MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chênh lệch lãi suất 4%, ngân hàng không lãi bằng DN

22-05-2013 - 07:56 AM | Tài chính - ngân hàng

Với mức chênh lệch 4% tính trên khoảng 3 triệu tỷ đồng dư nợ thì ngân hàng có lãi khoảng 120 nghìn tỷ đồng.

Cuối giờ chiều qua (ngày 21/5), NHNN đã có buổi tiếp xúc với các chuyên gia để lắng nghe ý kiến về điều hành chính sách tiền tệ và thị trường vàng. Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều nhất đó là mức chênh lệch lãi suất hiện nay của các ngân hàng.

Mức chênh lệch bình quân chỉ đạt 2,2%

Theo báo cáo mới đây của NHNN, ước tính chênh lệch thu chi toàn ngành ngân hàng trong năm 2012 ước hơn 20.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2008 và chỉ bằng khoảng 40% mức của năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu do chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào giảm, chi phí dự phòng rủi ro gia tăng, tín dụng tăng trưởng thấp.

TS. Nguyễn Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho biết, tính trung bình lãi suất huy động và cho vay, trong vòng 10 năm qua, chênh lệch lãi suất thời điểm cao nhất cũng chỉ 3,5%. Riêng trong năm 2012, mức chênh lệch bình quân là gần 2,2%.

Còn theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, mức chênh lệch lãi suất hiện nay là hợp lý. Ông Ánh giả sử với mức chênh lệch 4% tính trên khoảng 3 triệu tỷ đồng dư nợ thì ngân hàng có lãi khoảng 120 nghìn tỷ đồng.

Con số 120 nghìn tỷ đồng này nếu tính trên toàn bộ doanh thu, tổng tài sản, vốn điều lệ hay chia cho từng ngân hàng và số cán bộ ngân hàng thì đều cho mức sinh lợi không bằng cả doanh nghiệp bình thường. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro, chịu mất vốn khi cho vay...

“Chênh 4% - ngân hàng vẫn sinh lời không bằng doanh nghiệp” – Ông Ánh nói.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng chênh lệch giữa mức lãi suất đầu vào và đầu ra bất hợp lý. "Nếu lãi suất bình quân đầu vào ngân hàng đâu đó khoảng 7%, lãi suất đầu ra là 13% thì mức chênh lệch 6% là bất hợp lý và nếu tiếp tục sử dụng mức chênh lệch này thì các ngân hàng sẽ không tồn tại được lâu".

"Mỹ có mức chênh khoảng 3% cho tín dụng có tài sản thế chấp tuyệt đối như tiền gửi, bất động sản, thậm chí 2%, đây cũng là mức chung ở các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, nếu các ngân hàng làm tốt thì biên độ lợi nhuận ròng nên ở mức 2%, thậm chí có ngân hàng 1% và có ngân hàng 0%. Mức chênh 6% do ngân hàng hoạt động không lành mạnh với chủ yếu là nợ xấu.

Vốn không còn là bài toán duy nhất của DN

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: Về trọng tâm NHNN đã triển khai các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thông qua chính sách tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát khó khăn của doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn nợ của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp rất đa dạng, không chỉ là lãi suất, ở một số địa phương còn là nợ đọng xây dựng cơ bản”, bà Hồng cho biết.

Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ tín dụng cũng cho biết thêm: Theo chỉ đạo, NHNN chỉ đạo dành vốn cho đối tượng ưu tiên - khẳng định vốn không thiếu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ tín dụng thì khó khăn của doanh nghiệp không hẳn là vốn mà là hàng tồn kho, lòng tin thị trường...

Về vấn đề này, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, nhiều người cho rằng nguyên nhân là do ngân hàng nhà nước. NHNN có trách nhiệm lớn nhất liên quan đến lạm phát, nếu để cứu doanh nghiệp không nên trông đợi quá nhiều vào NHNN.

“Với vấn đề nợ xấu việc thành lập VAMC chỉ là một phần công cụ. Cần giải lại bài toán lớn hơn, tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta cũng không nên tập trung quá nhiều vào những chi tiết nhỏ như vấn đề về vàng” – Ông Ánh nói.

Nếu không phân tích sâu thì rốt cuộc không cứu được ai. Cứu doanh nghiệp cần phải xác định mục tiêu, cứu để sống chứ không phải để chết. “Sai lầm đã để nền kinh tế ảo lớn hơn nền kinh tế thực quá nhiều” – Ông Ánh nhấn mạnh.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên