MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có giảm mạnh được lãi suất?

21-02-2015 - 16:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc hạ lãi suất sẽ “tiếp sức” cho doanh nghiệp song khả năng giảm lãi suất vẫn khó khăn.

Từ một đề xuất gây “sốc"...

Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có văn bản gây "sốc” gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất giải pháp đưa lãi suất tiền gửi VND xuống mức 1%/năm.

VAFI cho rằng: Ai cũng biết rằng nếu lãi suất huy động VND ở mức thấp (1%/năm) thì có nhiều ý nghĩa với kinh tế Việt Nam, nhưng cứ như hiện nay (không có nhiều giải pháp cơ bản thúc đẩy hạ lãi suất) thì mục tiêu đưa lãi suất VND về mức 3% hay 2%/năm chỉ là xa vời và không bao giờ đạt được. Để đưa lãi suất VND về mức không quá 1%/năm như các nước trong khu vực thì NHNN, Bộ Tài chính phải cầu thị, phải học hỏi kinh nghiệm thế giới và phải xây dựng 1 hệ thống giải pháp tài chính tiền tệ. VAFI nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam có thừa khả năng để đạt được mục tiêu đó.

Ngay sau khi đề xuất của VAFI được đưa ra, nhiều chuyên gia đã mổ xẻ, phân tích và cho rằng điều này là “hoang tưởng”. Ngay lập tức, VAFI đã có văn bản “phản pháo” lại ý kiến của các chuyên gia. VAFI cho rằng: Toàn bộ kiến nghị không hề yêu cầu Thống đốc NHNN phải điều chỉnh ngay việc hạ lãi suất tiền gửi vì đó chỉ là mục tiêu không tưởng. Muốn đạt được mục tiêu đưa lãi suất VND về mức 1%/năm cần đòi hỏi sự nỗ lực và cầu thị của các nhà hoạch định chính sách tại NHNN và Bộ Tài chính nhằm xây dựng nhiều chính sách ( Luật, Nghị định, Thông tư ) để thực hiện các giải pháp mà VAFI đề xuất. Cho nên kiến nghị đưa lãi suất VND về mức 1% là hàm mục tiêu.

“Nếu chúng ta không có giải pháp thì mục tiêu giảm sâu mặt bằng lãi suất chỉ là xa vời, chưa nói nguy cơ lạm phát cao và lãi suất huy động tăng trở lại nếu như Chính phủ không có giải pháp phòng vệ để ngăn ngừa những cơn sốt đất xảy ra trong tương lai và đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ” – VAFI giải thích.

Đến thực tiễn

Thực tế, nếu lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng có cơ hội giảm thêm. Định hướng của NHNN năm 2015 là phấn đấu giảm lãi suất thêm 1-1,5%.

Tại hội thảo về kinh tế 2015 ngày 11-2 vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đi sâu phân tích vấn đề lãi suất. TS Nguyễn Đình Cung đánh giá: Giảm lãi suất cho vay rất cần đối với doanh nghiệp nhưng dư địa thực tế không nhiều. Đây là nút thắt đối với nền kinh tế nước ta.

Dù nhận định có khả năng hạ lãi suất, song TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc hạ lãi suất khó có thể diễn ra trên diện rộng mà chỉ thông qua vận động một số ngân hàng. Lý do là tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại khác nhau nói chung chưa lành mạnh. Hoạt động cho vay mới còn hạn chế, phần không nhỏ là đáo hạn để giảm lãi suất khoản vay cũ…

Lãnh đạo CIEM khuyến nghị cần thay đổi chính sách tín dụng và cách điều hành chính sách tín dụng. Theo đó, bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; không chạy theo thành tích về lượng vì có thể kéo theo những hình thức nới lỏng có nhiều hệ lụy (tín dụng ngoại tệ, bất động sản, tín dụng dưới chuẩn…).

Ngoài ra, TS Nguyễn Đình Cung cũng đề cập đến mức độ kết hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. Cho đến nay, tiền tệ ít độc lập và “chạy theo” tài khóa trong khi tài khóa hầu như luôn mở rộng. Sắp tới đây, chính sách tài khóa cần chủ động thắt chặt trong trung hạn, mở đường để chính sách tiền tệ nới lỏng.

TS Nguyễn Đình Cung phân tích: Cụ thể, không cố định thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 5% GDP mỗi năm mà phải giảm dần xuống, tránh hoạch toán thu bao nhiêu, chi bấy nhiêu, giảm áp lực nợ công, tạo điều kiện mở đường cho giảm lãi suất. Như vậy, vốn sẽ chạy về khu vực doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn là nằm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc phần nhiều vào kết quả của tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng.

Theo Lương Bằng

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên