MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau đầu vì... thừa vốn

24-10-2013 - 14:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhìn lại lịch sử dòng vốn tín dụng trong nhiều năm qua, lúc lãi suất giảm và sự quan tâm thúc đẩy tín dụng của các ngân hàng đang lên là thời điểm phù hợp nhất cho DN và người dân vay vốn…

Thanh khoản của các ngân hàng hiện đã được cải thiện rất nhiều so với hơn hai năm trước. Thế nhưng, tín dụng của ngành vẫn tăng trưởng chậm. Chẳng hạn tại Vietcombank, đến cuối tháng 9/2013 tín dụng chỉ tăng trưởng ở mức hơn 3%. Còn tại Eximbank, 9 tháng đầu năm dư nợ mới đạt mức tăng hơn 8%... Xét ở toàn ngành Ngân hàng, đến gần hết tháng 9 dư nợ mới vượt 6%. Trong khi, nguồn vốn huy động tiết kiệm tăng trưởng hơn 12% trong 3 quý đầu năm.

Nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt, trong khi cho vay ngày càng khó khăn, thanh khoản dư thừa buộc các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất huy động đầu vào để tiết giảm chi phí. Nhưng khác với trước đây, hiện các nhà băng không chỉ cắt giảm lãi suất kỳ hạn ngắn mà ngay cả với các kỳ hạn huy động dài luôn được áp dụng lãi suất cao trước đây cũng không còn được duy trì. Lãi suất huy động dài hạn trên 1 năm hiện được các nhà băng áp dụng dao động từ 8 - 8,5%/năm và còn thấp hơn tại các nhà băng dư thừa vốn.

Lý giải về điều này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm đang cận kề, khi khách hàng tốt cũng chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong lúc, doanh nghiệp muốn cấp vốn lại có rủi ro, ngân hàng không thể nhắm mắt “rót” tiền vì như thế chẳng khác nào chấp nhận ôm quả bom hẹn giờ. Do đó, giảm lãi suất đầu vào là hành động duy nhất hợp lý trong lúc này để cắt giảm chi phí.

Theo ông Dũng, khác biệt so với trước là dù thanh khoản của ngân hàng đang “dôi dư”, nhà băng khó kiếm lợi nhuận cao từ thị trường liên ngân hàng, cũng như các khoản đầu tư. Vì thế, không thể duy trì lãi suất huy động cao như trước. Mặt khác, với mức lãi suất huy động duy trì 7 - 8%/năm vẫn được xem là an toàn cho những người có tiền nhàn rỗi, trước bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… chưa hồi phục. Tiết kiệm vẫn được lựa chọn.

Phó tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngọc Tâm cho hay, nguồn vốn huy động của ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt trong thời gian qua, cho dù lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm. 9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn của NamA Bank đạt trên 70% so với đầu năm nay. Cùng với đà tăng trưởng của nguồn vốn huy động, tín dụng của NamA Bank cũng tăng hơn 30% trong 9 tháng qua.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, do quy mô kinh doanh của NamA Bank còn nhỏ và con số về tăng trưởng dư nợ tuyệt đối chỉ mới vài nghìn tỷ đồng nên mức tăng trưởng dư nợ 30% cũng chỉ bằng một chi nhánh của nhà băng lớn. Vì thế, thanh khoản vẫn luôn đảm bảo, thậm chí còn dôi dư nên áp lực cạnh tranh huy động giảm. Với mặt bằng lãi suất hiện nay, ông Tâm cho là phù hợp vì xu hướng lạm phát giảm và tín dụng không dễ tăng cao.

Có thể thấy, trước đây, khi ngân hàng không cho vay ra nền kinh tế được thì thường gửi vốn trên thị trường liên ngân hàng để hưởng lãi suất 4 - 5%/năm. Còn hiện nay, các ngân hàng cho biết, cửa kinh doanh này cũng dần thu hẹp khi lãi suất liên ngân hàng chỉ còn 1,5%/năm và có thời điểm còn thấp hơn.

Một thực tế đang tồn tại trên thị trường, khiến không ít ngân hàng phải đau đầu là cạnh tranh khắc nghiệt trong việc giành thị phần tín dụng. Muốn có được khách hàng tốt để cho vay, một số ngân hàng đã hạ lãi suất xuống còn 5% - 6%/năm, trong khi trần lãi suất đầu vào vẫn ở mức 7%/năm.

Nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, các ngân hàng đang đẩy mạnh khơi thông nguồn vốn hỗ trợ khách hàng, nhất là DNNVV, nhưng để cùng nhau vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, cả ngân hàng và doanh nghiệp cần có sự hợp tác và minh bạch khi vay vốn. Nếu không, tín dụng muốn tăng cũng khó bền vững.

Chủ tịch HĐQT Eximbank cho hay, để giải quyết được bài toán vốn trong lúc này là không dễ, cho dù ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay thấp hơn trần huy động.

Chẳng hạn, tín dụng của Eximbank cũng khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 15% được thông qua cho năm nay. Trong khi đó, nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng khá dồi dào, 9 tháng Eximbank đạt mức tăng trưởng huy động khoảng 20%. Thanh khoản dôi dư luôn được xem là cơ hội tốt cho ngân hàng trong quá trình phát triển tín dụng, nhưng theo ông Dũng, trước bối cảnh hiện nay, đồng vốn không dễ sinh lời như trước. Huy động vào nhưng không thể đẩy mạnh cho vay, gánh nặng trả lãi suất cho người gửi tiền sẽ là vấn đề mà ngân hàng cũng phải tính toán.

Nhìn lại lịch sử dòng vốn tín dụng trong nhiều năm qua, lúc lãi suất giảm và sự quan tâm thúc đẩy tín dụng của các ngân hàng đang lên, đây được coi là thời điểm phù hợp nhất cho DN và người dân vay vốn kinh doanh, mua sắm… Thủ tục linh hoạt là một thuận lợi, lãi suất thấp cùng cơ hội tiếp cận khoản vay, dễ dàng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ mong muốn đi kèm hàm ý rằng, chi tiêu lúc này sẽ có lợi cho người tiêu dùng.

Theo KIM

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên