MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ nhà băng "nhọc nhằn" giảm sở hữu

06-06-2014 - 07:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Ở một số ngân hàng thương mại (NHTM), hiện vẫn còn tồn tại tình trạng cổ đông cá nhân sở hữu cổ phần "vượt trần" trên 5% vốn điều lệ.

Có nhiều cách để giảm tỷ lệ này, như bán bớt cổ phần, tăng vốn điều lệ, hoặc hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác... nhưng phần nhiều lại phụ thuộc vào ý chí của các ông, bà "chủ" nhà băng.

Có thể điểm danh các ngân hàng đang có tình trạng vi phạm sở hữu cổ phần như Sacombank, Phương Nam, Bắc Á, Nam Á… Mặc dù Luật Các TCTD năm 2010 đã có hiệu lực hơn 3 năm, nhưng đến giờ, các cá nhân chủ chốt trong Hội đồng quản trị (HĐQT), ban điều hành ngân hàng vẫn "câu giờ", chưa giảm sở hữu xuống dưới mức 5%. Có nơi, tổng số cổ phần của cá nhân và người liên quan vẫn vượt quá "room" quy định, lên tới 20%.

Cổ phần "chạy" đi đâu?

Cho đến nay, ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank và các thành viên gia đình vẫn chưa giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần quy định tại cả 2 nhà băng, là Sacombank và Phương Nam.

Báo cáo gần đây cho thấy gia đình ông Trầm Bê sở hữu khoảng 6,71% cổ phần Sacombank. Còn tại Phương Nam, tổng số cổ phần của thành viên gia đình này lên tới 20,81%. Riêng ông Trầm Bê sở hữu 8,36% vốn điều lệ ngân hàng và là cổ đông cá nhân lớn nhất.

Tại một số ngân hàng "gia đình" khác, tình trạng vi phạm sở hữu cổ phần của cổ đông lớn, nắm giữ các vị trí chủ chốt vẫn chưa được khắc phục. Đơn cử, bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐTQ kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á sở hữu tới 6,99% vốn điều lệ (năm 2013).


Hay như trường hợp Ngân hàng Nam Á, dù bà Tư Hường và các thành viên gia đình đã giảm tỷ lệ sở hữu dưới 5%, nhưng tổng số cổ phần vẫn vượt quy định (khoảng 27%).

Tiếp tục "câu giờ"

Từ lâu, các chuyên gia tài chính đã cảnh báo tình trạng sở hữu chéo, sở hữu cổ phần quá lớn dẫn tới thâu tóm quyền lực ngân hàng, quản trị thiếu minh bạch, đầu tư rót vốn vào các công ty "sân sau"…

Thậm chí, các chuyên gia cũng đã điểm mặt các ông, bà chủ nhà băng sở hữu cổ phần "vượt trần" và hối thúc các cơ quan quản lý cần phải sát sao hơn, yêu cầu các cổ đông lớn tuân thủ quy định về sở hữu, đảm bảo minh bạch hoạt động.

Dù vậy, quy định khống chế tỷ lệ sở hữu của cá nhân và người liên quan dường như không được thực hiện nghiêm túc. Một số chủ nhà băng đổ lỗi cho "tồn tại lịch sử" vì sở hữu vượt trần đã có từ lâu, không dễ giảm ngay và tìm nhiều lý do để "câu giờ".

Có nhiều cách để giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng. Đơn cử, bán bớt cổ phần như các cổ đông lớn của Ngân hàng VIB đã làm; chủ động tăng vốn điều lệ, hoặc hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác có cùng chủ sở hữu… Nhưng các phương án này đang phụ thuộc chủ yếu vào ý chí của các ông, bà "chủ" nhà băng khi quyền lực chi phối khó dứt bỏ.

Năm 2014, Ngân hàng Bắc Á đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng. Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, tỷ lệ sở hữu của cá nhân bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐQT, sẽ giảm ngay từ 6,99% xuống còn 5,67%. Và sẽ phải giảm tiếp về mức 5%. Thực tế, việc tăng vốn của ngân hàng hiện không mấy thuận lợi do thị trường chứng khoán khó khăn, vắng bóng NĐT…

Trong khi đó, việc giảm sở hữu của ông Trầm Bê và các thành viên gia đình lại đang phụ thuộc vào kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Sacombank và Phương Nam. Tại ĐHCĐ năm 2014 vừa qua, chủ trương sáp nhập 2 ngân hàng đã được cổ đông thông qua và đang tiến hành xây dựng phương án cụ thể, trình NHNN phê chuẩn.

Do tỷ lệ sở hữu của ông Trầm Bê và các con đang vượt quy định, nên cái khó nhất là xác định tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu như thế nào để đảm bảo vừa vặn "room", không gây thiệt hại cho cổ đông.

Hiện, chương trình sáp nhập Sacombank và Phương Nam vẫn được các bên liên quan giữ kín; do đó, chưa rõ khi nào chủ nhà băng này tuân thủ quy định sở hữu cổ phần.

>>> Nên khuyến khích cổ đông lớn tham gia HĐQT ngân hàng, tăng sở hữu tư nhân

>>> Sở hữu chồng chéo là nguồn gốc của nợ xấu

Theo Phương Nga

hangnt

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên