MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho thuê tài chính: Cần mở rộng thêm phạm vi hoạt động

23-04-2014 - 18:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Được dự thảo từ năm 2011 với nhiều lần sửa đổi, song đến nay, Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính (CTTC) vẫn chưa thể ban hành.

Tổng giám đốc VietinBank Leasing Phạm Ngọc Long đang rất mong chờ sự ra đời của Nghị định này, để tiếp theo là sự ra đời của thông tư hướng dẫn về hoạt động của công ty CTTC cũng đã được lấy ý kiến của thành viên nhiều lần. Ông cho biết, Dự thảo Nghị định đã quy định rất đầy đủ và sáng rõ đối với hoạt động CTTC. Đây sẽ làm cơ sở cho các công ty CTTC hoạt động trong một môi trường kinh doanh hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, ông Long cũng không khỏi băn khoăn về dải biên hẹp trong huy động nguồn vốn của các công ty CTTC. Theo Nghị định, hoạt động huy động vốn được thực hiện theo Luật Các TCTD, trong đó công ty CTTC sẽ chỉ được nhận vốn trung và dài hạn của các tổ chức, thay vì cả cá nhân như Nghị định 16/2001/NĐ-CP trước đó.

Đúng là việc hạn chế huy động vốn cá nhân góp phần giảm rủi ro cho các công ty CTTC, nhưng theo ông Long, nên cho công ty CTTC huy động vốn của các cá nhân trung - dài hạn theo tỷ lệ tương ứng với vốn tự có và cho phép huy động vốn ngắn hạn từ các tổ chức. Điều này sẽ giúp các công ty CTTC thực hiện được nghiệp vụ cho vay vốn lưu động đối với bên thuê tài chính với lãi suất hợp lý hơn, thay vì hiện nay huy động trung - dài hạn nhưng lại cho vay vốn lưu động mang tính ngắn hạn.

Hơn thế, dù Nghị định có quy định về các kênh huy động vốn khác của các công ty CTTC, nhưng thực tế cho thấy với 4 công cụ nợ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức, công ty CTTC khó có thể sử dụng hiệu quả. “Bởi với uy tín thấp hiện nay của các công ty CTTC, nếu phát hành công cụ nợ sẽ không có đơn vị nào mua và chấp nhận cho vay qua công cụ nợ”, Hiệp hội CTTC cho biết. Với các ngân hàng mẹ, các công ty CTTC lại vướng vào hạn mức cho vay, khiến sự hữu hạn về nguồn vốn đang trở thành một rào cản cho sự phát triển của hoạt động CTTC.

Về sản phẩm CTTC, nhiều công ty cho rằng, nên mở ra lĩnh vực cho thuê BĐS đối với CTTC, đặc biệt là việc cho thuê nhà ở. Ông Long phân tích, nếu CTTC đối với BĐS và nhà ở xã hội sẽ ít rủi ro hơn. Bởi tài sản là nhà của công ty CTTC, trong trường hợp rủi ro, công ty dễ dàng thu hồi tài sản. Hơn thế, với thời hạn thuê kéo dài bằng thời gian khấu hao, sản phẩm nhà cho thuê của công ty CTTC sẽ ưu thế hơn đối với người có nhu cầu thuê mua trong bối cảnh hiện nay. Thời hạn thuê có thể lên đến 20 - 25 năm và khi người thuê mua lại, mức giá bán 0,1%/giá mua chỉ mang tính chất tượng trưng để chuyển quyền sở hữu. Trong khi đó, với việc người dân tham gia các dự án của DN kinh doanh BĐS, giá thanh lý cũng còn phải phụ thuộc vào thị trường.

Ngoài ra, ông Long kiến nghị Chính phủ xem xét cho công ty CTTC được đầu tư nhà tiền chế, tức là nhà để chứa máy móc thiết bị cho thuê. Nếu được, đây sẽ là một bước đột phá gỡ khó cho các công ty CTCT. Bởi trong trường hợp rủi ro, công ty CTTC thu hồi tài sản cho thuê để cho thuê lại, nếu công ty CTTC không có nhà xưởng, phải tháo ra thì khi khách hàng đến xem thuê mua, giá trị của nó đã bị giảm rất lớn. Nhất là với một dây chuyền thiết bị, nhiều khi tháo ra chỉ còn là đống sắt vụn. Nhưng nếu công ty CTTC được đầu tư cho thuê cả nhà xưởng thì khi cho thuê lại, việc đánh giá và định giá tài sản sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Một vấn đề khác được Hiệp hội CTTC đau đáu kiến nghị đó là Nghị định mới sẽ vẫn có quy định về thuế đối với tài sản cho thuê như Nghị định 16/2001/NĐ-CP trước đây. Theo Hiệp hội CTTC, đúng là hiện nay các vấn đề về thuế đối với hoạt động CTTC đã được tháo gỡ, nhưng với mỗi loại hình CTTC có thể có một văn bản điều chỉnh riêng. Việc này làm khó các công ty CTTC trong việc đối chiếu thực hiện…

Vì vậy, nên thống nhất trong Nghị định để có một cơ sở văn bản thống nhất. Theo đó, thuế đối với máy móc, thiết bị, các phương tiện vận chuyển và các động sản khác mà công ty CTTC mua trong nước hoặc nhập khẩu để cho thuê được áp dụng như trường hợp bên thuê trực tiếp mua hoặc nhập khẩu các tài sản này. Tài sản cho thuê được thu hồi, nếu là tài sản nhập khẩu của nước ngoài, khi xuất khẩu không phải nộp thuế xuất khẩu. Trong trường hợp quyền sở hữu tài sản cho thuê được chuyển cho bên thuê khi kết thúc thời hạn thuê thông qua việc nhượng, bán tài sản cho thuê, bên thuê không phải nộp thuế trước bạ.

Theo Minh Ngọc

loanlt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên