Mặc dù Thủ trướng Chính phủ đã có Quyết định 14/2009/QĐ-TTg
ban hành Quy chế Bảo lãnh cho DN vay vốn của ngân hàng thương mại, theo đó giao
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) bảo lãnh cho DN vay vốn, song trên thực tế
sau 2 tháng triển khai, số lượng hồ sơ được bảo lãnh khá khiêm tốn.
Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Phó tổng giám đốc VDB - Sở giao dịch
2, tính đến hết tháng 3/2009 toàn hệ thống VDB đã nhận được 506 hồ sơ xin bảo
lãnh vay vốn. Tuy nhiên, sau quá trình sàng lọc chỉ có 177 hồ sơ đáp ứng đủ điều
kiện.
VDB đã phát hành chứng thư bảo lãnh vay vốn cho 152 hồ sơ, với tổng giá
trị vốn vay là 704 tỷ đồng. Riêng Sở giao dịch 2 nhận được 31 hồ sơ xin bảo
lãnh, trong đó từ chối 10 hồ sơ vì không đáp ứng đủ điều kiện và đến nay mới chỉ
phát hành được 2 chứng thư bảo lãnh.
Ông Hào cho biết, VDB sẵn sàng bảo lãnh vay vốn, nếu DN đáng
ứng được 6 điều kiện: vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng; sử dụng không quá 500 lao
động; không có nợ tại các tổ chức tín dụng; không nợ đọng thuế; có tối thiểu
10% vốn chủ sở hữu; sử dụng 100% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng
để làm thế chấp đảm bảo cho khoản bảo lãnh của VDB.
Nhiều hồ sơ xin bảo lãnh
VDB phải trả về cho DN, vì không đáp ứng được các điều kiện trên. Ngoài ra,
không phải lĩnh vực nào cũng được bảo lãnh vay vốn.
CTCP Dịch vụ Gió Nam cho biết, Công ty hoạt động trong lĩnh
vực chuyển phát nhanh, có trụ sở tại TP. HCM và chi nhánh tại Hà Nội, với gần
50 nhân viên.
Công ty đang cần một số vốn để bổ sung vốn lưu động (mua xe vận
chuyển), nhưng không thể tiếp cận ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, nên rất
cần đến sự bảo lãnh hoặc được vay vốn ngân hàng dưới dạng tín chấp. Thế nhưng,
trả lời vấn đề này, đại diện VDB cho biết, Gió Nam là đơn vị hoạt động trong
lĩnh vực không thuộc đối tượng được bảo lãnh vay vốn.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ông Lý Xuân Hải
cũng cho biết, mặc dù đã ký kết hợp tác với VDB, nhưng đến nay cũng chưa có
khách hàng nào của ACB được phát hành thư bảo lãnh. Bởi theo ông, các điều kiện
để được bảo lãnh hiện nay đòi hỏi quá cao, trong khi đó khả năng đáp ứng của DN
lại hạn chế.
Theo Quyết định 14/2009/QĐ-TTg, VDB bảo lãnh cho DN vay vốn
của ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu
tư phát triển sản xuất, kinh doanh (vay vốn đầu tư tài sản cố định); phương án
sản xuất, kinh doanh (vay vốn lưu động) phù hợp với quy định của pháp luật.
Không bảo lãnh cho các DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, kinh doanh bất động
sản, kinh doanh chứng khoán; dịch vụ (trừ dịch vụ vận tải hàng hoá, giáo dục
đào tạo và y tế); vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác.
Thực tế thì những DN không tiếp cận được với vốn vay bảo
lãnh chủ yếu là do vướng 6 điều kiện nêu trên, đặc biệt là điều kiện không có nợ
tại các tổ chức tín dụng và không được vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp
đồng tín dụng khác (nhiều DN đang có khoản nợ vay ngân hàng, nhưng không thể trả
nợ trước hạn để tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất).
Trong khi đó, VDB thẩm
định rất gắt về phương án kinh doanh khả thi cũng như khả năng trả nợ. Mặt
khác, với mức phí bảo lãnh tối đa bằng 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh mà DN phải
trả bên cạnh mức lãi suất của ngân hàng sẽ làm gia tăng chi phí đầu vào của DN.
Chính vì vậy, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.
HCM cho rằng, hiện nhu cầu vốn của DN rất lớn, đặc biệt là khi các gói hỗ trợ
lãi suất, kích cầu được triển khai, các DN sản xuất, kinh doanh phải tranh thủ
cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ, song trên thực tế còn nhiều rào cản. Theo ông Minh,
cần nới lỏng điều kiện bảo lãnh cho DN vay vốn của ngân hàng.
Theo Vân Linh
ĐTCK