MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư vào đâu để sinh lời trong năm 2014?

24-12-2013 - 08:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Đầu tư vào đâu để sinh lời... là câu hỏi mà trước thềm năm mới, bất cứ người dân nào đều rất quan tâm.

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” ngày 22.12, trước câu hỏi của người dân về vấn đề nêu trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2014 việc gửi tiền vào ngân hàng (NH) vẫn là một kênh an toàn và hiệu quả nhất.

    Gửi tiết kiệm vừa lành vừa... lợi

    Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến nay có thể khẳng định chúng ta đã thành công một bước vững chắc trong việc ổn định tiền đồng. Thực tế đã chứng minh, mức biến động của tỉ giá chỉ ở mức 1% suốt cả năm 2013 cùng mức sụt giảm giá vàng tới gần 25% cùng thời kỳ này thì mức lãi suất 9% của việc gửi tiết kiệm tiền đồng đã cho thấy, đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận ổn định cho người dân.

    (Xem thêm: Thống đốc khuyên người dân gửi tiền vào ngân hàng)

    Theo ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng phân tích Maybank-KimEng - thì giới đầu tư hiện nay vẫn nói với nhau rằng: “không nên chơi với vàng và cũng đừng đụng đến USD”. Giá USD trong hơn 10 tháng qua tăng 1,14%, thấp xa so với tốc độ tăng CPI, nếu cộng thêm lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD (1,25%/năm) tính cho 10 tháng được khoảng 1,04%, thì tổng cộng cũng chỉ được 2,08%, thấp xa so với lãi suất tiết kiệm.

    Tỉ giá thương mại 10 tháng giảm 1%, thì việc đầu tư vào USD cũng không có lợi so với gửi tiết kiệm bằng VND. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 3 tháng hiện nay ở mức 7%/năm, lãi suất gửi USD là 1,25%/năm. Cho dù tỉ giá có điều chỉnh tăng thêm 1% hay 2% nữa, tức tăng tổng cộng đến 3% trong năm nay, thì với lãi suất gửi USD là 1,25%/năm + 3% tăng tỉ giá thì mới đạt lợi suất là 4,25%/năm, vẫn thấp hơn mức lãi suất trung bình 7%/năm của tiết kiệm VND.

    Tuy nhiên, gửi tiết kiệm thực chất không phải là kênh đầu tư, hơn nữa, từ nay đến tháng 2.2014 là thời kỳ CPI tăng cao hơn, sẽ rất khó có lãi suất thực dương. Dẫu vậy, gửi tiết kiệm là kênh truyền thống ít rủi ro, có lãi suất danh nghĩa, thích hợp với người có lượng tiền không nhiều, không biết đầu tư, ngại rủi ro, cũng là nơi "tạm trú" đối với nhà đầu tư hiện đang chờ cơ hội...

    Trong khi đó, động sản vẫn chưa thoát khỏi cảnh ảm đạm. Mặc dù, chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỉ nhưng cho đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 1%. Điều này cho thấy, kênh đầu tư này vẫn chưa thể lấy lại vị trí của mình.

    An toàn cho người... có tiền

    Không trả lời thẳng câu hỏi của PV Báo Lao Động: Rằng có phải tình hình kinh tế vẫn đang “bết bát” hay sao mà việc gửi tiền tiết kiệm vẫn được coi là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả?

    Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: Việc gửi tiền trong NH hơn hay đầu tư vào thị trường, quan trọng là mọi người phải hiểu đúng về quan điểm và ý kiến của Thống đốc NHNN. Bởi việc gửi tiền vào NH là biện pháp an toàn của những người không biết đầu tư để tạo ra lợi nhuận từ đồng tiền mình đang có.

    Từ góc độ này thì ý kiến của Thống đốc NHNN là đúng, bởi năm 2014 vẫn khó có thể tìm được một kênh đầu tư nào đó chắc chắn mà ít rủi ro nhất để có thể mang lại lợi ích từ đồng tiền mình đang có. Nếu đầu tư vào vàng thì không ai có thể chắc là kênh đầu tư này sẽ mang lại lợi nhuận trước việc siết chặt quản lý vàng hiện nay. Đầu tư vào ngoại tệ thì có nhiều “bấp bênh” bởi kinh tế thế giới hiện cũng có nhiều biến động bất thường. Đầu tư vào SXKD thì năm 2014 kinh tế còn khó khăn, và cũng không ai chắc là đầu tư vào lĩnh vực này không gặp rủi ro.

    Còn đầu tư vào bất động sản thì chúng ta thừa biết năm 2014 thị trường bất động sản vẫn đóng băng, có chăng chỉ ở phân khúc giá thấp may chăng sẽ “hơi ấm” một chút. Nhưng cũng không chắc chắn hứa hẹn mang lại lợi ích lớn, bởi kho tồn đọng BĐS còn rất lớn. “Có thể khẳng định rằng, năm 2014 chúng ta chưa thoát khỏi khó khăn hiện tại, vậy nên tôi khẳng định ý kiến của Thống đốc NHNN là chính xác” - ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

    Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, việc chúng ta có chấp nhận đầu tư rủi ro hay không, đó là sự cân nhắc của mỗi người. Đầu tư rủi ro thì phải căn cứ vào thị trường và tình hình kinh tế có sức nóng nhất định.

    Tuy nhiên, mặt trái của đầu tư rủi ro có thể sẽ là một khoản lợi nhuận rất cao và ngược lại, rủi ro cũng lớn. Trong tình cảnh hiện nay, việc đầu tư ở nhiều lĩnh vực vẫn là mạo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều chỗ đầu tư và cũng có lợi nhuận cao, nếu dám chấp nhận mạo hiểm.

    Theo Công Thắng - Văn Nguyễn - Bảo Chương

    hangnt

    Lao động

    CÙNG CHUYÊN MỤC

    XEM
    Trở lên trên