MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Kiên quyết xử lý điểm nghẽn nợ xấu và tái cơ cấu

09-01-2015 - 10:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong 3 năm liên tiếp, NHNN đạt được hầu hết các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), đóng góp tích cực vào sự ổn định, tăng trưởng nền kinh tế. Vậy, năm 2015, trước nhiều khó khăn thách thức từ nội tại cũng như bên ngoài, CSTT của NHNN cần lưu ý những gì để tiếp tục gặt hái thành công?


TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

Tăng vốn trung hạn cho DN

Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu năm rất phù hợp với việc giảm kỳ vọng về sự mất giá của đồng VND so với USD. Trong số các mục tiêu điều hành CSTT của NHNN đặt ra, tôi cho rằng, mục tiêu xử lý nợ xấu rất khó khăn. Vì một mình NH không hoàn toàn quyết định được mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng của NH. Đó là: Sự hồi phục của thị trường bất động sản; Các điểm nghẽn mang tính thủ tục hành chính; Thủ tục liên quan đến tư pháp có vấn đề phát mại tài sản, quyền thu nợ...

Về phía hệ thống NH cũng cần phải chủ động, nhanh chóng trình Chính phủ xử lý tăng tiềm lực tài chính cũng như quyền năng mới cho VAMC. Có như vậy mới khai thông thị trường mua bán nợ. Và nợ xấu chỉ có thể được giải quyết nhanh thông qua thị trường này mới có thể thực hiện được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%.

Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) 13-15% của NHNN, nếu nền kinh tế thực sự hồi phục, tôi nghĩ con số đưa ra là hợp lý. Nhưng tôi cho rằng, song song với việc bơm vốn vào 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, sang năm 2015 các NH cần tập trung vốn trung hạn giúp DN có điều kiện tái cơ cấu để tồn tại và phát triển. Năm 2014, kênh vốn này vẫn còn hạn chế.

Tôi rất hoan nghênh việc NHNN cho phép các NH nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn qua Thông tư 36. Lãi suất cho vay (LSCV) ngắn hạn hiện nay là rất tốt, song tôi vẫn còn băn khoăn lãi suất trung hạn còn cao so với thực lực DN. Lãi biên cho vay trung dài hạn theo tôi chỉ ở mức 3% là phù hợp, thay vì 3,5% như hiện nay.

Tôi nghĩ, các NH cố tiết giảm chi phí để giảm LSCV DN. Mặt khác, NH vẫn còn dư địa giảm thêm LSCV khi lãi suất huy động ngắn hạn có thể giảm 0,5 – 1%/năm nữa. Nếu xét theo mục tiêu lạm phát Chính phủ là 5% thì dư địa giảm lãi suất không còn nhiều, bởi lãi suất thực dương của người gửi tiền còn ít. Nhưng tôi cho rằng, trong điều kiện Việt Nam đang cần động lực tăng trưởng thì về lâu dài không nên bàn đến chuyện lãi suất thực dương.

Đối với vấn đề tái cơ cấu, xử lý các NH yếu kém, tôi nghĩ trong thời gian qua NHNN đang có bước đi đúng. Thời điểm này NHNN có thể thực hiện mạnh tay đối với các NH yếu kém mà không lo sợ đổ vỡ vì nền tảng, thực lực hệ thống NH đang khá vững chắc. Tất nhiên, còn tùy nhiều yếu tố nữa, nhưng tôi nghĩ đây là thời điểm tốt, suôn sẻ để NHNN thực hiện quyết liệt tái cơ cấu.

TS. Nguyễn Đức Kiên

TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Mạnh tay xử lý NH yếu kém

Đúng như dự báo, ra Tết Dương lịch NHNN điều chỉnh tỷ giá. Vì thường đầu năm bao giờ tỷ giá cũng “căng” hơn. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay NHNN chủ động điều hành mềm mại hơn khi điều chỉnh tăng tỷ giá từ đầu năm. Việc điều chỉnh tỷ giá như vậy sẽ giúp cho các DN chủ động hơn trong hoạch định chính sách một cách hợp lý.

Họ biết nên đầu tư vào đâu, thời điểm nào là phù hợp để đảm bảo cân đối chi phí và lợi nhuận. Tránh trường hợp, khi DN vay vốn xong, NHNN mới điều chỉnh tỷ giá sẽ tạo tâm lý hoang mang cho họ. Đồng thời, phía NHNN cũng rơi vào thế khó, dù về mặt nguyên tắc, khi DN vay bằng ngoại tệ phải chịu rủi ro về tỷ giá là chuyện tất yếu.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục phải lắng nghe tiếng nói từ thị trường, đánh giá, xem xét sự hồi phục kinh tế Mỹ như thế nào… để có điều chỉnh cho phù hợp. Và dù có điều chỉnh hay không thì NHNN cũng cần phát tín hiệu đối với thị trường về mức “giá” đồng VND đang neo giữ hài hòa với thực lực của nền kinh tế để không tạo tâm lý kỳ vọng.

Trong các mục tiêu điều hành CSTT của NHNN năm 2015, tôi có hai băn khoăn, đó là TTTD và nợ xấu. Quan điểm của tôi, không cần đưa ra khung cố định đối với TTTD, cứ để nền kinh tế hấp thụ vốn được bao nhiêu thì mình đẩy vào bấy nhiêu. Điều quan trọng là mình có đủ nguồn vốn để đẩy vào khi nền kinh tế cần. Có như vậy, tôi nghĩ giá vốn mới xuống thấp được. Nếu đặt ra thành chỉ tiêu nhiều lúc giá vốn cao hơn trong khu vực sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam.

