MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề án VAMC rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn

15-06-2013 - 07:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng chỉ có thể giải quyết được nợ xấu khi nền kinh tế phục hồi – nền kinh tế chỉ phục hồi khi tín dụng tăng...

Theo lịch trình, vào ngày 9/7 tới đây Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ chính thức đi vào hoạt động, với vai trò chính là góp phần xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Độ - Chuyên gia tài chính (Viện Khoa học tài chính – Bộ Tài chính).

Ông đánh giá như thế nào về Đề án VAMC vừa được Chính phủ thông qua?

Cách xử lý nợ xấu của Đề án VAMC vừa được Chính phủ thông qua, về bản chất, là kéo dài thời gian trả nợ cho các doanh nghiệp và ngân hàng. Triết lý của Đề án là: “thời gian sẽ chữa lành các vết thương”.

Đề án VAMC đặt cược vào ít nhất 3 tiền đề:

Thứ nhất, việc kéo dài thời gian trả nợ sẽ tăng vị thế của các TCTD trong việc đàm phán bán nợ xấu.

Thứ hai, sức mua của thị trường sẽ gia tăng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và việc bán nợ xấu sẽ thuận lợi hơn.

Thứ ba, khi kinh tế phục hồi, các tổ TCTD sẽ kiếm được tiền để trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, có một rủi ro là Đề án VAMC rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: Các ngân hàng chỉ có thể giải quyết được nợ xấu khi nền kinh tế phục hồi – nền kinh tế chỉ phục hồi khi tín dụng tăng – tín dụng chỉ tăng khi nợ xấu được giải quyết.

Cụ thể vòng luẩn quẩn mà ông nói ở đây là như thế nào?

Mục đích của việc giải quyết nợ xấu là để giúp kinh tế phục hồi. Chính vì vậy, việc kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế cùng với thời gian để tạo điều kiện cho việc giải quyết nợ xấu là không ổn về mặt lô-gíc.

Triết lý “thời gian sẽ chữa lành các vết thương” chỉ phát huy tác dụng đối với các vết thương nhỏ. Nếu bối cảnh kinh tế vĩ mô về tổng thể vẫn còn tốt, một số các doanh nghiệp và TCTD gặp khó khăn vẫn có thể sẽ kiếm được tiền để trả nợ và trích lập dự phòng đầy đủ theo yêu cầu. Nhưng với những vết thương lớn, thị trường sẽ không thể tự giải quyết mà cần có sự can thiệp của Nhà nước. 

Nhiều ngân hàng đang tỏ ra không mặn mà gì với Đề án này, theo ông nguyên nhân tại sao?

Có thể có một vài lý do:

Thứ nhất, các ngân hàng sẽ phải phơi “ruột gan” của mình cho người khác xem.

Thứ hai, nhiều ngân hàng có thể không nhìn thấy cơ hội kiếm đủ tiền cho việc trích lập  dự phòng đối với các khoản nợ xấu. Họ có thể cũng không nhìn thấy cơ hội bán được nợ xấu với giá hợp lý.

Theo ông khả năng giải quyết nợ xấu của VAMC sẽ như thế nào (giải quyết được bao nhiêu phần trăm nợ xấu hiện nay)? Thời gian kéo dài trong bao lâu?

VAMC chỉ là thuốc giảm sốt, không phải thuốc kháng sinh.

Vậy theo ông VAMC phải bổ sung những gì để có thể giải quyết được thành công bài toán nợ xấu hiện nay?

VAMC cần được mua bán nợ xấu bằng tiền mặt và có thể được phép thua lỗ ở một mức độ nhất định nào đó.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên