MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai tiếp tay Lâm Ngọc Khuân chiếm đoạt 500 tỷ đồng?

03-07-2014 - 10:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Từ năm 2008 đến 2012, Công ty Phương Nam được vay hơn 16.000 tỷ đồng, nhưng sử dụng sai mục đích gần 10.000 tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tống đạt kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam, trụ sở tại TP.Sóc Trăng) và một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu. 27 cán bộ công ty và lãnh đạo một số ngân hàng đã bị đề nghị truy tố.

Kỳ 1: Lỗ gần 900 tỷ đồng nhưng vẫn xây lâu đài

Kinh doanh lỗ với số tiền khủng

Xuất thân từ mua bán thủy sản, vào lúc ngành thủy sản “có thời”, Lâm Ngọc Khuân liền chớp thời cơ thành lập Công ty Phương Nam. Theo đó ngày 8-1-1998, Công ty Phương Nam được thành lập với ngành nghề thu mua chế biến tôm xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và mua bán thức ăn tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm.

Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, ngày 24-2-2010, công ty đăng ký vốn điều lệ là 295 tỷ đồng; trong đó ông Khuân góp 35,26% Trần Thị Mỹ (vợ ông Khuân) góp 20,5%, con gái Lâm Ngọc Hân góp 20,24%, cháu gái Huỳnh Phúc Quế góp khống 24%. Ông Khuân giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty.

Do không nắm bắt được thị trường, thích xài sang, ông Khuân đã đẩy công ty lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Từ năm 2008 đến ngày 30-9-2012, Công ty Phương Nam vay nợ của các tổ chức tín dụng số tiền khá lớn, nhưng không có khả năng thanh toán. Năm 2008, công ty nợ gần 800 tỷ đồng, kinh doanh lỗ 15 tỷ đồng. Đến năm 2009, công ty nợ hơn 1.000 tỷ đồng, lỗ 125 tỷ đồng. Những năm kế tiếp, Công ty Phương Nam nợ ngày càng tăng, lỗ ngày càng nhiều. Năm 2011, công ty nợ gần 1.500 tỷ đồng và lỗ 322 tỷ đồng.

Biết không có khả năng thanh toán số nợ khủng, Khuân nghĩ ra cách chiếm đoạt tiền Nhà nước. Lợi dụng mối quan hệ với ngân hàng, Khuân bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo. Từ năm 2008 - 2010, Khuân chỉ đạo cho Lâm Ngọc Hân, Lâm Minh Mẫn, kế toán trưởng, thực hiện hành vi gian dối để vay được tiền. Được sự chỉ đạo của giám đốc, Mẫn lập 19 báo cáo tài chính khống kết quả kinh doanh hàng năm đều có lãi để xin vay vốn. Khuân ký 13 bản, Hân 4 bản, Trịnh Thị Hồng Phượng, phó giám đốc công ty được Khuân ủy quyền ký 2 bản.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn lập báo cáo hàng hóa tôm đông lạnh nhập, xuất, tồn nâng khống số lượng trị giá từ 123 tỷ đồng lên đến 747 tỷ đồng để thế chấp các ngân hàng; sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất photo thành nhiều bản rồi xác nhận sao y bản chính của công ty gởi đến các ngân hàng để giải ngân, nhằm sử dụng vốn sai mục đích và chiếm đoạt tiền.

Ngày 11-11-2011, Khuân cùng vợ Trần Thị Mỹ nghĩ đến cách cao chạy xa bay, nên đến Phòng công chứng Ba Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ủy quyền cho con trai là Lâm Ngọc Khoa sở hữu 42 tài sản cá nhân đã dùng thế chấp ngân hàng.

Ngày 30-11-2011, cặp đôi lừa đảo Khuân - Mỹ lấy lý do sang Mỹ chữa bệnh để trốn nợ, ủy quyền cho con gái Lâm Ngọc Hân làm giám đốc. Ngày 11-7-2012, Hân xuất cảnh trở về Mỹ. Các ngân hàng phát hiện Công ty Phương Nam không còn khả năng thanh toán, đã yêu cầu Khuân về Việt Nam giải quyết nợ nần. Ngày 17-9-2012, từ Mỹ, Khuân - Mỹ - Hân thống nhất ủy quyền cho Quế (thành viên Hội đồng quản trị) được thay mặt công ty giải quyết và có thư xin lỗi các ngân hàng vì không có khả năng thanh toán nợ.

Xây lâu đài hoành tráng

Lâu đài bề thế của ông Khuân xây dựng bằng vốn vay ngân hàng

Hồ bơi để ông Khuân và gia đình nghỉ ngơi

Tuy nợ đầm đìa nhưng Khuân vẫn đóng vai đại gia để lừa đảo. Từ năm 2008, khi tiến hành xây dựng căn lâu đài (tại Quốc lộ 1A, khóm 2, phường 7, TP.Sóc Trăng), Khuân thường khoe khoang để cho đối tác đến công ty có chỗ nghỉ ngơi, khỏi phải thuê khách sạn. Những lúc cao hứng, Khuân khoe mỗi phòng trong lâu đài đầy đủ tiện nghi không kém khách sạn 5 sao. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác nhận, số tiền hơn 28 tỷ đồng để xây dựng lâu đài trên là tiền vay của các tổ chức tín dụng.

Khuân đã chỉ đạo cho Phượng - Mẫn ký hợp đồng thi công văn phòng làm việc của công ty, để lấy tiền vay trả nợ vật tư xây dựng. Khuân ký 23 chứng từ trị giá 12 tỷ đồng; còn lại Hân - Phượng ký. Xây dựng xong, Khuân hợp thức hóa cho Mỹ đứng tên. Từ ngày 1-1-2008 đến ngày 30-9-2011, Khuân đã chỉ đạo cho Mẫn và Hân chi tạm ứng 71 tỷ đồng bằng 176 chứng từ để đi công tác nước ngoài, tiếp khách... Đầu tháng 8-2009, vợ chồng Khuân lấy tiền công ty mua căn hộ cao cấp tại khu Phú Mỹ Hưng. Biết ngân hàng không cho vay vì không thanh toán nợ, Khuân lập chứng từ rút 18 tỷ đồng để xây dựng công ty con. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, Khuân chiếm hưởng cá nhân 52 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định, từ năm 2008 đến năm 2012, Khuân vay các ngân hàng với số tiền hơn 16.000 tỷ đồng; trong đó, sử dụng đúng mục đích hơn 6.200 tỷ đồng, còn lại sử dụng sai mục đích như: trả nợ ngân hàng 9.000 tỷ đồng và 200 tỷ đồng dùng mua đất xây nhà, xây dựng công ty và chiếm đoạt cá nhân.

Cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu giám định tài sản của Khuân đã thế chấp ngân hàng, có giá trị hơn 639 tỷ đồng. Tại thời điểm cơ quan chức năng vào cuộc, Khuân nợ 8 ngân hàng gần 1.600 tỷ đồng. Như vậy, Khuân và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng gần 500 tỷ đồng. Mẫn và Phượng bị đề nghị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với Khuân và con gái Ngọc Hân, Cơ quan cảnh sát điều tra đã phát lệnh truy nã quốc tế.

(Còn tiếp)


>>> 25 cán bộ ngân hàng bị truy tố


Theo Thiện Thảo

hangnt

Công an Tp. Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên