MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần hành lang pháp lý cao hơn cho nợ xấu

29-11-2015 - 20:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu chỉ xấu khi khoản nợ đó gây mất thanh khoản, gây tắc nghẽn hệ thống, khi đó thường là các Chính phủ phải xử lý còn bình thường đừng gọi nó là xấu bởi DN hoạt động, thua lỗ là chuyện bình thường.

Theo thống kê mới nhất, từ cuối 2013 đến nay, Công ty Mua bán Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới chỉ xử lý được 7,2% khối lượng nợ xấu, tương đương khoảng 16.270 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho tổ chức này hoạt động hiệu quả. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề này.

Quan điểm của ông như thế nào về quá trình xử lý nợ xấu của VAMC?

Trước hết cần phải khẳng định, nói là nợ xấu nhưng nó không xấu mà nợ xấu là một phần của nền kinh tế. Nợ xấu chỉ xấu khi khoản nợ đó gây mất thanh khoản, gây tắc nghẽn hệ thống, khi đó thường là các Chính phủ phải xử lý còn bình thường đừng gọi nó là xấu bởi DN hoạt động, thua lỗ là chuyện bình thường.

Hiện VAMC mới chỉ xử lý được 7,2% trong số nợ xấu đã mua. Theo ông, VAMC cần hỗ trợ gì để đẩy nhanh tiến trình này?

Dù có thế nào cũng không giải quyết được triệt để vì hiện nay đặc điểm của tài sản thế chấp phần nhiều là bất động sản nhưng lại ở dạng “bán thành phẩm”, ví như dự án mới vay tiền đền bù xong DN đã khó khăn rồi, xử lý thế nào được, hay nhà máy mới làm được một phần bây giờ người khác mua, người ta chỉ lấy mặt bằng thôi còn số thiết bị hay tài sản trên đất chả làm được gì... Do đó, hiện nay chúng ta mà đặc biệt các ngân hàng thương mại phải chấp nhận một vấn đề là, trước đây thế chấp 100 đồng nay chỉ bán 20 chục đồng. Các tổ chức tín dụng rất sợ chuyện này, bởi nếu anh còn tồn tại thì cân đối của anh còn tài sản, nhưng nếu anh được xử lý triệt để là thành khoản lỗ có khi còn âm vốn chủ sở hữu.

Nghĩa là theo ông cần phải thay đổi nhận thức trong việc giải quyết nợ xấu?

Đúng. Tôi chắc chắn các nước cũng có lộ trình để giải quyết từ từ. Từ chính quá trình hoạt động từ từ của tổ chức tín dụng thì mới có lợi nhuận, pha loãng dần nợ xấu, không thể làm cập rập được, bây giờ tổ chức tín dụng mới duy trì hoạt động, làm sao ổn định để hoạt động bình thường, có tiền gửi, có cho vay mới phát sinh lợi nhuận. Nếu mình nóng ruột là không được, hệ thống ngân hàng thương mại như một cái tường, một hai viên gạch đổ là đổ cả bờ tường theo hội chứng đô-mi-nô ngay.

Dự thảo Luật Đấu giá được xây dựng và trình Quốc hội kỳ này đã đề cập đến một hành lang đấu giá cho nợ xấu và tài sản đảm bảo của nợ xấu. Quan điểm của ông về đề xuất này?

Trong Dự thảo Luật, đối tượng được đấu giá là tài sản thế chấp của công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên Công ty mua bán nợ VAMC của Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính lại không nằm trong phạm trù này. Quan điểm khác nhau hiện nay là có nên chế định tất cả tài sản của các tổ chức mua bán nợ đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này hay không?

Quan điểm của tôi là việc tồn tại hoạt động của các công ty mua bán nợ và nợ xấu của các tổ chức tín dụng là bạn đồng hành của nền kinh tế. Thị trường mua bán nợ là một thị trường luôn luôn hoạt động, còn kinh tế thị trường là còn thị trường mua bán nợ. Do đó chúng ta không nên xem công ty mua bán nợ là cá biệt, thành ra luật phải chế định cái phổ biến và không loại trừ bất cứ cái nào, chưa kể những vướng mắc khiến cho VAMC không tự giải quyết được

Hiện nay vướng mắc trong hoạt động của VAMC nằm ở các luật chứ không phải giao Chính phủ tự giải quyết được, thông tư của Bộ Tư pháp cũng không giải quyết được. Tôi cho rằng Luật này nên dành một phần thỏa đáng để cụ thể hóa vấn đề xử lý mua bán tài sản thế chấp ở các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng nói chung chứ không loại trừ tổ chức nào, ít nhất cũng quy định những nguyên tắc để Chính phủ căn cứ đó và thực hiện bằng nghị định thi hành.

Bên cạnh việc bổ sung hành pháp pháp lý cho việc mua bán nợ xấu được thực hiện nhanh hơn, theo ông còn cần hỗ trợ gì cho thị trường hàng hóa và thị trường trái phiếu để hai thị trường này đồng hành với tiến trình xử lý nợ xấu?

Chúng ta phải hướng tới thị trường mua bán nợ và tài sản thế chấp để khai thông thị trường và giải phóng một khối lượng lớn tài sản đang nằm chết mà không biến thành vốn được, rất lãng phí. Tôi nhớ một lần Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói “nợ xấu giờ chưa xử lý được giống như đang kẹt xe, tôi bốc bớt một số xe đang nằm chết trên đường lên vỉa hè để cho thông đường”, nhưng tôi cũng có nói, “nếu anh bốc xe lên vỉa hè mà anh không phục hồi những xe đó thì không còn xe mà chạy”. Điều này có nghĩa là để khai thông vốn cho thị trường cần giải quyết song song đám xe trên vỉa hè và xe dưới lòng đường.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Hồ Huệ

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên