170 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ sẽ vào đâu?
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: "Chính sách tài khóa năm 2014 phải chặt chẽ nhưng không phải là thắt chặt một cách tuyệt đối".
- Tài khóa năm tới sẽ tiếp tục khó khăn, không chắc cải thiện được bởi nguồn thu năm 2013 giảm. Những cái tạo ra nguồn thu mới lại căn cứ vào đầu tư của năm vừa rồi, đầu tư toàn xã hội giảm, đầu tư qua kênh ngân hàng chỉ đạt hơn 8%, đầu tư qua ngân sách cũng đang có vấn đề, sản xuất kinh doanh của DN chưa phục hồi... Nguồn thu đã khó, nguồn chi lại không giảm được nhanh, dù có phân bổ sắp xếp lại.
Khả năng thu sắp tới và cái đã thu hiện nay được đặt trong bối cảnh bội chi ngân sách ở mức cao, tới 5,3%, biểu hiện một nền ngân sách rất khó khăn.
Trong hệ thống tài chính tiền tệ năm tới, vấn đề xếp số 1 là DN tiếp tục khó khăn, số 2 là ngân sách đang có vấn đề, số 3 thu ngân sách giảm, đầu tư giảm và khả năng sản xuất giảm thì thu ngân sách sẽ giảm nữa. Do đó, khả năng cần đối thu - chi lại càng khó hơn.
Tới đây, có thể chưa có điều chỉnh gì về chính sách tài khóa, bởi điều chỉnh phải dựa trên cơ sở thực lực. Điều chỉnh tăng thu thì không được, giảm thu thì đã hết sàn, giảm chi chỉ còn một chỗ là sắp xếp lại và giảm chi hành chính.
Nhưng nếu trong năm 2014, chúng ta tiếp tục sắp xếp lại DN thì phải giảm chi hành chính và các thứ khác. Đặc biệt, giai đoạn đầu của quá trình sắp xếp lại DN, phí tổn sẽ tăng lên, ngay cả khi làm tốt thì cũng phải vài ba năm sau mới có thể tăng được thu.
* Trong bối cảnh đó, theo ông, một chính sách tài khóa như thế nào là phù hợp cho DN phát triển?
- Năm 2014, để đảm bảo giữ được mức bội chi 5,3%, chính sách tài khóa sẽ phải kiểm soát chặt hơn. Khuynh hướng chung là vẫn khó khăn trong cả thu và chi ngân sách. Chính sách tài khóa năm 2014 phải chặt chẽ nhưng không phải là thắt chặt một cách tuyệt đối.
Chặt chẽ theo việc quản lý nguồn chi và đặc biệt là tăng cường tận thu. Đối với một số lĩnh vực có điều kiện sử dụng nhiều lao động, có điều kiện tạo nên một sức mua mới thì phải đưa vốn vào.
Một khi chính sách tài khóa phải kiểm soát chặt hơn, phần vốn đầu tư qua kênh tài chính sẽ hạn chế, DN sẽ khó khăn, bởi chỉ có hai nguồn vốn chính: Từ ngân hàng rót vào và hỗ trợ thông qua các dự án. Nếu số dự án ít đi thì khả năng phát triển sản xuất của các DN cũng sẽ thấp, lực lượng lao động cũng bị hạn chế.
* Sự lan tỏa của 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ phát hành thêm có tới được khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh không, thưa ông?
- Việc Chính phủ sẽ phát hành thêm 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu cộng với 240 tỷ đồng trước đây, số tiền vào nền kinh tế hai năm tới sẽ rất lớn. Nhưng lượng tiền này chủ yếu vào khu vực DNNN, còn doanh nghiệp tư nhân chỉ hi vọng ở vòng ngoài chứ không được thụ hưởng trực tiếp.
* Ông dự báo thế nào về thu ngân sách từ khu vực DN nhỏ và vừa?
- DN nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn, chưa có lối thoát, số ngừng sản xuất vẫn tăng. Đến nay vẫn chưa có giải pháp nào đột phá, đủ sức giúp DN thoát khỏi tình trạng trì trệ. Vừa rồi có chuyển biến chút ít, nông nghiệp có một vài dấu hiệu khởi sắc, công nghiệp đã giữ lại tốc độ tăng trưởng, tỷ giá ổn định và dự trữ được tăng lên.
Nhưng lạm phát dù đã giảm nhưng vẫn ở mức 7% cho nên lãi suất tiền gửi, tiền vay không thể giảm xuống nhanh được. Nếu dừng ở mức này thì so với khu vực và thế giới, lãi suất cho vay vẫn cao gấp đôi, các nước cho vay với lãi suất 4 - 5%, còn ở ta vẫn 9 - 10%... Những yếu tố đó chưa đủ sức tạo lối thoát cho DN, làm tăng sức mua và tăng thu cho ngân sách.
* Cảm ơn ông!
Theo Hải Vân