MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chờ chế tài xử phạt

13-03-2013 - 08:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Đằng sau những tranh cãi về vấn đề thu phí nội mạng ATM là vấn đề cốt lõi: người dân dịch vụ thì phải trả phí. Nhưng tiền thì phải trả trong khi các chế tài đối với phí ATM lại chưa đầy đủ!

Ngân hàng Nhà nước có quy định rõ ràng về lộ trình thu phí ATM của các ngân hàng thương mại bằng Thông tư 35/TT - NHNN (áp dụng từ 1/3) theo 3 giai đoạn: từ ngày 1/3/2013 đến 31/12/2013, phí rút tiền ATM nội mạng áp dụng chỉ ở mức từ 0 đồng đến 1.000 đồng/giao dịch. Sau đó, từ 1/1/2014 đến 31/12/2014, mức phí được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng tức là phí rút tiền mặt tối đa 2.000 đồng/giao dịch. Và bắt đầu từ ngày 1/1/2015, mới chính thức áp dụng mức phí tối đa là 3.000 đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc thu phí theo lộ trình là để người dân quen dần. Còn ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ, thẳng thắn bày tỏ: Chúng tôi muốn thu phí từ lâu rồi!

Phí: nhiều hay ít là do cách tính

Hiện phần lớn các ngân hàng không thu phí rút tiền nội mạng (các loại phí khác vẫn thu). Ngân hàng thì nói mức thu phí như hiện nay vẫn chưa đủ bù chi, mà theo ông Tuân là mỗi giao dịch ATM sẽ mất từ 7.000 đồng đến 9.000 đồng chi phí. Thu được tối đa 1.000 đồng/lần, số tiền các ngân hàng phải bù khoảng 6.000 đồng đến 8.000 đồng/giao dịch. Tính như vậy là chỉ tính phí rút tiền. Còn thực tế các ngân hàng thương mại hiện đang thu nhiều loại phí xung quanh các dịch vụ có liên quan đến ATM và tài khoản tiền gửi ATM (thẻ thanh toán) và thẻ tín dụng (phí còn cao hơn nhiều).

Chẳng hạn, Techcombank hiện có rất nhiều loại thẻ. Mỗi loại thẻ lại có một biểu phí, với các loại phí khác nhau. Ví dụ, chỉ với dòng thẻ F@stAccess thì đã có F@stAccessF@stAccess-I, với hai bảng thu phí khác nhau. Cho dù ngân hàng này niêm yết công khai các mức phí thu, nhưng chủ thẻ thực sự bối rối khi xem biểu phí này. Ví dụ, với thẻ F@stAccess phí rút tiền mặt tại ATM ngân hàng khác (và giao dịch đổi PIN) là 3.000 đồng/giao dịch, các giao dịch trên ATM ngân hàng khác như: truy vấn số dư, liệt kê giao dịch mất phí 500đ/giao dịch.

Vậy thì phải hiểu thế nào đây? Tóm lại, các biểu phí của ngân hàng đưa ra thực sự là ma trận. Nếu tính là phí rút tiền 1.000 đồng thì đúng ngân hàng lỗ như ông Tuân nói. Nhưng chủ thẻ đâu chỉ phải trả mỗi mức phí này, và cũng đâu chỉ dùng thẻ chỉ để rút tiền. Nếu không rút tiền thì ngân hàng được lợi với số tiền kết dư trong thẻ - đương nhiên.

Chính sách lại "theo đuôi"...

Việc thu phí thẻ ATM đã là chủ đề gây tranh cãi từ 5 năm trước - khi lần đầu tiên các ngân hàng thương mại đặt vấn đề thu phí. Có thể khẳng định, đương nhiên ngân hàng được lợi khi thu phí, nhưng cũng phải sòng phẳng mà nói, sử dụng dịch vụ thì khách hàng phải trả phí. Có điều, thu như thế nào, ở mức nào thì có lẽ các ngân hàng cần tính toán để cân bằng lợi ích của cả hai bên, không làm theo kiểu tận thu như hiện nay. Và ở vai trò là người quản lý, quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước phải có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những đơn vị thực hiện thu phí sai quy định. Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cũng chỉ nói chung chung là sẽ tăng cường thanh tra, giám sát việc thu phí... Còn biện pháp xử lý cụ thể như thế nào thì áp dụng chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngân hàng nói chung, còn các biện pháp xử phạt cụ thể cho lĩnh vực này, thì chắc phải chờ khi có phát sinh tiêu cực.Vậy là chính sách sẽ lại chạy theo thực tế!

Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu lớn họ nhắm tới đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Muốn như vậy trước hết phải tăng số người sử dụng thẻ ATM. Nhưng thực tế, số thẻ phát hành vẫn tăng đều, nhưng chủ thẻ lại chủ yếu dùng để rút tiền mặt. Thậm chí một người có đến vài ba cái thẻ, nên tất yếu số lượng thẻ "chết" (không phát sinh giao dịch) sẽ khá nhiều và các ngân hàng vẫn phải tốn chi phí cho việc quản lý, duy trì các tài khoản này.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2015 cả nước có khoảng 250.000 máy POS (hiện nay đã có khoảng 104.000 POS). Với những nỗ lực của đơn vị phát hành thẻ và các doanh nghiệp hoạt động thương mại, người dân đã bắt đầu làm quen với POS. Nhưng vấn đề nảy sinh là khi thanh toán bằng POS, khách hàng lại phải trả thêm 1 - 2%/tổng giá trị hóa đơn (trong khi phí rút tiền mặt chỉ 3.000 đồng/lần). Ngân hàng Nhà nước cho rằng, như vậy là các đơn vị đang làm sai quy định. Vậy xử phạt họ như thế nào? Chỉ đơn giản là không đặt các POS tại doanh nghiệp này nữa thì phía doanh nghiệp lại quá mừng. Như vậy, họ đỡ bị kiểm soát về dòng tiền, nhờ đó có thể trốn được thuế.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng dự thảo quy định về thanh toán bằng tiền mặt với một số quy định nhằm hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Tham vọng phát triển các phương thức thanh toán hiện đại nhằm mang lại nhiều lợi ích cho xã hội là cần thiết, nhưng nếu chính sách ban hành không phù hợp với thực tế thì sẽ khó thực thi.
Theo Ngân Hà
Doanh nhân

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên