MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 tội danh cho tín dụng đen

20-03-2016 - 08:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Hàng chục gia đình bán nhà đất cho một người hay một DN với giá rẻ chỉ bằng 1/5 – 1/10 giá trị thật. Đây là hệ quả đau lòng của tín dụng đen tại các miền quê.

Cùng một “chiêu” lừa đảo?

Ông Trương Ngọc Danh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang có đối tượng Nguyễn Thị Bé Tám đã cho trên 40 người vay nợ từ năm 2013 trở lại đây. Những người là con nợ của bà Tám phản ánh, để được vay tiền, họ phải ra công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho bà Tám. Đến khi con nợ không còn khả năng trả tiền thì bị bà Tám buộc họ phải giao nhà và đất, nếu người nợ tiền không giao tài sản, bà Tám kiện ra tòa và tòa xử cho bà Tám luôn là người thắng kiện.

Bà Phan Thị Út, xã Tân Phú, huyện Thới Bình cho biết, đầu tháng 9/2014, bà Út vay 150 triệu đồng từ bà Tám với lãi suất 3%/tháng. Để được vay số tiền này bà phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Tám với giá trị 200 triệu đồng, trong khi giá trị nhà và đất gần 1 tỉ đồng. Đến hạn không có tiền trả, bà Tám xiết lấy cả nhà và đất. Bà Út bùi ngùi: “Khi vay tiền, bà Tám nói hợp đồng chỉ là hình thức thôi, nên bản thân tôi và nhiều người khác không do dự mà ký vào. Thế nhưng mấy tháng trước, trong lúc tôi đi vắng, bà Tám cho người khóa cửa nhà tôi, rồi ghi chữ bán nhà và số điện thoại liên hệ của bà ấy”.

Tương tự, ông Đoàn Minh Luân, thường trú tại xã Thới Bình, huyện Thới Bình vay của bà Tám số tiền 200 triệu đồng, làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (diện tích 30.000m2) thành 320 triệu đồng trong khi giá trị của tài sản thế chấp gần 2 tỉ đồng. Do ông Luân không còn khả năng trả nợ, bà Tám khởi kiện ông Luân ra tòa, vì cho rằng mình mua đất của ông Luân có lập hợp đồng và đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện vụ việc đang được tòa án thụ lý.

Vụ việc nhiều gia đình mất nhà khi đi vay tiền của Cty CP Cát Nam Phong (địa chỉ tại A105 tòa nhà M3,M4 số 91 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa và số 30 ngõ 144 phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng là những trường hợp tương tự tại Cà Mau. Người vay tiền cũng phải viết giấy bán nhà, đất cho giám đốc Cty Nam Cát Phong là bà Nguyễn Thị Hải Yến. Nhưng sau đó, bị Cty này cầm cố vay ngân hàng với số tiền lớn hơn nhiều lần. Khi bị NH đến phát mãi nhà, đất thì mọi người mới biết rằng mình bị lừa nhưng đã muộn.

Việc cho vay tiền bằng hình thức viết giấy bán nhà là một thực trang đang và chắc sẽ vẫn còn diễn ra.

Xem xét 3 tội danh

Theo LS Trương Thanh Đức – Chủ tịch Cty luật Basico, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH, nếu để xử lý hình sự các đối tượng trên thì có thể xem xét ở 3 tội danh.

Thứ nhất, họ bị xử với tội “cho vay nặng lãi” thì hành vi này được xử lý theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đây là cách làm rất khó bởi vì trong thực tế, các giao dịch cho vay trong cộng đồng dân cư không bao giờ ghi “mức lãi suất”. Các giao dịch thường chỉ ghi lãi suất theo thỏa thuận hoặc cộng ngay lãi vào số tiền vay nên rất khó chứng minh.

Thứ hai, khép vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan công an phải chứng minh được người cho vay tiền cố tình nói không sao hoặc dụ dỗ người khác ký giấy bán nhà rồi chiếm đoạt nhà đất của người đi vay tiền. Đây là hướng điều tra mà cơ quan công an tại các địa phương đang triển khai. Tuy nhiên, muốn xử lý được thì trước tiên cơ quan công an và chính quyền địa phương phải thật quyết tâm vào cuộc. Nếu chỉ điều tra khơi khơi thì rất khó có bằng chứng để chứng minh có tội.

Thứ ba, xử lý với tội danh “cưỡng đoạt tài sản” đối với hành vi người cho vay tiền dùng các đối tượng “xã hội đen” để ép buộc người dân phải ra khỏi nhà, đất của họ sau khi người dân viết giấy bán nhà. Trường hợp này thì có thể . Tuy nhiên hiện nay, người cho vay tiền ít dùng cách này nên rất ít trường hợp bị xử lý.

Nếu xét dưới góc độ hành chính thì hầu như rất ít khả năng làm được và từ trước đến nay công cụ này gần như không phát huy đối với trường hợp cho vay nặng lãi cầm cố nhà đất. Mặc dù, 100% các tiệm cầm đồ hiện nay đều cho vay vượt quá quy định của Ngân hàng nhà nước nhưng đã mấy ai bị phạt đâu? Còn lại người dân cho vay cá nhân bao nhiêu cũng được, thoải mái thì chưa có ai bị xử lý hành chính.

Xét ở góc độ dân sự, nếu chứng minh được rằng người đi vay bị cưỡng ép, bị lừa dối… thì hoàn toàn có thể tuyên hủy hợp đồng. Tuy nhiên, cái khó ở đây là các hợp đồng lại được công chứng, chứng thực đầy đủ. Muốn xác định được người đi vay tiền bị cưỡng ép, bị lừa dối thì phải trải qua rất nhiều chứng cứ, bằng chứng để chứng minh. Người dân phải có sự giúp đỡ điều tra của công an mới làm được theo hướng này. Bởi vì, người cho vay họ thường đề phòng trước và xây dựng hồ sơ chứng cứ khá chắc chắn về phía họ.

Việc cho vay tiền bằng hình thức viết giấy bán nhà là một thực trang đang và chắc sẽ vẫn còn diễn ra. Hệ lụy của những vụ việc này tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, đặc biệt là những người vốn đang gặp phải cảnh khó khăn về tài chính. Nếu chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an không thực sự dồn tâm huyết vào cuộc thì vấn nạn này khó có thể giải quyết tận gốc được.

Theo Bá Tú

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên