Các ngân hàng sẽ phải ghen tị với mảng tài chính tiêu dùng của VPBank
2015 là một năm thắng lớn của VPBank khi đạt kết quả lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ. Trong đó, điều thú vị mà các ngân hàng khác hẳn phải hâm mộ VPBank là 1/3 lợi nhuận, tức hơn 1.000 tỷ đồng, đến từ công ty con FE Credit. Cái tên dẫn đầu một phân khúc thị trường tài chính đang đi lên mạnh mẽ. Dự báo một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn sẽ diễn ra trong năm nay.
- 20-02-2016VPBank: LNTT năm 2015 đạt 3.096 tỷ đồng, tăng trưởng cho vay 49%
- 01-02-2016VPBank: Ông Bùi Hải Quân và người liên quan đang giữ gần 6% vốn ngân hàng
- 09-01-2016VPBank: LNTT 2015 ước đạt 1.800 tỷ đồng, dự kiến tăng vốn thêm 1.000 tỷ
- 28-12-2015NHNN chấp thuận cho VPBank, Bắc Á và OCB tăng vốn điều lệ
- 02-11-20159 tháng, tổng huy động vốn của VPBank tăng 22%
Hơn 1.000 tỷ lợi nhuận từ cho vay tiêu dùng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015, VPBank ghi nhận 3.096 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 2.395 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gần gấp đôi so với năm 2014.
Trong số này, gần 1.100 tỷ đồng - tương đương hơn 1/3 là lợi nhuận của các công ty con đem lại. Công ty con nào?
Sau khi bán xong 89% vốn Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) và thu về hơn 220 tỷ đồng, kể từ ngày 8/12/2015, VPBS không còn là công ty con của VPBank. VPBank chỉ còn 2 công ty con là Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank (VPBFC - được biết đến với tên phổ biến hơn là FE Credit) có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và VPBank AMC vốn điều lệ 115 tỷ đồng.
VPBank AMC có chức năng quản lý nợ, khai thác tài sản và với quy mô nhỏ bé, không mang lại lợi nhuận lớn.
Như vậy, khối lợi nhuận lớn hơn 1.000 tỷ trên chủ yếu đến từ công ty con Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank (FE Credit).
FE Credit - dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng
Sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) của Tập đoàn Than – Khoáng sản (Vinacomin), VPBank chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới – FE Credit vào tháng 02/2015.
VPBank tập trung nguồn lực để phát triển công ty tài chính này. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của VPBank, tại thời điểm 31/12/2015, riêng ngân hàng VPBank có 6.561 nhân sự, giảm mạnh so với con số 9.035 người cuối năm 2014. Nhân sự ngân hàng giảm mạnh không phải do sa thải mà là VPBank đã chuyển 3.713 nhân viên của khối tín dụng tiêu dùng (thuộc VPBank) sang FE Credit.
Hoạt động chính của FE Credit là cung cấp các sản phẩm dịch vụ tín dụng tiêu dùng đến phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và trung bình cũng như những đối tượng không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều ngân hàng đã chạy đua thâu tóm các công ty tài chính và triển khai kinh doanh dịch vụ cho vay tài chính tiêu dùng trong thời gian qua như HDBank mua lại Công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF), MaritimeBank mua lại Công ty tài chính Dệt may; Techcombank mua lại Công ty tài chính Hóa chất; MBBank nhận sáp nhập Công ty tài chính Sông Đà, SHB nhận sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex – Viettel.
Nhưng đến thời điểm này thì VPBank là ngân hàng khai thác hiệu quả nhất.
Báo cáo về thị trường tài chính tiêu dùng năm 2015 được thực hiện bởi StoxPlus cho thấy, FE Credit đang dẫn đầu thị trường về dư nợ cho vay. Năm 2015, FE Credit có tốc độ tăng trưởng đạt 331% ở dịch vụ vay điện thoại điện máy, 121% ở dịch vụ vay mua xe máy và 185% ở dịch vụ vay tiền mặt so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, công ty có hơn 2 triệu khách hàng tại Việt Nam.
Cởi trói về pháp lý
Thời gian qua, hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng bị không ít tiếng xấu như "cho vay nặng lãi, cho vay cắt cổ..." với mức lãi suất từ 1,5% cho đến 5-6%/tháng. Bên cạnh những ý kiến cho rằng, việc cho vay vốn và lãi suất của nhóm này nên được quy định rõ ràng để người dân dễ tiếp cận vốn hơn, thì cũng có những quan điểm cho rằng lãi suất của công ty tài chính không thể cào bằng với lãi suất ngân hàng do mức độ rủi ro lớn hơn và chi phí vốn huy động của nhóm công ty tài chính lớn do không được phép trực tiếp huy động từ dân cư.
Song, những vướng mắc và băn khoăn về mức trần lãi suất đã được "cởi" nhờ Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2015 đã chính thức “xóa sổ” lãi suất cơ bản và đưa ra mức trần lãi suất cho vay 20%/năm để hạn chế tín dụng đen, đồng thời để ngỏ một “khe cửa” cho các tổ chức tín dụng chủ động lãi suất cho vay phù hợp với quản trị rủi ro.
Luật quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác”. Theo phân tích của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, điều này có nghĩa, trần lãi suất cho vay 20%/năm chỉ được sử dụng nhằm điều chỉnh hoạt động tín dụng phi chính thức, khống chế nạn cho vay nặng lãi. Còn khái niệm “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” hàm ý rằng, các tổ chức tín dụng sẽ được cho vay theo lãi suất thỏa thuận theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Do vậy, với việc cởi trói về trần lãi vay, tín dụng tiêu dùng sẽ được xem là "mảnh đất màu mỡ" mà các ngân hàng, công ty tài chính trong và ngoài nước ngày càng chú trọng hướng tới. Nhìn vào những gì FE Credit đang mang lại cho VPBank năm qua, hẳn là các ngân hàng sẽ không thể ngồi yên chứng kiến FE Credit gặt hái để rồi tiếc nuối. Một khi sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt hơn, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi.