MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, Hòa Bình (HBC) liệu có trở lại trong năm 2020?

Những khó khăn nội tại của Hòa Bình được các nhà đầu tư nhìn nhận ở 3 khía cạnh. Đó là khoản phải thu đang tăng lên, vấn đề dư nơ vay và cuối cùng là dòng tiền. Tuy vậy, trong thời gian gần đây Hòa Bình đã có những phương án nhằm cải thiện tình hình.

Thời gian gần đây, vấn đề cấp phép xây dựng bị vướng mắc ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM đã tác động khá lớn đến các doanh nghiệp ngành xây dựng. Báo cáo lợi nhuận của 2 doanh nghiệp đầu ngành là Hòa Bình (HBC) và Coteccons (CTD) đều khá tiêu cực trong năm 2019. Lợi nhuận các quý trong năm 2019 của 2 doanh nghiệp này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, Hòa Bình (HBC) liệu có trở lại trong năm 2020? - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu HBC

Sau khi tạo đỉnh từ quý 4/2017, nhóm ngành xây dựng đã trải qua quá trình điều chỉnh kéo dài. Từ vùng đỉnh 38.000 – 40.000 đồng/cp (giá điều chỉnh), thị giá HBC hiện đã giảm khoảng 70%. Dù vậy, đây vẫn là cổ phiếu thu hút dòng tiền đầu tư khá lớn.

Trong 10 giao dịch phiên gần đây, cổ phiếu HBC tăng khoảng 15% từ mức giá thấp nhất được thiết lập ngày 25/12/2019. Lực cầu dẫn dắt không chỉ đến từ các nhà đầu tư trong nước mà giai đoạn này đã xuất hiện sự tham gia mua vào của nhà đầu tư nước ngoài. Sự hồi phục về giá của HBC gây bất ngờ cho các nhà đầu tư trên thị trường vì trong cách nhìn của nhiều nhà đầu tư khó khăn của ngành xây dưng vẫn còn đó.

Hòa Bình liệu có trở lại trong năm 2020?

Những khó khăn nội tại của Hòa Bình được các nhà đầu tư nhìn nhận ở 3 khía cạnh. Đó là khoản phải thu đang tăng lên, vấn đề dư nơ vay và cuối cùng là dòng tiền. Tuy vậy, trong thời gian gần đây Hòa Bình đã có những phương án nhằm cải thiện tình hình.

Tín hiệu tích cực trong quá trình thu hồi nợ

Theo chuẩn mức kế toán quốc tế ISA 11, chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), "Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng" được ghi nhận cùng lúc với doanh thu.  Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà Hòa Bình đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.

Trong khi đó, "Phải thu khách hàng" được chuyển từ "Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng" đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho Hòa Bình và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.

Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, Hòa Bình (HBC) liệu có trở lại trong năm 2020? - Ảnh 2.

Mặc dù khoản phải thu lớn, nhưng chất lượng các khoản phải thu của Hòa Bình đã có sự cải thiện đáng kể khi mà các khoản phải thu theo tiến độ (chưa xuất hóa đơn) đã giảm mạnh về cả giá trị lẫn tỷ lệ. Sau khi hoàn thành toàn bộ các hồ sơ thanh toán, khoản công nợ sẽ được chuyển từ mục "Phải thu theo tiến độ hợp đồng" sang mục "Phải thu khách hàng". Đây là khoản nợ đã được xác nhận của khách hàng và sẽ được thanh toán theo thời hạn trong hợp đồng.

Theo Hòa Bình, trong quý 4/2019, công ty đã thu hồi được gần 5.100 tỷ đồng. Trung bình tháng 10 – 11, bình quân mỗi tháng thu hồi 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt trong tháng 12, công tác thu hồi được tập trung triển khai mạnh mẽ đã giúp Hòa Bình thu được hơn 2.100 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực xây dựng, việc chủ đầu tư chiếm dụng vốn của nhà thầu là điều khó tránh, nhưng điểm tích cực là tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn từ 2014-2018 của Hòa Bình vẫn luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng khoản phải thu.

