MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng sóng ngầm tỷ giá

24-03-2016 - 08:56 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá VNĐ/USD có dấu hiệu tăng trong những ngày qua, trong khi đồng USD nhiều khả năng tăng giá, cộng với lịch sử lặp lại của thị trường ngoại hối Việt Nam trong hơn 1 thập niên qua, các nhà đầu tư (NĐT) cần thận trọng với những cơn sốt nóng trên thị trường ngoại hối lẫn sự tăng lên của lãi suất huy động VNĐ.

Tỷ giá bất ngờ tăng

Theo thông báo từ NHNN, tỷ giá trung tâm của ngày 23-3 là 21.861 đồng đổi 1USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm trước. Như vậy, tổng cộng tỷ giá trung tâm đã tăng 23 đồng trong 3 phiên liên tiếp gần đây. Theo ghi nhận tại các NHTM, từ 22-3 đến sáng ngày 23-3, giá USD niêm yết bán ra của các NHTM đã tăng nhanh, khoảng 50 đồng, sau một thời gian ổn định từ Tết Nguyên đán đến nay. Đây là lần đầu tiên kể từ Tết Nguyên đán, tỷ giá VNĐ/USD có sức bật nhanh như vậy.

Sự nóng lên bất ngờ trong 2 ngày gần đây có thể đang chuẩn bị cho một đợt biến động mạnh của tỷ giá sau một thời gian cho thấy các chính sách quản lý ngoại hối không như mong muốn.

Như chúng tôi dự báo, ngay sau động thái của NHNN (vào tháng 9-2015) hạ tiền gửi USD của các tổ chức xuống còn 0%/năm và 0,25%/năm đối với các cá nhân sẽ không có hiệu quả trong việc hạ nhiệt tỷ giá. Điều này đã từng xảy ra vào tháng 2-2010, khi NHNN thực hiện các biện pháp mạnh tay như kết hối ngoại tệ, áp trần lãi suất tiền gửi USD chỉ còn 1% so với việc thỏa thuận tự do trước đó. Ngoài ra còn có việc áp trần lãi suất tiền gửi VNĐ ở mức 14%/năm. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên đều không ổn định được thị trường tỷ giá, tỷ giá đã tăng 2% vào tháng 8-2010 và hơn 9% vào tháng 2-2011.

Quan sát diễn biến trên thị trường NH gần đây cho thấy, một lần nữa chính sách hạ lãi suất tiền gửi USD xuống 0% không như kỳ vọng. Một số NHTM không thể huy động được ngoại tệ và phải đi vay trên thị trường thế giới hoặc phải “đi đêm” với khách hàng bằng cách trả thêm các khoản phí. Vì vậy, việc tỷ giá tăng trong 2 ngày gần đây phản ánh những tin đồn của thị trường về tình trạng khan hiếm USD trong hệ thống NH.

Chúng tôi dự báo về áp lực kép trước việc lãi suất huy động VNĐ sẽ tăng và tỷ giá VNĐ/USD bị mất giá. Thực tế cho thấy các vấn đề tỷ giá luôn đi kèm với sự sốt nóng của lãi suất. Và điều này đang diễn ra, trong 2 ngày gần đây không chỉ thị trường ngoại hối nóng lên mà các NHTM cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi VNĐ. Rõ ràng, kịch bản cuộc khủng hoảng kép tỷ giá-lãi suất đang dần lộ ra.

USD sẽ mạnh lên

Trong tháng 3, chỉ số USD Index, dùng đo lường sức mạnh của đồng USD so với các tiền tệ mạnh khác, đã có thời điểm giảm hơn 4% bởi những thay đổi chính sách của các NH trung ương châu Âu (ECB), Nhật Bản (BOJ) và Hoa Kỳ (FED). Theo đó, ECB đã tung ra một gói kích thích mạnh tay bao gồm hạ lãi suất về -0,4%/năm, mở rộng chương trình mua trái phiếu lên 80 tỷ EUR, mở rộng đối tượng mua trái phiếu sang doanh nghiệp... nhưng lại công bố không có ý định hạ thêm lãi suất âm. BOJ giữ nguyên mức lãi suất -0,1%/năm. FED thông báo giữ nguyên lãi suất và giảm số lần tăng lãi suất từ 4 xuống còn 2 lần. Như vậy, các thông báo chính sách tiền tệ trong tháng 3 cho thấy các NH trung ương lớn đang giảm nhiệt cuộc đua chiến tranh tiền tệ bằng lãi suất âm. Điều này đã khiến USD giảm giá mạnh so với các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng FED về cơ bản vẫn đang thực hiện chính sách thắt chặt lãi suất chứ không phải nới lỏng tiền tệ. Thực tế, trong vài ngày qua đồng USD cũng bật tăng trở lại so với các đồng tiền khác. Phải chăng, cơn sốt nóng tỷ giá tại Việt Nam đang diễn biến cùng pha với chỉ số USD Index trên thị trường thế giới. Nếu USD mạnh lên trong thời gian tới, đó là một kịch bản cho một tình huống về đợt sốt nóng ngoại tệ tại Việt Nam.

Có lặp lại?

Việc tỷ giá bắt đầu tăng trong vài ngày gần đây tạo nên lo lắng về kịch bản cơn sốt nóng tỷ giá do yếu tố chu kỳ tạo ra. Lịch sử nền kinh tế Việt Nam cho thấy thường xuất hiện các đợt sốt nóng ngoại tệ sau thời gian 0-2 tháng sau khi Đại hội Đảng kết thúc. Cụ thể, Đại hội Đảng lần thứ IX diễn ra từ ngày 19 đến 22-4-2001, chỉ số VN Index ở mức 311 điểm và tăng lên 570 điểm vào ngày 25-6-001, tăng 83% trong vòng 2 tháng sau Đại hội Đảng.

Đáng lưu ý, lý do khiến TTCK Việt Nam tạo lập đỉnh vào tháng 6-2001 liên quan đến sự mất giá mạnh của VNĐ. Sự mất giá của VNĐ so với USD là bất thường trong bối cảnh đồng USD mất giá mạnh trên thị trường tiền tệ thế giới. Đại hội Đảng lần X diễn ra từ ngày 18 đến 25-4-2006, ngay khi kết thúc, chỉ số VN Index đạt đỉnh 615 điểm và sụt giảm mạnh 35% chỉ trong vòng 2 tháng về đáy 400 điểm vào ngày 2-8-2006. Theo đó cơn sốt tỷ giá bắt đầu từ tháng 5-2006.

Mặc dù VNĐ chính thức chỉ phá giá nhẹ 0,82%, nhưng điều này không phản ánh hết được thực tế của thị trường. Trên thị trường chính thức, tỷ giá VNĐ/USD lần đầu tiền vượt ngưỡng 16.000 đồng sau nhiều năm, nhưng trên thị trường tự do tỷ giá có lúc chạm ngưỡng 17.000 đồng. Vào tháng 6-2006, khi FED thực hiện tăng lãi suất lên 5,25%/năm càng tạo áp lực mất giá cho VNĐ.

Đại hội Đảng lần XI diễn ra từ ngày 12 đến 19-1-2011. Ngay sau đó, vào ngày 24-1-2011, chỉ số VN Index đạt đỉnh 530 điểm và sụt giảm 33% về đáy 330 điểm tháng 1-2012. Chỉ số HNX Index thậm chí mất đến hơn 50% giá trị trong cùng thời gian. Một lần nữa, tỷ giá lại là cú sốc khiến cổ phiếu bị mất giá mạnh. Do ảnh hưởng của lạm phát cao ở các thị trường mới nổi và cận biên, Việt Nam đã phá giá hơn 9% giá trị của VNĐ vào ngày 11-2-2011, tức chỉ 1 tháng sau Đại hội Đảng.

Do đó, một lần nữa các NĐT cần thận trọng với những cơn sốt nóng trên thị trường ngoại hối lẫn sự tăng lên của lãi suất huy động VNĐ.

Theo Trương Minh Huy

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên