MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư vào đâu để "Cầm tiền chớ để tiền rơi?"

11-06-2014 - 10:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngay cả khi đã có những hướng đầu tư khác, tiền nhàn rỗi vẫn nên được gửi tiết kiệm nhằm tránh để tất cả trứng trong cùng một giỏ.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2014 đang là một năm khó khăn khi nền kinh tế cố gắng cầm cự, phục hồi chậm. Trong giai đoạn này, câu hỏi “đầu tư tiền vào đâu?” là một câu hỏi không dễ trả lời, bởi cơ hội lớn luôn đi kèm với rủi ro cao. Phải làm sao để không “cầm tiền mà để tiền rơi?.?”

    Hồi đầu năm, trả lời phỏng vấn trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã khẳng định gửi tiền vào ngân hàng đang là một kênh an toàn và hiệu quả nhất. 

    Tới nay, câu trả lời của Thống đốc vẫn còn nguyên giá trị. Cân đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng vừa qua với mặt bằng lãi suất tiền gửi nội tệ của các ngân hàng thương mại cho kỳ hạn 1 năm từ 6-7% thì người gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương, có lợi từ 1,6% đến 2,6%/năm. Ngay cả khi đã có những hướng đầu tư khác, tiền nhàn rỗi vẫn nên được gửi tiết kiệm nhằm tránh để tất cả trứng trong cùng một giỏ.

    Những năm gần đây, đã xuất hiện đôi lần người gửi tiền đột biến rút tiền khỏi ngân hàng vì tin đồn thất thiệt, hay một số tổ chức tín dụng (TCTD) phải giải thể vì làm ăn thua lỗ, hoặc vi phạm pháp luật. Hiện tượng này dấy lên câu hỏi rằng, gửi tiền vào ngân hàng liệu có những rủi ro tiềm ẩn?

    Trước hết, phải khẳng định trong mọi hình thức đầu tư sinh lời sẽ luôn luôn có rủi ro tiềm ẩn. Tuy vậy, gửi tiết kiệm là loại hình ít rủi ro nhất. Đặc biệt, từ năm 1999, có một tổ chức tài chính do Chính phủ lập ra, vẫn hoạt động “thầm lặng” nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đó chính là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). BHTGVN sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tín dụng bị đổ vỡ. Vì vậy, người gửi tiền hoàn toàn yên tâm rằng những đồng tiền dành dụm của mình luôn được Chính phủ bảo vệ.

    Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật BHTG và 1.1.2013, luật này chính thức có hiệu lực đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và hành lang hoạt động BHTG phù hợp. Theo đó, BHTGVN sẽ bảo vệ người gửi tiền thông qua các hoạt động giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ nhằm sớm phát hiện những dấu hiệu yếu kém của TCTD, đưa ra cảnh báo cho TCTD đó cũng như báo cáo NHNN để có biện pháp xử lý. 

    Trong trường hợp TCTD mất khả năng chi trả, không thể duy trì, BHTGVN giúp tổ chức đó rút khỏi lĩnh vực kinh doanh ngân hàng một cách có trật tự, không ảnh hưởng tới cả hệ thống và sau đó đứng ra chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại TCTD. Luật cũng quy định người gửi tiền hoàn toàn không phải đóng phí tham gia BHTG, mà TCTD mới là đối tượng đóng phí BHTG.

    Có thể thấy rõ BHTGVN như là một “chốt chặn an toàn” đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, hạn chế nguy cơ tổn thất của người gửi tiền. Hiện nay, hạn mức trả tiền bảo hiểm đang là 50 triệu đồng – bao gồm cả gốc và lãi - cho một khách hàng. Đây là mức quá thấp được áp dụng từ năm 2005, ngay cả khi các hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm dự phòng rủi ro vẫn luôn được coi là hoạt động trọng tâm. 

    Được biết, BHTGVN đã đề xuất với NHNN và các cơ quan hữu quan trình Thủ tướng điều chỉnh hạn mức này lên 200-300 triệu đồng và có thể cao hơn nữa trong tương lai nhằm theo kịp mức độ phát triển của nền kinh tế, đảm bảo lợi ích của người gửi tiền.

    Như vậy, qua hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN cũng như qua phối hợp với các cơ quan hữu trách, tổ chức tín dụng... mức độ an toàn của việc gửi tiền vào ngân hàng đã ngày càng nâng cao, gửi tiết kiệm trở thành lựa chọn của số đông công chúng.


    Theo Tô Lịch

    hangnt

    Lao động

    CÙNG CHUYÊN MỤC

    XEM
    Trở lên trên