Năm 2019 dù tình hình thị trường BĐS, xây dựng có nhiều khó khăn nhưng 9 tháng đầu năm doanh thu của Hòa Bình vẫn tăng trưởng 8%, trong khi tổng nợ có tuổi hơn 6 tháng đang giảm dần. Đặc biệt nhóm nợ có tuổi nợ từ 2-3 năm và trên 3 năm giảm rất mạnh. Tổng nợ có tuổi từ 2-3 năm trong năm 2019 giảm hơn 72,6%. Tổng nợ có tuổi 3 năm cũng giảm hơn 75,15%.

Cơ cấu lại danh mục khách hàng, tập trung chủ đầu tư uy tín, có tính khả thi cao, tiềm lực tài chính mạnh

Năm 2019, Hòa Bình thực hiện cơ cấu lại danh mục khách hàng, tập trung vào các chủ đầu tư uy tín, các dự án có tính khả thi cao và có nguồn tài trợ rõ ràng. Một số dự án lớn có thể kể tới như Alma Resort, Imperia Sky Garden, Vincity Gia Lâm, Vincity Grand Park…

Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, Hòa Bình (HBC) liệu có trở lại trong năm 2020? - Ảnh 3.

Những khách hàng lớn của Hòa Bình trong năm 2019

Với khoản nợ kéo dài lâu nay, Hòa Bình đang làm việc với từng chủ đầu tư để lên phương án thu hồi nợ.

Chiến lược cấu trúc vốn, cải thiện dòng tiền

Dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình tiếp tục là mối quan tâm lớn đối với nhà đầu tư khi liên tục ghi nhận âm trong thời gian gần đây. Trung tuần tháng 12/2019, CFO Hòa Bình đã có chuyến thăm và làm việc với các tập đoàn và quỹ đầu tư tại Hàn Quốc, nằm trong chiến lược cấu trúc vốn, cải thiện dòng tiền của Tập Đoàn.

Theo ban lãnh đạo Hòa bình, Tập đoàn đã có phương án cải thiện dòng tiền từ năm 2020. Cụ thể, Hòa Bình có kế hoạch khoản phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi (khoảng 1.200 tỷ đồng) nhằm thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và dùng phần tiền còn lại tái đầu tư cho công ty thành viên, phát triển mảng hạ tầng công nghiệp và tái cơ cấu mảng sản xuất vật liệu xây dựng để tạo thành chuỗi giá trị, hoàn thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn.

Dư nợ vay ngân hàng của Hòa Bình cũng bắt đầu có tín hiệu giảm từ quý 4/2019. So với mức dư nợ bình quân các quí trước khoảng trên 5.200 tỷ thì quý 4 bắt đầu giảm hơn 10%.

Động lực tăng trưởng của Hòa Bình trong giai đoạn 2020-2025

Bất động sản công nghiệp hiện là lĩnh vực hấp dẫn trong năm 2019 khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp. Cuộc so găng này góp thêm chất xúc tác giúp Việt Nam lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà sản xuất nước ngoài, ít nhiều giúp Việt Nam hưởng lợi bởi các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn. Hòa Bình cho biết đây sẽ là một trong những mảng đẩy mạnh phát triển từ năm 2020.

Cơ cấu lợi nhuận của Hòa Bình trong các năm tiếp theo sẽ hạ dần tỷ trọng nhóm xây dựng dân dựng. Hòa Bình cho biết cơ cấu lợi nhuận trong năm 2020 gồm 60-65% từ mảng xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, hạ tầng sẽ tăng tỷ trọng dần lên từ 35%-40%.

Để tham gia trong mảng xây dựng hạ tầng, công nghiệp, Hòa Bình đã tiến hành mua phần vốn 57% của Công ty 479, đơn vị được tách ra từ Tổng công ty Cienco4, chuyên về thi công hạ tầng, có bề dày kinh nghiệm ở những công trình hạ tầng quy mô trong cả nước, sở hữu lượng khách hàng lớn về lĩnh vực hạ tầng.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên