MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai tiếp tay Lâm Ngọc Khuân chiếm đoạt 500 tỷ đồng? (kỳ cuối)

04-07-2014 - 15:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi giải ngân cho Công ty Phương Nam hàng trăm tỷ đồng, cán bộ ngân hàng (NH) chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính. Vì vậy, 8 NH đã bị ông Lâm Ngọc Khuân để lại “quả bom nợ”.

Giải ngân hàng trăm tỷ bằng báo cáo khống

Tính đến ngày 31-10-2012, Công ty Phương Nam nợ các NH gồm: NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Sóc Trăng (CNST) hơn 534 tỷ đồng, trong đó lãi 36 tỷ đồng; NH phát triển Việt Nam CNST lãi gần 78 tỷ đồng, nợ gốc 341 tỷ đồng; NH thương mại cổ phần (TMCP) Bưu điện Liên Việt - Sở Giao dịch Hậu Giang nợ 363 tỷ đồng; NH TMCP Sài Gòn Thương Tín CNST nợ 162 tỷ đồng; NH TMCP Ngoại thương Việt Nam CNST nợ 126 tỷ đồng; NH TMCP An Bình chi nhánh Bạc Liêu nợ 87 tỷ đồng và NH Liên doanh Việt Thái nợ gần 50 tỷ đồng.

Theo lời khai của Lâm Minh Mẫn, từ năm 2008 Công ty Phương Nam đem thế chấp hàng tồn kho luân chuyển cho NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn CNST trị giá 350 tỷ đồng, thế chấp cho NH TMCP Ngoại thương Việt Nam CNST trị giá 80 tỷ đồng, thế chấp cho NH Phát triển Việt Nam CNST 100 tỷ đồng và thế chấp cho NH TMCP Bưu điện Liên Việt - Sở Giao dịch Hậu Giang 70 tỷ đồng. 

Hai năm sau, Công ty Phương Nam tiếp tục dùng hàng tồn kho luân chuyển thế chấp NH TMCP Sài Gòn Thương Tín vay 50 tỷ đồng và NH TMCP An Bình chi nhánh Bạc Liêu vay 80 tỷ đồng. Bị can Trịnh Thị Hồng Phượng thừa nhận, biết công ty hoạt động thua lỗ nhưng Khuân chỉ đạo phải lập bản báo cáo tài chính có lãi và ký văn bản cam kết kho hàng chưa thế chấp NH nào. Nhờ vậy, Công ty Phương Nam không hoạt động, không có khả năng thanh toán nhưng được NH TMCP Bưu Điện Liên Việt giải ngân số tiền hơn 258 tỷ đồng.

Bài học cho các cán bộ ngân hàng

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 25 cán bộ ngân hàng lần lượt bị bắt giam về các hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong các hoạt động của tổ chức tín dụng”.

Ban đầu, Khuân nhắm tới NH Phát triển Việt Nam CNST để được vay gói ưu đãi theo Chương trình hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ. Từ ngày 12-3-2008 đến 24-4-2011, ông Nguyễn Thế Thắng, giám đốc đã ký 6 hợp đồng tín dụng do Khuân và Hân đứng tên thế chấp tài sản là bất động sản bằng 15 - 30% tổng dư nợ; số còn lại đảm bảo bằng hàng hóa tồn kho để vay 1.870 tỷ đồng. Toàn bộ hồ sơ vay vốn được thực hiện theo đúng trình tự: thành lập tổ định giá, chuyên viên quản lý công ty và xin ý kiến chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng. Qua kiểm tra, một số tài sản chỉ 300 tỷ đồng nhưng được ông Thắng và cấp dưới duyệt cho vay gần 500 tỷ đồng.

Từ ngày 24-3-2009 đến 30-6-2009, NH Phát triển Việt Nam CNST giải ngân cho Công ty Phương Nam vay đến 47 lần với số tiền 311 tỷ đồng. Ông Thắng còn chỉ đạo cấp dưới, khi giải ngân không chuyển tiền vào tài khoản của người thụ hưởng theo quy định mà giải ngân vào tài khoản tiền gửi của Công ty Phương Nam tại các ngân hàng khác. Chính vì vậy, ông Khuân có điều kiện rút thỏa mái để chi tiêu vô tội vạ. Hành vi của ông Thắng và thuộc cấp gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 343 tỷ đồng.

Tương tự, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an trưng cầu giám định tài chính của một số NH là nạn nhân của Khuân có kết luận: các NH giải ngân cho Công ty Phương Nam vay nhưng trong hồ sơ tài liệu, chứng minh mục đích sử dụng vốn vay không đầy đủ; công tác kiểm tra sau giải ngân sơ sài, không kiểm tra thực tế hàng tồn kho mà chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính của công ty lập khống; không kiểm tra thực tế hàng tồn kho... tạo điều kiện cho ông Khuân chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng rồi bỏ trốn.


>>> Ai tiếp tay Lâm Ngọc Khuân chiếm đoạt 500 tỷ đồng? 

Theo Thiện Thảo

hangnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên