MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tắc nghẽn hàng hóa ở Việt Nam và châu Á, doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu chấp nhận giá cước tăng vọt nhưng vẫn không thể gom đủ hàng

Tắc nghẽn hàng hóa ở Việt Nam và châu Á, doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu chấp nhận giá cước tăng vọt nhưng vẫn không thể gom đủ hàng

Các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, các cửa hàng bán lẻ thực phẩm ở châu Âu đang lo ngại tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cũng như châu Á có khả năng sẽ làm đứt gãy nguồn cung cho châu Âu vào thời điểm nhu cầu mua sắm tiêu dùng ở đây tăng cao.

Thời điểm hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn chưa từng có khi phải đối mặt với tình trạng thiếu container rỗng trầm trọng và giá cước vận tải biển tăng. Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu hàng hóa, nhưng hàng loạt đơn hàng phải lưu kho, đàm phán lại, do không có container rỗng và giá cước vận tải tăng đột biến.

Cụ thể, giá cước vận tải đường biển xuất hàng qua thị trường châu Âu và Mỹ thời gian qua đã tăng 7 - 10 lần. Theo báo cáo cập nhật ngành logistics của SSI Research, sự tắc nghẽn, gián đoạn của hệ thống logistics thế giới sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Dự báo, giá cước vận tải có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021, đến nửa đầu năm 2022 mới giảm nhẹ và phải đến 2023 mới ghi nhận mức giảm đáng kể.

Tắc nghẽn hàng hóa ở Việt Nam và châu Á, doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu chấp nhận giá cước tăng vọt nhưng vẫn không thể gom đủ hàng - Ảnh 1.

Nguồn:SSI

Được biết, 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, vì chưa có doanh nghiệp logistics quốc tế có chuyến tới châu Âu và châu Mỹ. Vì vậy, quyền thuê tàu và chi trả giá cước vận tải thuộc về đối tác nước ngoài nên chủ doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể tác động vào giá của chuỗi vận tải quốc tế. Bởi vậy mà các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá cước trên các tuyến đường dài.

Tình hình căng thẳng tới mức, giá cước vận tải biển tăng cao cũng không là vấn đề chính nữa, miễn là có hàng để bán.

Tình hình hiện tại, các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản châu Á ở các quốc gia châu Âu đang phải tích trữ hàng hóa để cầm cự. Trong khi đó ở châu Á, dịch bệnh bùng phát, vùng nguyên liệu bị cô lập, công suất sụt giảm. Nếu dịch bệnh kéo dài, nguồn cung nông sản từ châu Á cũng như Việt Nam sang châu Âu sẽ giảm sút, thậm chí đứt đoạn.

Trả lời phỏng vấn với VTV, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V (Hà Lan), ông Phạm Văn Hiển cho biết: "Khi Covid-19 tăng mạnh ở các nước châu Á thì công ty đã đặt hàng rất nhiều so với trước đây. Và hiện nay công ty đang theo dõi rất sát tình hình giá cước vận tải".

"Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ không phải là vấn đề về giá cước vận tải nữa, mà quan trọng là phải có hàng để kịp cung ứng cho thị trường vào thời điểm cuối năm." – đại diện của LTP nhấn mạnh.

Tại châu Âu, giá cả của các mặt hàng nông sản châu Á đang tăng. Nếu trường hợp chuỗi cung ứng vận tải bị đứt gãy thì giá sẽ còn tăng cao hơn nữa. Vậy nên, các doanh nghiệp nhập khẩu tại châu Âu, một mặt phải tăng số lượng hàng hóa dự trữ trong kho nhiều nhất có thể. Mặt khác, hạn chế lượng hàng hóa bán ra.

Mặt hàng đang bị ảnh hưởng nhiều nhất và chủ yếu là những mặt hàng đồ khô (bánh phở, bún, bánh hỏi,...), đồ đông lạnh, đồ tươi sống, rau quả tươi. Tại các cửa hàng bán lẻ ở châu Âu, lượng hàng dự trữ trong kho sẽ chỉ đủ cung cấp trong vòng 3 tháng tới. Thế nhưng, nếu 2 tháng nữa mà nguồn cung chưa được phục hồi thì sẽ là một vấn đề lớn.

Vậy nên, các doanh nghiệp nhập khẩu, cũng như các cửa hàng nông sản ở châu Âu hy vọng đại dịch Covid-19 ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung sẽ sớm được kiểm soát, khống chế để kịp có đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường châu Âu trước khi đến thời điểm mua sắm nhiều nhất trong năm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, thủy sản 7 tháng năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 42% thị phần, châu Mỹ 31%, châu Âu 11%, châu Phi 1,9%, châu Đại Dương 1,5%. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 8,2 tỷ USD (chiếm 28,9% thị phần).

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, đạt gần 5,5 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần). Thị trường Nhật Bản ở vị trí thứ 3, với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 6,8%) và thị trường Hàn Quốc ở vị trí thứ tư, đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 4,3%.

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên