MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VAMC: Không có chuyện các ngân hàng ồ ạt bán nợ

25-09-2015 - 10:23 AM | Tài chính - ngân hàng

"Phần lớn nợ xấu được xử lý là do bản thân các ngân hàng tự xử lý nợ tích cực thông qua trích lập dự phòng rủi ro, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu xuống", ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch VAMC cho biết.

Trong vòng 3 năm, nợ xấu đã được xử lý quyết liệt và giảm nhanh chóng từ 17% cuối tháng 9/2012 về còn 3% (9/2015) cho thấy triển vọng mới về tiến độ xử lý nợ của các ngân hàng và công ty mua bán nợ. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các TCTD

Ông có nhận xét gì về tiến trình xử lý nợ xấu trong thời gian qua và tại sao có thể đưa tỷ lệ nợ xấu nhanh chóng về mức 3% đúng như kế hoạch?

Ngay từ đầu năm, VAMC và các TCTD đã đưa ra kế hoạch phải đưa nợ xấu về 3% trước 30/9 và xác định rõ quá trình xử lý nợ xấu phải đảm bảo theo đúng tiến độ. Đến giờ phút hiện tại, tốc độ xử lý nợ xấu về cơ bản đã hoàn thành, đến cuối năm tỷ lệ này sẽ ở mức thấp hơn.

Cuối năm 2014, chúng tôi đã xác định số nợ thu hồi trong năm 2015 với mục tiêu 10.000 tỷ đồng là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, đến nay dư nợ bán tài sản đạt 8.320 tỷ đồng và khả năng đến cuối năm sẽ hoàn thành mục tiêu.

Ngoài ra, giai đoạn vừa qua sự phối hợp giữa TCTD và VAMC đã nhịp nhàng hơn. Bên cạnh đó, các TCTD đã nhận thức rõ về xử lý nợ xấu thông qua VAMC do vậy tiến trình xử lý hoàn toàn theo kế hoạch.

Các ngân hàng đã nỗ lực tự xử lý, khi các khoản nợ xấu mà khoản dự phòng rủi ro không đáp ứng được, các ngân hàng đã chuyển qua cho VAMC.

Hiện VAMC đang xây dựng phương án đề nghị bổ sung phương án phát hành trái phiếu cho các tổ chức có nhu cầu bán nợ vượt kế hoạch được giao.

Nợ xấu tuyệt đối giảm mạnh trong 2 tháng qua, có phải các ngân hàng đã bán nợ cho VAMC ồ ạt?

Không hề! Tất cả các ngân hàng mà bán ồ ạt thì VAMC cũng không đủ lực mua. Bởi chúng tôi không có đủ nhân lực và muốn mua phải thẩm định, đánh giá được các khoản nợ đó với tài sản đảm bảo. VAMC có thể làm ngoài giờ nhưng cũng không thể làm nhanh được nếu như các ngân hàng đổ xô bán nợ trong thời gian ngắn như vậy.

Cũng phải nhận định rằng trong thời gian qua, các TCTD và VAMC đã hợp tác tốt. Và phần lớn nợ xấu được xử lý là do bản thân các ngân hàng tự xử lý nợ tích cực thông qua trích lập dự phòng rủi ro, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu xuống.

Cuối năm nay VAMC sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC – thuộc Bộ Tài chính) để “làm tiền đề, nền móng cho việc hình thành một thị trường mua bán nợ”, ông có thể nói rõ hơn về sự hợp tác này?

Theo yêu cầu của thực tế, hai bên đang kỳ vọng Chính phủ cũng sẽ sớm có các quy định cụ thể về loại hình kinh doanh mua bán nợ cũng như bàn luận để dẫn dắt thị trường mua bán nợ trong tương lai.

Hơn nữa, DATC có kinh nghiệm hàng chục năm về tái cơ cấu doanh nghiệp, những khoản nợ đã mua. Sự hợp tác này tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm xử lý nợ xấu sao cho tốt hơn thông qua việc bán nợ, xử lý cơ cấu nợ và bản thân VAMC cũng cần cơ cấu nợ và tiến tới năm 2016 mua bán nợ theo giá thị trường.

Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để xử lý nợ xấu cũng như đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng sắp tới sẽ thành lập Hiệp hội mua bán nợ sau khi đã có thị trường mua bán nợ.

Nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội vào mua bán nợ không trong thời gian tới không, thưa ông?

Mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết tuy nhiên cần có hành lang pháp lý. Hiện VAMC cũng đang làm việc cùng với các tổ chức nước ngoài hướng đến hiệu quả cao nhất là bán tài sản minh bạch, phù hợp giá thị trường chứ không phải cho nước ngoài mua theo lô và bán với giá thấp.

Thời gian qua, cũng đã có nhiều tổ chức đặt vấn đề với VAMC, Dragon Capital cũng đã vào đây để tìm hiểu. Cho đến nay, VAMC đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin cho gần 20 đơn vị trong và ngoài nước trong đó chủ yếu là tổ chức nước ngoài.

Năm 2016, chúng tôi hy vọng hàng lang pháp lý cho VAMC được hoàn thiện và tiến độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh đặc biệt sắp tới VAMC được phát hành trái phiếu đặc biệt mua bán theo giá thị trường, tuy nhiên điều kiện cần và đủ là thị trường mua bán nợ, trong đó các doanh nghiệp được phép mua bán nợ.

Tổng giá trị số nợ xấu VAMC đã mua vào từ đầu năm đến ngày 15/9 : 77.200 tỷ đồng.

Tổng số nợ xấu mua vào kể từ khi bắt đầu hoạt động: 211.000 tỷ đồng, vượt mức mục tiêu 200.000 tỷ đồng.

Số nợ được thu hồi kể từ đầu năm đến nay: 8.320 tỷ đồng.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên