MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ATM hết tiền thì phạt, nhưng báo lỗi thì sao?

05-12-2014 - 12:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng sẽ bị phạt 10 - 15 triệu nếu không giám sát được tồn quỹ trong máy ATM để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.

Theo Điều 28 về hoạt động thẻ ngân hàng của Nghị định 96 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Chính phủ ban hành thì từ 12/12/2014 sẽ áp dụng mức phạt từ 10 - 15 triệu trong trường hợp “ngân hàng không giám sát mức tồn quỹ tại máy ATM, không đảm bảo máy ATM phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định”.

Đó là một trong rất nhiều các chính sách có hiệu lực trong tháng 12/2014. Quy định này đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm của dư luận, bởi trong xu thế tiêu dùng không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến thì việc này đã tạo thêm một cú hích để người dân an tâm hạn chế việc mang tiền theo người.

Cũng phải nói thêm là hiệu lực của quy định cũng “rơi” rất đúng thời điểm, khi mà tết cổ truyền đã cận kề, là lúc nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng rất cao so với thường ngày. Có thể đây cũng là sự tính toán của nhà quản lý, là phép thử tác dụng của chính sách do mình ban hành.

Tuy nhiên, trao đổi với nhiều khách hàng, nhiều người cho rằng quy định như vậy vẫn chưa đầy đủ, bắt buộc các ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo anh Tuấn Anh (Gia Lâm, Hà Nội), nếu rút tiền nhưng máy không nhả tiền mà tài khoản vẫn bị bị trừ, gọi vào số điện thoại đường dây nóng trên cây ATM thì không ai bắt máy trả lời thì giải quyết thế nào, có nên xử phạt ngân hàng không?

Còn chị Thu Hương (Tây Hồ, Hà Nội) thì đặt câu hỏi: Theo quy định của Chính phủ vừa ban hành thì cứ cây ATM để hết tiền thì sẽ bị phạt, nhưng nếu người dân không thông báo thì liệu cơ quan quản lý có biết mà phạt không? Và nếu báo thì báo cho cơ quan nào? “Nên chăng công khai một đường dây nóng nhận phản hồi từ người rút tiền thì quy định sẽ thiết thực hơn” - chị Hương nói.

Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt như trên là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và các ngân hàng sẵn sàng nộp phạt. Thêm vào đó, khó có thể xác định lúc đó ATM hết tiền hay bị lỗi. Nhiều khi cây ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác của người rút.

Vấn đề xác minh nguyên nhân cụ thể máy ATM bị lỗi do hết tiền hay lỗi mạng cũng sẽ phức tạp và khó khăn. Việc này không chỉ tốn thời gian mà còn tốn cả nguồn nhân lực cho việc thanh, kiểm tra, giám sát, xác minh… Cũng đã từng xảy ra tình trạng cây ATM gặp sự cố không phải do hết tiền, do máy hỏng mà do mạng chập chờn.

Việc khách hàng gặp quá nhiều rắc rối với các tình huống nêu trên cho thấy rất cần một chế tài để giảm bớt tình trạng “máy hỏng, hết tiền”, song để nghị định này thực sự đi vào cuộc sống, nên chăng NHNN cần đưa ra những văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết và cụ thể hơn để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng khi xử phạt các hoạt động dịch vụ của NH nói chung, cũng như hoạt động trong giao dịch ATM nói riêng tại nghị định này.

>>> Chỉ 50% ATM là có người sử dụng thực

hangnt

Theo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên