MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt đầu lộ trình giảm kinh doanh vàng miếng

31-01-2015 - 07:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN cho biết, việc quản lý thị trường vàng của NHNN sẽ hướng theo việc giảm thị trường vàng miếng, khuyến khích vàng trang sức mỹ nghệ.

Tóm tắt:

- Trong quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn vướng mắc khó khăn từ vấn đề pháp lý

- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 53 về xử lý nợ xấu đang được trình Chính phủ thông qua

- Các tổ chức tín dụng phải cáo kế hoạch, chỉ tiêu xử lý nợ xấu từng tháng, đảm bảo đến 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015

- Năm 2015 sẽ có 10 TCTD phải áp dụng chuẩn Basel 2

- Năm nay Trung tâm Thông tin tín dụng sẽ hoàn thành Đề án xếp hạng chuẩn tín dụng

- Kinh doanh vàng miếng sẽ bị “siết”


Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 của ngành ngân hàng đã được Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đề cập lại một lần nữa tại buổi thông báo triển khai Chỉ thị 01 và Chỉ thị 02 của Thống đốc NHNN với một số cơ quan báo chí diễn ra sáng ngày 30/1/2015.

Trong 16 nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng sẽ thực hiện trong năm nay việc giải quyết vấn đề nợ xấu được Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, bà Hồng nói: Năm 2015 là năm cuối trong kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Thời gian qua, NHNN đã chỉ thị toàn hệ thống quyết liệt xử lý nợ xấu và đã có kết quả, tuy nhiên trong quá trình xử lý nợ xấu thì vẫn còn vướng mắc khó khăn từ vấn đề pháp lý.

Chính vì vậy, trong năm 2015, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã triển khai, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu.

Theo Phó Thống đốc, hiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 53 về xử lý nợ xấu đang được trình Chính phủ thông qua. NHNN cũng kiến nghị xử lý vướng mắc về pháp luật hiện đang cản trở quá trình xử lý nợ xấu, về Luật Bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Hiến pháp 2013...

NHNN yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương chuẩn bị, ban hành các văn bản hướng dẫn, phù hợp với nghị định mới, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội những vướng mắc khó khăn về pháp lý...

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết thêm hiện NHNN đang chờ Nghị định mới ban hành và dự kiến xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt phương án mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

“Ngay sau khi Nghị định mới được ban hành NHNN sẽ lập tức có Thông tư hướng dẫn để việc triển khai được tiến hành khẩn trương, đúng tiến độ” – Bà Hồng nói.

Trước đó, NHNN có ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phân loại nợ theo Thông tư 02, 09, Thông tư 36...

Chỉ thị 02 đặc biệt nhấn mạnh việc yêu cầu các tổ chức tín dụng phải cáo kế hoạch, chỉ tiêu xử lý nợ xấu từng tháng, đảm bảo đến 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại.

Năm nay sẽ bắt đầu lộ trình giảm kinh doanh vàng miếng

Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hoạt động của thị trường vàng thời gian qua đã khá ổn định. Năm 2015 NHNN đã giao các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất để quản lý tốt thị trường vàng bao gồm cả vàng miếng, vàng nguyên liệu và vàng trang sức.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là năm nay việc quản lý thị trường vàng của NHNN sẽ hướng theo việc giảm thị trường vàng miếng, khuyến khích vàng trang sức mỹ nghệ.

Về công tác thanh tra giám sát, từ bài học thực tiễn của những năm qua NHNN cho rằng dù chính sách quản lý có tốt đến mấy mà việc thanh kiểm tra không tốt thì chính sách đó sẽ không phát huy được hiệu quả. Do đó, năm nay NHNN sẽ giao cho các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường công tác giám sát từ xa.

Và năm nay sẽ có 10 TCTD phải áp dụng chuẩn Basel 2, tuy nhiên NHNN không tiết lộ chi tiết lộ danh tính của các TCTD này.

“Năm nay Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC- trực thuộc NHNN) sẽ hoàn thành Đề án xếp hạng chuẩn tín dụng để có thể các tất cả ngân hàng có thể theo dõi được lịch sử tín dụng của từng khách hàng. Từ đó, các ngân hàng sẽ có một cái nhìn tổng quan, đầy đủ về năng lực tài chính, quan hệ tín dụng và khả năng trả nợ của khách hàng. Đây là tiêu chí quan trọng để các ngân hàng làm cơ sở mở rộng tín dụng an toàn.” – Bà Hồng chia sẻ.

>>>Dồn lực xử lý nợ xấu

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên