MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tắc đường, lụt lội, ô nhiễm không khí: Bệnh chung của các đô thị châu Á

23-10-2016 - 22:20 PM | Tài chính quốc tế

Tăng trưởng kinh tế nhanh, tiêu thụ nhiều nhiên liệu và tốc độ mở rộng đô thị quá nhanh nhưng không bền vững đang khiến các thành phố châu Á mắc kẹt trong tắc đường, lụt lỗi và ô nhiễm không khí.

Những từ “macet” và “banjir” (lần lượt có nghĩa là tắc đường và lụt lội) là hai từ Indonesia phổ biến trong từ điển đô thị, đồng thời trở thành những nét đặc trưng của thành phố Jakarta đông đúc. Bàn về vấn đề tắc nghẽn tại thành phố này, Sandiaga Uno, ứng cử viên cho chức Phó thống đốc trong cuộc bầu cử ở Jakarta sắp tới, cho rằng những triển vọng kinh tế của thành phố này đã sớm bị xói mòn, và rằng Jakarta đang phát triển một cách không đồng bộ.

Những ứng dụng trên điện thoại thông minh như Waze với lượng người dùng lên tới 1,67 triệu người ở riêng Jakarta có thể giúp những người tham gia giao thông và tài xế taxi xác định điểm ùn tắc và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình di chuyển của người dân Jakarta.

Khảo sát mức độ hài lòng của tài xế được công bố bởi Waze và lưu lượng giao thông bởi TomTom, một nhà sản xuất công cụ điều hướng, chỉ ra rằng Jakarta và Manila dẫn đầu trong bảng xếp hạng những thành phố có giao thông tệ nhất thế giới.

Trong kết quả điều tra gần đây nhất của Waze, Cebu của Philippines bị xếp hạng giao thông tồi tệ nhất, năm thành phố khác của Indonesia xếp hạng top 10 tệ nhất. Các chỉ số lưu lượng giao thông của TomTom năm 2016 xếp hạng Bangkok là nơi tệ thứ hai, và chín thành phố của Trung Quốc nằm trong top 25 nơi tệ nhất. Một bản điều tra người dùng mới, được công bố bởi Bumbeo, xếp hạng Kolkata, Mumbai, Jakarta và Manila là 5 thành phố tắc nghẽn nhất trên toàn thế giới.

Lũ lụt chết người

Một vấn nạn nữa đang diễn ra khắp các thành phố châu Á: lũ lụt. Vào giữa tháng 7, lũ tràn qua miền nam và miền đông Trung Quốc giết chết hơn 200 người và gây thiệt hại kinh tế 147 tỉ nhân dân tệ (khoảng 21,9 tỉ USD), thiệt hại nặng nhất là Wuhan, thành phố với hơn 10 triệu dân.

Một báo cáo năm 2016 bởi tổ chức phi chính phủ Christian Aid công bố danh sách 10 thành phố lũ lụt nhất thế giới trong đó có 9 thành phố châu Á, Kolkata, Mumbai và Dhaka xếp hạng đầu tiên. Bangkok, nơi bị tàn phá nặng nề bởi trận lũ lịch sử năm 2011, là thành phố đứng thứ 7.

40% diện tích của đô thị Jakarta nằm dưới mực nước biển và tệ hơn còn lún sâu thêm trung bình 7cm mỗi năm. Lũ lụt là một hiểm họa nghiêm trọng, tuy nhiên bài học lịch sử vùng đất lún Tokyo đã có thể đảo ngược tình thế chứng tỏ tình trạng của Jakarta có thể cải thiện được.

Biến đổi khí hậu và các yếu tố địa lý đang khiến các thành phố ngày càng yếu thế trong việc chống chọi lũ lụt, nhưng dường như chính quyền các thành phố vẫn chưa sẵn sàng giải quyết các nguyên nhân chủ quan. Ở Dhaka, Phnom Penh và Yangon, rác thải vùi lấp các ống thoát nước, mặc dù những thành phố này thuộc quốc gia có khối lượng rác thấp hơn rất nhiều so với các thành phố giàu có như Hong Kong.

Theo Jolanta Kryspin-Watson, chuyên gia quản lý rủi ro thiên tai quốc gia thuộc Ngân hàng Thế giới, “kiểm soát rác thải kém, qui hoạch đô thị yếu và phát triển đô thị vô tổ chức là những yếu tố phổ biến làm phức tạp sự kiểm soát lụt lội và gây ra lụt lội nặng nề hơn ở nhiều thành phố châu Á".

Không khí ô nhiễm

Tuy nhiên rác thải còn không nguy hại đến sức khỏe cộng đồng bằng chất lượng không khí kém. Không lấy làm ngạc nhiên khi các thành phố ở các nền kinh tế phát triển nhanh và nghèo hơn thường bị ô nhiễm không khí nặng nề nhất, theo như Tổ chức Y tế thế giới WHO. WHO cho hay 98% thành phố có hơn 100.000 dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình không đáp ứng nguyên tắc chất lượng không khí của WHO.

Tăng trưởng kinh tế nhanh, tiêu thụ nhiều nhiên liệu và tốc độ mở rộng đô thị quá nhanh nhưng không bền vững đang khiến các thành phố ô nhiễm hơn. Một nguyên nhân quan trọng nữa là số lượng xe máy khổng lồ ở các đô thị châu Á.

Phương Anh

Nikkei

Trở lên trên