MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng liệu có khả năng thoái vốn đúng hạn?

10-09-2015 - 10:56 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại NHNN vẫn chưa cho thấy động thái quyết liệt nào trong việc buộc các TCTD thực hiện mức trần sở hữu 5% đến cuối năm nay theo quy định của Thông tư 36.

Thông tư 36 được ban hành hồi tháng 11/2014 và có hiệu lực vào tháng 2/2015 bổ sung những quy định quan trọng về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, đáng chú ý Điều 20 của Thông tư 36 giới hạn về việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác.

Theo đó, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của NHTM tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng.

Theo lộ trình, các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm. Trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng phải xây dựng Phương án xử lý, biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Đến thời điểm hiện tại, sau 7 tháng Thông tư 36 chính thức có hiệu lực, chỉ có một vài trường hợp đã “thở phào” sau khi tiến hành sáp nhập hay mua lại các công ty tài chính - chính những đơn vị mà các ngân hàng này đang tham gia giữ vốn.

Nhiều ngân hàng đã thâu tóm các công ty tài chính như Techcombank mua lại Tài chính Hóa Chất (VCFC), VPBank mua Tài chính Than Khoáng sản, HDBank mua Công ty tài chính SGVF, SHB mua Công ty Tài chính Vinaconex Viettel; Maritime Bank đã sáp nhập cả MDB lẫn Công ty Tài chính cổ phần Dệt may - hai đơn vị mà Maritime Bank đang sở hữu 10 - 11% cổ phần.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngân hàng đang đứng trước khả năng không thể thoái vốn được theo đúng quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại NHNN vẫn chưa cho thấy động thái quyết liệt nào trong việc buộc các TCTD thực hiện mức trần sở hữu 5% đến cuối năm nay theo quy định của Thông tư 36.

Trong số đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) là ngân hàng có vốn tại nhiều tổ chức khác nhất. Hiện tại, Vietcombank sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Trong đó, 3 trên 5 TCTD này, Vietcombank đang có tỷ lệ sở hữu vượt 5%.

Theo dữ liệu của CafeF, hiện Vietcombank đang nắm 9,59% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và 8,24% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank). Ngoài ra, Vietcombank còn giữ 5,07% tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và 4,37% tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank).

Một trường hợp khác, Eximbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị trong đó nắm giữ 10,3% cổ phần tại Sacombank. Trước đó, Eximbank cũng đã tính đến chuyện thoái vốn khỏi Sacombank khi điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin gì mới về việc triển khai kế hoạch trên.

Mới đây, cổ phần của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) tại MBB tăng từ 10,6% lên 12,06% sau khi được nhận 22,03 triệu cổ phần tại MBB, một phần của thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB). Số cổ phần sở hữu trực tiếp là 11,8% và sở hữu gián tiếp thông qua công ty quản lý quỹ Tín Phát là 0,2%. Trong trường hợp MBB tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng thành công vào cuối năm, cổ phần của Maritime Bank có thể bị pha loãng còn 9%, nhưng vẫn vượt quá mức 5%.

Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) hiện đang sở hữu 10,4% Saigonbank, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sở hữu 8,4% EVN Finance.

Một số ngân hàng đã xin gia hạn và đề xuất với NHNN, cụ thể trường hợp của Vietcombank. Ngân hàng này đã có văn bản gửi NHNN về việc xử lý phần vốn góp tại Eximbank và MB. Trong đó, Vietcombank đề xuất giữ phần vốn góp tại MB, vì cổ phiếu MBB là cổ phiếu tốt và đã được NHNN chấp thuận cho phép Vietcombank nắm giữ cổ phiếu MBB với tỷ lệ như hiện tại.

Đối với phần vốn tại Eximbank, theo yêu cầu của NHNN, Vietcombank sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank cho tới hết năm nay.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc siết chặt sở hữu chéo để làm sạch hệ thống ngân hàng là cần thiết. Và tất nhiên là phải cho các ngân hàng một lộ trình thoái vốn, song cũng cần tiến hành kiên quyết, bởi càng để lâu, càng khó xử lý.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên