Chưa căng thẳng vẫn lo
Các ngân hàng đang lo lắng nguy cơ thiếu thanh khoản trong 3 tháng cuối năm, bởi tín dụng có dấu hiệu phục hồi nhưng huy động vốn lại sụt giảm.
Mặc dù tín dụng chưa có dấu hiệu tăng mạnh, nhưng nhiều NH cho rằng những tháng cuối năm là thời điểm tín dụng tăng cao và nhiều dự báo cho thấy năm 2014 kinh tế sẽ dần phục hồi, nên các NHTM cũng đang nỗ lực tăng thanh khoản để khỏi bị động.
Lách
trần huy động
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay khi các kênh đầu
tư khác đang dần kém sức hấp dẫn, tiền gửi vẫn giữ được vị thế là kênh đầu tư hấp
dẫn dù lãi suất có giảm hơn so với những năm trước.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 20-9, huy động
vốn của toàn hệ thống đã tăng 11,74% so với cuối năm 2012, trong đó huy động vốn
bằng tiền đồng tăng 11,63%, ngoại tệ tăng 12,43%.
Ngược lại, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,05%, trong
đó tín dụng bằng tiền đồng tăng 9,98%, ngoại tệ giảm 13,05%. Nhiều NHTM cho biết
đang thừa thanh khoản khá lớn và hoạt động cho vay ra vẫn còn nhiều khó khăn.
Mới tháng trước, các NHTM còn thờ ơ với việc bán nợ
xấu, nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, một số nhà băng đã tiến hành lọc nợ xấu và
cân nhắc việc bán nợ cho VAMC để có thêm vốn kinh doanh.
Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu phục
hồi, sản xuất của nền kinh tế có xu hướng cải thiện, hàng tồn kho công nghiệp
chế biến chế tạo giảm khá mạnh, chỉ số phát triển công nghiệp tăng dần đều qua
từng tháng, đạt mức tăng 5,4% trong 9 tháng, tổng cầu cũng có dấu hiệu cải thiện,
cầu tiêu dùng tăng dần qua từng tháng.
Hơn nữa, theo thông lệ, thời điểm cuối năm, cầu tín
dụng thường tăng cao. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể đã tăng
chậm lại, tình hình sản xuất kinh doanh phục hồi nhẹ.
Mới đây, trong báo cáo “Nhận định tình hình kinh tế
năm 2013 và dự báo kinh tế 2014-2015”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận
định: Năm 2014 kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan
hơn năm 2013.
Do vậy, dù tín dụng tăng chậm nhưng các NHTM vẫn chạy
đua huy động để chuẩn bị nguồn vốn đón đầu nhu cầu vay vốn mùa cuối năm, cũng
như nhu cầu cho trung và dài hạn năm 2014.
Do áp lực chạy đua huy động, lãi suất áp dụng cho
khách hàng tiền gửi đã vượt trần tại các NHTM. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay
trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 7%/năm, nhưng chỉ các
NHTM nhà nước huy động dưới trần, còn hầu hết NHTM đều vượt trần.
Tại NHTMCP H., nhân viên NH cho biết với số tiền gửi
từ 500 triệu đồng kỳ hạn 3 tháng, khách hàng có thể được hưởng lãi suất 8%/năm,
nếu gửi kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi từng tháng, lãi suất được áp dụng 9,58%/năm.
Trong khi đó, NH S. đang cộng thêm lãi suất 0,5-0,8%
cho số tiền gửi từ 50 triệu đồng trở lên. Còn tại NH O., chỉ từ 100 triệu đồng
gửi kỳ hạn 1 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi suất 8%/năm.
Chủ tịch HĐQT một NHTMCP lớn tại TPHCM chia sẻ dù
cho vay khó khăn, nhưng để tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản, cũng
như để giữ khách hàng chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, việc cạnh tranh huy động
vốn đang diễn ra giữa các NH.
Hiện trần lãi suất huy động 7%/năm, nhưng nếu huy động
đúng mức này sẽ không có nhiều khách hàng, thậm chí những khách hàng cũ cũng bỏ
đi, bởi chỉ cần NH này nhích lãi suất lên là NH khác mất khách ngay.
Lo
thanh khoản
Ngoài chuẩn bị đón mùa tín dụng cuối năm, nhu cầu
thanh khoản của một số NHTM cũng có dấu hiệu tăng, khi từ ngày 23 đến 27-9 lãi
suất giao dịch bình quân trên thị trường liên NH các kỳ hạn qua đêm, 2 tuần, 1
tháng, 12 tháng tăng so với lãi suất bình quân tuần trước.
Mức tăng của các kỳ hạn này từ 0,04% đối với kỳ hạn
2 tuần đến 1,11% đối với kỳ hạn 12 tháng. Hồi cuối tháng 6, lãi suất qua đêm
trên thị trường liên NH ở mức rất thấp 0,9%. Tuy nhiên, từ tháng 7 lãi suất qua
đêm đã liên tục tăng, có lúc đạt đến 4,6%.
Sau khi NHNN bơm ra 7.000 tỷ đồng cùng với 4.500 tỷ
đồng tín phiếu đáo hạn và hạ lãi suất trên thị trường OMO, lãi suất trên thị
trường liên NH mới bắt đầu hạ nhiệt. Vào tháng 8, lãi suất qua đêm ở mức 2,42%,
nhưng đến cuối tháng 9 đã tăng lên 2,69%.
Mới đây, bên lề cuộc họp của Công ty Quản lý nợ của
các tổ chức tín dụng (VMAC) cùng 5 NHTM trên địa bàn TPHCM về việc mua nợ xấu,
các NH cho biết đang lo lắng nguy cơ thiếu thanh khoản trong 3 tháng cuối năm,
bởi tín dụng có dấu hiệu phục hồi nhưng huy động vốn lại sụt giảm do lãi suất
huy động giảm 2-5% so với đầu năm.
Việc NHTM lo thanh khoản cuối năm cũng dễ hiểu, khi
những NHTM có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm như Agribank, hay tăng trưởng
tín dụng âm trong 6 tháng đầu năm như Vietcombank, cũng đã phục hồi trong 2
tháng gần đây.
Tuy nhiên, lãi suất huy động của các NH này trong những
tháng gần đây thấp hơn mức trần khá nhiều, nên sức hấp dẫn đối với khách hàng
tiền gửi cũng kém hơn so với các NHTM khác.
Ngoài ra, không ít NHTM đã đề nghị điều chỉnh room
tín dụng, như VIB xin nới tăng trưởng lên mức 20%, NamABank điều chỉnh lên mức
30%, Co-opBank (NH Hợp tác xã Việt Nam) điều chỉnh lên 15%... nên cũng cần huy
động vốn để đảm bảo chỉ tiêu được giao.
Trong khi đó, dù tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó
khăn, nhưng cầu tín dụng cuối năm được dự báo sẽ khởi sắc do đây là thời điểm
xuất nhập khẩu tăng mạnh, nhu cầu vay tiêu dùng dịp Tết cũng gia tăng.
Hiện các NHTM đang tung ra hàng loạt chương trình
khuyến mại với nhiều ưu đãi dành cho khách hàng gửi tiền, với nhiều quà tặng
ngay cùng quà tặng cuối kỳ có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Một NHTMCP lớn tại TPHCM còn triển khai liên tiếp 3
sản phẩm khuyến mại mới hướng vào từng phân khúc khách hàng khác nhau, với mức
lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, một vài NHTM cũng đã tính đến phương án
phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 2-5 năm để huy động vốn
đón đầu nhu cầu thị trường.
Theo Đỗ Linh