10 năm mới khai thác. Khi đó cây gỗ lớn sẽ được cung ứng cho những DN chế biến đồ gỗ XK với giá trị cao hơn gấp 2 - 3 lần. Nếu rừng trồng 4 - 5 năm khai thác, người trồng rừng thu 80 - 100 triệu đồng/ha thì rừng trồng 9 - 10 năm mới khai thác có thể đạt 200 - 250 triệu đồng/ha.
Nông nghiệp Việt Nam