Cân nhắc bài toán tỷ giá
Việc NHNN mạnh tay mua vào hôm 10/10 được nhận định là đã kịp thời chặn đà giảm tỷ giá trong 2 ngày trước đó: 8 và 9/10.
Trả lời hãng tin Bloomberg gần đây, Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết trong những tháng còn lại của năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và áp dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ điều hành tỷ giá VND/USD theo tín hiệu thị trường, đảm bảo ổn định giá trị đồng Việt Nam.
Cầu ngoại tệ không lớn
Theo nguồn tin riêng của TBNH, trong những ngày qua, NHNN vẫn duy trì mua USD từ các NHTM. Việc tỷ giá giảm khá nhanh cùng với nguồn cung thuận lợi được nhận định là một trong những lý do khiến các NHTM có thế mạnh về ngoại tệ bán USD cho NHNN. Đã có những ngày hơn 10 ngân hàng bán USD cho NHNN.
Việc NHNN mạnh tay mua vào hôm 10/10 được nhận định là đã kịp thời chặn đà giảm tỷ giá trong 2 ngày trước đó: 8 và 9/10. Qua đó vừa giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối đồng thời không để cung ngoại tệ quá dư thừa trên thị trường.
Trước đó, vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2013, khi tỷ giá giảm nhanh, NHNN cũng đã thực hiện nghiệp vụ mua vào ngoại tệ. Đồng thời, ngày 7/8/2013, Sở Giao dịch NHNN đã nâng mạnh giá mua vào USD từ mức 20.826 đồng lên 21.100 đồng/USD và duy trì mức giá đó cho đến nay.
NHNN sẽ điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, đảm bảo ổn định giá trị đồng Việt Nam Đây cũng là một trong những hiện tượng khá lạ trên thị trường ngoại tệ, đi ngược lại thông lệ những năm trước, khi hoạt động bán ra của NHNN thường diễn ra trong những tháng cuối năm. Theo nhận định của một số chuyên gia nước ngoài, tỷ giá đã được NHNN điều hành duy trì khá ổn định trong 2 năm 2012, 2013 và được coi là điểm sáng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời điểm này, việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1% đến 2% có thể được cân nhắc để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam do từ đầu năm đến nay, các nền kinh tế trong khu vực đã giảm giá đồng nội tệ so với USD như Indonesia giảm 12,48%; Myanmar 3,94%, Philippines 5,47% làm cho VND được định giá quá cao so với các đồng tiền khác trong khu vực, khiến hàng xuất khẩu Việt Nam trở nên đắt hơn, khó cạnh tranh hơn.
Đánh giá tác động điều chỉnh tỷ giá (giả thiết nếu có - PV) của NHNN đến NHTM, một số lãnh đạo NHTM cho rằng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của họ. Phó tổng giám đốc thường trực MaritimeBank - ông Trần Xuân Quảng cho hay: NHNN đã làm quá tốt việc giữ ổn định tỷ giá trong một thời gian khá dài. Nhờ đó, giảm bớt căng thẳng cho DN khi họ đang phải lo về bài toán lãi suất.
Đến thời điểm này, các yếu tố khác như lãi suất đã giảm khá mạnh; lạm phát dự kiến ở mức thấp 5,3%, vàng cũng không còn là nhân tố ảnh hưởng lớn đến thị trường ngoại hối khi thị trường cung cầu đã được cân bằng tốt hơn…, vì thế “Nếu có điều chỉnh tỷ giá sẽ không tác động nhiều đến DN cũng như ngân hàng”, ông Quảng nhận định.
Có cần điều chỉnh tỷ giá?
Phó tổng giám đốc VIB - ông Lê Quang Trung cho rằng, muốn trả lời câu hỏi này phải “tách” được các yếu tố gây áp lực lên tỷ giá đến từ đâu để có điều chỉnh cho phù hợp. Theo ông Trung, áp lực tỷ giá không đến từ yếu tố vĩ mô, tức là lạm phát cao khiến VND mất giá, hay cán cân thanh toán mất cân đối; dự trữ ngoại hối thấp. Do đó NHNN có thể chủ động điều chỉnh để cân đối hài hòa cho mục tiêu tăng trưởng.
Chẳng hạn, khi tỷ giá ổn định quá lâu thì sẽ không hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Vì nền kinh tế Việt Nam rất mở, tăng trưởng phụ thuộc nhiều xuất khẩu. “Đấy là điểm cần cân nhắc trong việc tìm lời giải cho bài toán điều chỉnh tỷ giá làm sao có lợi nhất”, ông Trung lưu ý.
Một số lãnh đạo ngân hàng nước ngoài cho rằng, việc điều chỉnh ở mức vừa phải 1% đến 2% hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, đồng thời vẫn nằm trong cam kết tỷ giá sẽ không biến động quá 2-3% của Thống đốc NHNN hồi đầu năm nay.
“Còn nếu không điều chỉnh, giữ tỷ giá ở một mức quá lâu thì đến một lúc nào đó phải điều chỉnh mạnh hơn, thậm chí đến 5 – 10% thì sẽ nguy hiểm cho nền kinh tế”, một chuyên gia ngân hàng khuyến nghị.
Nhưng cũng có những lo ngại về áp lực khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, đó là khía cạnh làm tăng giá trị nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ, và DN; hay tác động làm tăng giá hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu, từ đó tạo áp lực đến lạm phát. Đặc biệt, tăng tỷ giá còn có thể gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư nước ngoài, tạo tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng cho người dân..
Bình luận về “kịch bản” này, ông Lê Quang Trung cho rằng, trên thực tế, khi các nhà điều hành chính sách điều chỉnh cơ chế, nếu nhằm đến mục tiêu để tất cả các bên đều lợi thì rất khó. Lấy ví dụ vấn đề tỷ giá, “đứng” giữa xuất khẩu và nhập khẩu, nếu điều chỉnh tỷ giá chắc chắn nhà xuất khẩu “được”, còn nhà nhập khẩu lại “mất”…
“Để làm sao điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hơn ai hết những người điều hành chính sách nên chọn ra một vài mục tiêu ưu tiên chứ còn để hài lòng tất cả, để ai cũng có quyền lợi, thì tôi nghĩ là khó” - ông Trung nói. “Và câu trả lời cho bài toán tỷ giá sẽ khiến cơ quan quản lý đau đầu”, lãnh đạo một NHTM chia sẻ.
Về phía DN, các chuyên gia cho rằng, dù NHNN có điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này hay không thì các DN cũng cần tính đến việc bảo hiểm rủi ro về tỷ giá trong các hợp đồng kỳ hạn nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra khi tỷ giá được điều chỉnh.
Một nguồn tin của TBNH cho biết, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường theo chiều hướng mua hay bán nhiều mới quyết định đưa các giải pháp “ứng xử”. Những ngày gần đây, cung - cầu ngoại tệ đã có dấu hiệu thay đổi khi ngân hàng tăng mua vào trên thị trường. Nhưng xét trên bình diện chung, nhu cầu mua ngoại tệ của tổ chức kinh tế không đột biến, hầu hết các ngân hàng có thể tự cân đối giữa nguồn ngoại tệ mua từ khách hàng và nguồn ngoại tệ bán ra.
Trả lời hãng tin Bloomberg gần đây, Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết trong những tháng còn lại của năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và áp dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ điều hành tỷ giá VND/USD theo tín hiệu thị trường, đảm bảo ổn định giá trị đồng Việt Nam.
Hiện tại vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định như nguồn cung ngoại tệ khá ổn định.
Bên cạnh đó, theo NHNN, dự kiến cán cân thanh toán tổng thể cả năm 2013 sẽ thặng dư ở mức 5 tỷ USD. Trong khi đó thu hút vốn FDI, ODA vẫn khá tốt; cộng thêm nguồn kiều hối năm nay tăng mạnh, có thể đạt 11 đến 11,5 tỷ USD...
Nguồn cung không thiếu hụt, cán cân thương mại tương đối cân bằng và lạm phát giữ ở mức mục tiêu đã xác định… Vì vậy, dường như, sức ép phải điều chỉnh tỷ giá chưa tạo ra áp lực như mọi năm. Vấn đề có hay không điều chỉnh tỷ giá vẫn nằm trong kế hoạch chủ động của các nhà điều hành chính sách.
Theo Huyền Thanh