Tác động của gói cấp bù lãi suất tới thị trường chứng khoán
Theo chuyên gia, sẽ không có câu chuyện bơm thanh khoản thêm từ gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, mà là một biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp vốn đang rất yếu ớt sau đợt dịch.
- 29-09-2021Chọn đối tượng để lan tỏa hiệu ứng gói cấp bù lãi suất
- 27-09-2021Gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế
- 22-09-2021Cấp bù lãi suất có thể cứu DN khỏi cạn kiệt dòng tiền?
Khó... vay mới
Gói cấp bù lãi suất trị giá 3000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, thông qua các ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay được xem là một trong những hỗ trợ có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp hiện nay.
Theo phân tích của ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính, Giám đốc Hãng tư vấn AFA Research & Education, trong quá khứ, Việt Nam đã có kinh nghiệm về việc thực hiện cấp bù lãi suất, đó là gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vào cuối năm 2009, trong điều kiện kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng trì trệ, giảm phát, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra gói cấp bù lại suất 4%, với các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực thiết yếu như: sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ,...
Khi đó, doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất 14-16% một năm, sẽ chỉ phải trả ngân hàng 12%, còn lãi suất cấp bù sẽ trả phần còn lại cho ngân hàng. Nhưng Chính phủ Việt Nam và NHNN đã có một bài học rất lớn khi cấp bù lãi suất chệch mục tiêu, không đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, mà quay trở lại ngân hàng đảo nợ, dòng tiền đi vào thị trường bất động sản, chứng khoán, gây ra lạm phát hai con số vào năm 2011 lên đến 18,6%. Ảnh hưởng lớn nhất là thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng chịu nợ xấu và thị trường chứng khoản sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Phan Lê Thành Long
Quay trở lại bài toán gói lãi suất hỗ trợ 3-4 % lần này, với con số 3.000 tỷ đồng cũng là Chính phủ dùng ngân sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, mức lãi suất mà các doanh nghiệp vay ngắn hạn đâu đó khoảng 6-6,8% và nếu cho vay khoảng 3-4% thì ngân sách sẽ cấp bù 3% lãi suất, suy ra số tiền gói vay khoảng 100.000 tỷ đồng", ông Long phân tích.
Cũng theo đánh giá của vị chuyên gia, phần lớn trong 100.000 tỷ vốn vay này sẽ là khoản vay hiện hữu trong hạn mức doanh nghiệp có sẵn và doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi từ ngân sách, còn ngân hàng vẫn nhận đủ lãi suất từ 6-6,8%. Vì hiện nay, điều kiện cho vay của các ngân hàng áp cho doanh nghiệp không thay đổi, với các tiêu chí như tài sản đảm bảo, hệ số tài chính,... vẫn giữ nguyên. Tác động từ đại dịch COVID-19 khiến các ngân hàng thương mại phải băn khoăn về câu chuyện nợ xấu phát sinh trong tương lai, nên họ càng có xu hướng thắt chặt các chính sách của mình.
Chính vì vậy, đây cũng là một rào cản của các doanh nghiệp, khi cho vay chủ yếu dựa trên tài sản bảo đảm và tài sản này cũng đã dựa trên những hạn mức có sẵn, còn vay mới cũng không dễ. Mặt khác, các doanh nghiệp liệu có vay mới không, có mạnh dạn tăng trưởng để hưởng được phần ưu đãi này hay không, cũng là một vấn đề đáng bàn.
Đưa ra quan điểm của mình, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc AFA Capital nhận xét, việc “bơm tiền” thuộc về chính sách tiền tệ, còn các gói hỗ trợ thuộc về chính sách tài khóa. Trong trường hợp này, chúng ta cần làm rõ đây là hỗ trợ lãi suất bằng phương án kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.
Cụ thể, chính sách tài khoá cung cấp một gói ngân sách 3.000 tỷ đồng, còn chính sách tiền tệ thông qua NHNN và các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp 3.000 tỷ đồng tính trên dư nợ 100.000 nghìn tỷ đồng, sẽ tương ứng giảm 3% trong vòng 1 năm (nếu 4% thì dư nợ hỗ trợ sẽ giảm tương ứng).
“Như vậy, sẽ không có câu chuyện bơm thanh khoản thêm, mà là một biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp vốn đang rất yếu ớt sau đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Đây là một chính sách rất đúng và trúng, cần tiếp tục giảm thêm vì ai làm doanh nghiệp cũng sẽ thấy rõ ràng vấn đề của dòng tiền đang thực sự kiệt quệ sau đại dịch.
Lo ngại lớn nhất của thị trường đó chính là "mũi tiêm" này không trúng đích, không đi vào sản xuất, kinh doanh và gây sốt đó là lạm phát. Tuy nhiên, về phía ngân hàng, theo số liệu đến 21/9, tổng dư nợ mới tăng trưởng 7% so với đầu năm, dư địa cho tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm còn hơn 5%, việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một phương thức để phòng ngừa nợ xấu có thể phát sinh trên hệ thống”, ông Tuấn nêu.
Tác động mạnh đến DNNVV
Một vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay nữa, là lý do nào khiến các doanh nghiệp khó khăn và Chính phủ sẽ đưa ra khỏi hỗ trợ như thế này thì có những thông số cụ thể ra sao?
Ông Nguyễn Minh Tuấn
Vị CEO AFA Capital cho rằng, Việt Nam hiện có 760.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy quy mô nhỏ, nhưng mang lại hiệu suất khá lớn trong nền kinh tế, bằng chứng là các doanh nghiệp này đóng góp 45% GDP, 35% ngân sách nhà nước và chiếm 30% doanh số xuất khẩu. Đây đều là những con số ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực tuyển dụng người lao động, thì lực lượng lao động làm trong các DNNVV, có trình độ vừa phải rất lớn. Vì thế, kế hoạch cấp bù lãi suất này hoàn toàn được ủng hộ khi nó có tác động đến các DNNVV. Còn những doanh nghiệp FDI, hay doanh nghiệp lớn, thì bản chất họ đã có tiềm lực lớn hơn và có khả năng vượt qua đại dịch.
Qua khảo sát, khó khăn trọng yếu của DNNVV hiện nay bao gồm: thị trường sụt giảm, khó khăn về lao động, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, khó khăn về nguồn tiền và khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu.
Ông Phan Lê Thành Long đánh giá, nguồn tiền được coi là huyết mạch giúp doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp này quản lý tài chính cũng không thực sự xuất sắc. Vấn đề cần hiện nay là họ phải có sự lưu thông về nguồn tiền, để chi trả phí vận hành, thanh toán các khoản nợ đến hạn, mua máy móc thiết bị tiếp tục sản xuất kinh doanh và với những hoạt động kinh doanh đang trong giai đoạn phát triển, thì còn cần phải mở rộng quy mô sản xuất. Xét ở nhiều góc độ, việc bổ sung vốn lưu động cho DNNVV là điều cực kỳ cấp thiết.
“Với gói hỗ trợ này, NHNN và Chính phủ đã có sự tính toán rất thận trọng, đây sẽ là một lợi thế lớn để tập trung vào ổn định kinh tế, nhưng như vậy, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 sẽ phải chờ thêm.
Nhìn tổng thể sẽ thấy, con số 100.000 tỷ đồng chỉ là con số nội suy từ 3.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất mà ra. Mặt khác, số tiền này không hẳn là cho vay mới, mà phần lớn là hạn mức hiện có nhưng cũng góp phần tạo ra chất kích thích khá là tốt cho nền kinh tế. Đồng thời, các doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền sẽ có cơ hội tốt hơn, tiết kiệm được chi phí lãi vay, khuyến khích họ làm được nhiều hơn. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn cần phải tự thân vận động, cơ cấu lại tài chính để đảm bảo dòng tiền, sau đó mới tính đến việc tận dụng các gói hỗ trợ như trên”, ông Long phân tích.
Đáng chú ý, cả hai vị chuyên gia đều cùng khuyến nghị rằng, với các thông tin đã đưa ra về gói hỗ trợ khiến nhiều người nhầm tưởng đây là hoạt động “bơm tiền”, bơm thêm thanh khoản ra thị trường, có thể dễ khiến thị trường chứng khoán tăng nóng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, phải nhìn thực chất vào vấn đề để có đánh giá thấu đáo hơn, còn việc thị trường có bị kích thích bởi thông tin này hay không thì nó chỉ có hiệu ứng hết sức ngắn hạn và không đáng kể.
Diễn đàn doanh nghiệp