Về mục tiêu tỷ lệ nợ xấu đưa về mức 3% có thể đạt được nhưng tôi không quan tâm lắm con số này. Vì bản chất nợ xấu mới là quan trọng. Và muốn xử lý nợ xấu tốt, tôi nghĩ rằng, cần phải chấp nhận cho NH phá sản. Trước hết, chúng ta không nên nghĩ NH là một cái gì thiêng liêng bất biến. NHTMCP sinh ra, lớn lên và có thể chết đi nếu sức khỏe của nó quá yếu. Cũng như con người, “sinh - lão - bệnh - tử” là vòng đời tất yếu. Tôi nghĩ người chịu trách nhiệm đầu tiên phải là các chủ NH đối với đồng tiền của mình. Họ nhận lãi nhiều năm rồi, giờ phải chịu thiệt hại do mình gây ra chứ không phải lãi thì họ hưởng, lỗ thì đẩy cho NHNN, nền kinh tế phải chịu là không công bằng.

Giải pháp xử lý đối với những NH để nợ xấu lớn quá, sau khi trừ hết phần vốn pháp định mà vẫn âm (-) thì NHNN sẽ cần phải can thiệp. Có thể NH đó được NHNN cho vay trên thị trường liên NH hoặc cho tự khắc phục bằng cách này hay cách khác. Sau đó, nếu vẫn không thể cải thiện được, tôi nghĩ, NHNN cần buộc phải xử lý cho phá sản. Đây là điều cần thiết.

Được biết, sắp tới sẽ có vài NH phải sáp nhập, hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2015. Nhưng tôi không quan tâm đến con số là bao nhiêu. Điều tôi quan tâm là phương thức NHNN xử lý đối với các NH yếu kém đó như thế nào, để các NH tự nguyện hay ép buộc hoặc có trợ lực từ NHNN.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia NH TS. Nguyễn Trí Hiếu

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

2014 là một năm thành công trong điều hành CSTT của NHNN, qua thành tích đạt được hầu như tất cả các mục tiêu mong muốn đưa ra từ đầu năm. Đó là giữ nền kinh tế vĩ mô ổn định, thể hiện qua lạm phát thấp; giá vàng, thị trường vàng ổn định; tỷ giá được kiểm soát tốt...

Tuy đạt những thành công nhất định, nhưng mục tiêu của NHNN xử lý các NH yếu kém trong năm 2014 vẫn còn chậm, xử lý nợ xấu cũng vẫn đang trong tình trạng lình xình. VAMC mua hơn 135 nghìn tỷ đồng nợ xấu nhưng mới xử lý vài nghìn tỷ đồng là con số rất nhỏ trong vấn đề xử lý nợ. Theo các chỉ số chính thức mà NHNN công bố, nợ xấu của hệ thống NH ở ngưỡng 3,87%. Nhưng đấy chỉ là con số của TCTD tính toán đưa ra. Nếu tính toán một cách chặt chẽ hơn, số nợ xấu thực sự có thể khác.

Năm 2015, tôi cho rằng, điều hành CSTT của NHNN sẽ gặp khó khăn, thử thách hơn khi hai vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu chưa được giải quyết nhiều trong năm 2014. Việc NHNN quyết tâm lành mạnh hoá ngành NH, qua việc ban hành Thông tư 36, được xem là một quyết sách rất lớn đối với cơ quan quản lý. Vì tất cả chỉ tiêu đưa ra nếu không kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện thì khó có thể lành mạnh hoá hệ thống NH. Ngược lại, nếu thực hiện nghiêm túc thì chất lượng hệ thống NH thay đổi rất nhiều và đẩy nhanh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Basel II.

Đối với thị trường vàng, NHNN đã giữ ổn định khá tốt. Nhưng, theo tôi NHNN nên lưu ý vấn đề chênh lệch giá vàng. Dù nó không tác động quá nhiều đến sự ổn định của thị trường này, nhưng việc kéo “gần lại” giá vàng trong nước và thế giới vẫn cần thiết để hạn chế phản ứng phụ đối với thị trường này.

Đối với kênh huy động tiền gửi, tôi tin rằng, với tỷ lệ lạm phát 2015 ở mức thấp thì các NH còn “room” để hạ lãi suất tiền gửi thêm, qua đó kéo LSCV để hỗ trợ các DN. Thực tế, tình hình tài chính các DN còn đang lình xình. Vẫn có tới 60 nghìn DN phá sản, ngừng hoạt động trong năm 2014, nên việc hỗ trợ DN là rất cần thiết. Có thể việc giảm lãi suất huy động không có lợi nhiều cho NH và người dân, nhưng về mặt phát triển kinh tế thì tôi thấy rằng nên nới lỏng CSTT hỗ trợ DN nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Trong bối cảnh kinh tế dự báo sẽ có nhiều biến động như vậy, dĩ nhiên NHTW sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2015 hơn năm 2014. Điều này đòi hỏi nghệ thuật điều hành của nhà quản lý thêm một lần thử thách nữa. Và tôi tin rằng họ (tức ngành NH – PV) sẽ vượt qua và hoàn thành tốt được các mục tiêu chủ yếu của năm nay.

NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN, hợp tác xã, hộ gia đình tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, áp dụng đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển tốt.


Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3% gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu; tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó thực hiện việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

(Trích Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2015)

Theo Nhóm PV

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên