ĐHCĐ Eximbank: Cổ đông "xoay" HĐQT về Eximland và thù lao
14h chiều, các cổ đông vẫn chưa hết bức xúc về việc đầu tư của Eximbank vào Eximland và thù lao cho HĐQT tới gần nửa lợi nhuận, dù rằng HĐQT đã cam kết sẽ trả lại khoản tiền này và vấn đề Eximland phải chờ kết luận thanh tra.
Sáng 21/7, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2015 với một loạt các tờ trình gửi tới cổ đông để thông qua.
Đại diện Eximbank lên thông qua chương trình đại hội bằng việc đưa phiếu biểu quyết, tuy nhiên các cổ đông không đồng ý và yêu cầu phải biểu quyết trực tiếp.
Các cổ đông cũng yêu cầu ngân hàng phải bầu bổ sung thêm các thành viên Ban kiểm phiếu từ 3 thành viên hiện tại lên 6 thành viên và đã được chấp thuận. Tuy nhiên việc bầu Hội đồng quản trị và Bks nhiệm kỳ mới 2015 - 2020 không được đưa vào chương trình nghị sự dù nhiệm kỳ cũ đã kết thúc.
Như vậy, chương trình đại hội có một chút thay đổi so với ban đầu đó là bầu bổ sung ban kiểm phiếu.
Theo báo cáo trình bày tại đại hội, tổng tài sản của Eximbank trong năm 2014 đạt 161.093 tỷ đồng. Vốn huy động đạt 101.380 tỷ đồng từ mức 79.005 tỷ đồng vào thời điểm đầu nhiệm kỳ 2010. Dư nợ cho vay đạt mức 87.147 tỷ đồng tính đến cuối năm 2014.
Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh năm 2014 của Eximbank là 1.940 tỷ đồng nhưng thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là phải tập trung xử lý nợ xấu nên hầu hết lợi nhuận kinh doanh được dùng để giải quyết vấn đề này, trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC.
Do vậy, lợi nhuận hợp nhất cuối năm 2014 trên sổ sách chỉ còn 69 tỷ đồng. Theo số liệu, tổng lợi nhuận của cả 5 năm qua là hơn 10.000 tỷ đồng, bình quân 2.000 tỷ/năm.
Bên cạnh đó, nợ xấu của Eximbank là 2.144 tỷ đồng, chiếm 2,46% trên tổng dư nợ cho vay (87.147 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế trong năm qua đạt 69 tỷ đồng, hoàn thành 3,8% kế hoạch. Đến cuối năm 2014, tổng giá trị đầu tư của ngân hàng là 17.461 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), tăng 10% so với cuối năm 2013. Trong đó, đầu tư vào trái phiếu và giấy tờ có giá trị là 15.366 tỷ đồng (chiếm 88%), đầu tư vào cổ phiếu và góp vốn đầu tư dài hạn là 2.095 tỷ đồng (chiếm 12%).
Mục tiêu năm 2015 của Eximbank, tổng tài sản là 180.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014; huy động vốn đạt 126.000 tỷ đồng (tăng 24%); dư nợ cấp tín dụng đạt 108.750 tỷ đồng (tăng 11%); lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng.
Thảo luận cổ đông Eximbank
Gần 12h, đại hội cổ đông của Eximbank bước vào phần thảo luận.
Cổ đông đầu tiên có ý kiến, sáng nay HĐQT báo cáo vấn đề số 7 nhưng không nói rõ số tiền đó là bao nhiêu, HĐQT còn dấu cổ đông, cácthành viên HĐQT chỉ là người làm thuê cho cổ đông nhưng làm như vậy là không được, không có cổ đông thì HĐQT cũng không có mặt ở đây? HĐQT nhận lương và thưởng có xấu hổ hay không, vì sao không dùng tiền đó để chia cổ tức cho cổ đông? Quy chế của ĐHCĐ phải để cổ đông sửa chứ không phải HĐQT sửa.
HĐQT làm việc không có hiệu quả, vậy thuê Tổng giám đốc để làm gì. Phần chi tiền cho các cố vấn (ông Lê Đức Thúy) của ngân hàng là bao nhiêu, vì sao không hỏi cổ đông mà lại tự quyết.
Ngoài ra, phong cách làm việc của nhân viên ngân hàng cũng rất khó chịu, vì sao không nở nụ cười để làm hài lòng khách hàng? Không phải cổ đông nào cũng có máy tính lên mạng để cập nhật thông tin, nhưng HĐQT vì sao không thông báo cho cổ đông, vì sao không báo cáo cổ đông?
ĐHCĐ lần trước hoãn cũng không công bố cho cổ đông, làm cho cổ đông phải đi lại rồi về không. Ngân hàng phải công khai, minh bạch hoạt động, vì sao chỉ toàn những cái tốt mà không nói cái xấu.
Cổ đông thứ hai có ý kiến: Cổ đông này là cổ đông sáng lập từ năm 1989, cung cách hoạt động của HĐQT rất có hiệu quả, nhưng nhiệm kỳ hiện nay lại đi thụt lùi. Công tác tổ chức rất luộm thuộm, kéo dài thời gian. Kết quả cho cổ đông không có giá trị, không có cổ tức, nên cổ đông không tín nhiệm HĐQT hiện nay. Đề nghị HĐQT, nhất là Ban kiểm soát, nên xem xét lại. Mức trợ cấp cho năm 2015 là 600 triệu đồng, gấp đôi năm 2014 mà không hiệu quả thì không nên, cần xem xét lại. HĐQT và Ban điều hành cần phải xem lại vấn đề cổ tức, 0 đồng của một ngân hàng top 5 ngân hàng là điều không thể chấp nhận được.
Cổ đông thứ ba cũng đề xuất phải chia cổ tức cho cổ đông.
Cổ đông thứ 4 nói kết quả kinh doanh rất tồi tệ. Năm 2014 thù lao của HĐQT là 33 tỷ đồng, trong khi quyết định là 1,5% lợi nhuận tương đương 860 triệu đồng, vậy khoản chênh lệch này đi đâu?
Ngoài ra có một khoản chi phí hơn 300 tỷ đồng, có tính vào kết quả kinh doanh không, chủ tọa cần nói rõ cho cổ đông biết chi phí là gì? Cổ đông cũng cho rằng HĐQT nên từ chức.
Ông Hùng trả lời cổ đông đầu tiên: Đầu giờ sáng nay có cổ đông đến dự nhưng vì cổ đông không mang chứng minh nhân dân nên không đáp ứng yêu cầu. Sau đó phía tiếp đón báo cáo lại lãnh đạo ngân hàng.
Về khoản đầu tư cho tòa nhà là bao nhiêu, ông Hùng cho biết, ngân hàng phải làm nhiều thủ tục như với thành ủy để mua lại, làm thiết kế, chọn nhà thầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa quyết định rõ ràng nên chưa thể báo cáo với cổ đông. Hiện chủ tọa đàm chỉ báo cáo với cổ đông là mảnh đất đó đã được mua lại và thuộc sở hữu của ngân hàng.
Về cổ tức, lợi nhuận mang về khả quan trong điều kiện hoạt động bình thường, dự kiến là 2.400 tỷ đồng, nhưng theo yêu cầu của NHNN, Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro nên lợi nhuận còn lại 69 tỷ đồng.
Về thù lao HĐQT và BKS cũng như nhân sự HĐQT, ông Phú Tổng giám đốc có ý kiến cho biết, trong giờ giải lao, một cổ đông cũng đề cập việc vì sao HĐQT lại không bầu cử nhiệm kỳ mới. Ông Phú cho biết, tại ngày 22/4 HĐQT đã trình NHNN nhân sự dự kiến, tuy nhiên do thanh tra đột xuất nên vấn đề nhân sự đang được NHNN xem xét, sẽ chờ NHNN trả lời.
Theo quy định, nhân sự phải được bầu cử trước thời hạn là 30/6. Tuy nhiên Eximbank đã được NHNN đồng ý. Sau khi NHNN đồng ý, ngân hàng sẽ đại hội bất thường để bầu nhiệm kỳ mới.
Về nhân sự hiện tại có hiệu lực hay không, theo quy định là nhiệm kỳ của thành viên HĐQT chỉ 5 năm. Tuy nhiên cũng có quy định HĐQT hiện tại vẫn có giá trị khi có HĐQT mới tiếp quản.
Về cổ tức, những năm trước, Eximbank đều chia cổ tức cho cổ đông rất tốt. Đến năm 2013 đi xuống và 2014 là không chia vì lợi nhuận có 69 tỷ đồng. Ông Phú nhận trách nhiệm vì là người điều hành.
Tuy nhiên theo ông Phú, việc không chia cổ tức là vì phải trích lập dự phòng rủi ro chứ không phải vì kinh doanh kém.
Cổ đông là chủ phải biết kết quả kinh doanh là tất yếu. Năm qua ngân hàng đạt kết quả kinh doanh hơn 1.900 tỷ đồng, nhưng những tồn đọng từ trước khiến Eximbank đã bán 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và phải trích lập dự phòng rủi ro 675 tỷ đồng, trích lập hơn 600 tỷ đồng dự phòng kinh doanh. “Cơm không ăn gạo còn đó”. Bài toán bán nợ cho VAMC là một chuyện, nhưng xử lý nợ xấu triệt để mới là quan trọng.
Trong quý 1 ngân hàng lãi hơn 500 tỷ đồng, tại sao 3 quý còn lại lại chỉ đặt kế hoạch 500 tỷ, vì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro. Việc chúng ta lãi thực là quan trọng. Cổ phiếu EIB vẫn trên 14.000 đồng. Sau khi làm sạch sổ sách, ngân hàng sẽ bước vào giai đoạn thăng hoa.
Từ khi VAMC hoạt động tới nay, ngân hàng đã bán 5000 tỷ cho VAMC thì năm nay phải trích 1.000 tỷ đồng, sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh là tất yếu. Phần trích lập dự phòng theo quy định phải được tiến hành trong 5 năm.
Về kinh phí hoạt động của BKS tăng gấp đôi, theo ông trưởng ban kiểm soát, năm 2014 phê duyệt là 600 triệu đồng, nhưng thực hiện tiết kiệm, BKS đã tiết kiệm, các khoản chi trong đó có dự trù phát sinh là thuê kiểm toán độc lập về lĩnh vực xây dựng cơ bản mà kiểm toán nội bộ không thực hiện được. Năm 2014 ngân hàng chưa thực hiện phần dự trù này nên 2015 tiếp tục đưa vào dự trù kinh phí để kịp thời thuê cho các lĩnh vực không am hiểu.
Trong thực tế, với trách nhiệm của BKS, hoạt động là phải trên tinh thần tiết kiệm, nên Ban kiểm soát dự trình chi phí như năm trước.
Cổ đông tiếp theo lại có ý kiến về thù lao HĐQT. Năm 2014 tổng mức duyệt thù lao là 1,4% trên tổng lợi nhuận. Trong kết quả kinh doanh là 56 tỷ đồng sau thuế, như vậy 1,5% thì tương đương 860 triệu đồng, nhưng thực chi 33 tỷ đồng. Vậy ngân hàng có thực tế thanh toán số tiền này hay không? Nếu không thì ngân hàng thực chi là bao nhiêu? Nếu có là bao nhiêu, chi phí đó tính như thế nào?
Ông Lê Hùng Dũng trả lời, HĐQT thực hiện theo sự đồng ý của cổ đông. Việc tạm ứng cho HĐQT và BKS vượt con số đó sẽ được hoàn ứng theo tiêu chuẩn. Ông chủ tịch cho biết sẽ thu hồi và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đầu năm ngân hàng có biến động lớn, nên đã tạm ứng, nhưng kết quả cuối cùng chỉ có 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nên chắc chắn con số này sẽ được hoàn trả.
Cổ đông tiếp theo nói, nguyên nhân lợi nhuận là do trích lập dự phòng, vì sao lại trích lập dự phòng lớn vậy. Chủ tọa đoàn cần làm rõ vấn đề tín dụng của ngân hàng, cho vay không tài sản đảm bảo là bao nhiêu, là chủ trương của ai? Cần làm rõ trách nhiệm của thành viên HĐQT được phân công hoạt động rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng?
NHNN đang thanh tra, nên việc thay đổi nhân sự mới cần chờ kết quả thanh tra? Đại diện NHNN có thể cho biết khi nào có kết luận thanh tra để chúng ta có nhân sự mới thực sự hoạt động có hiệu quả, nhất là Ban giám đốc, để cổ đông có cổ tức?
Bà Nhi, Phó Tổng giám đốc trả lời có hai lý do làm nợ xấu tăng là khách quan nền kinh tế yếu kém và chủ quan ngân hàng với nhiều chính sách điều chỉnh.
Ngoài ra, thị trường BĐS đóng băng cũng làm ảnh hưởng đến việc trả nợ của khách. Thêm vào đó một số khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích như đầu tư chứng khoán, BĐS dẫn đến khả năng không có khả năng trả nợ.
Trong tổng nợ cần xử lý của Eximbank đến 20/6 là 2.400 tỷ đồng. Trong đó nợ xấu thực sự là 1.746 tỷ đồng. Tuy nhiên có những khoản nợ được cơ cấu theo quyết định 780, khách hàng không có khả năng trả nợ nên tổng mức nợ xấu là 2.400 tỷ đồng, tương đương 2,82% dư nợ.
Phần nợ xấu có tài sản đảm bảo, chỉ có 5% khoản vay trong nhóm nợ cần xử lý là không có tài sản đảm bảo. Giá trị tài sản đảm bảo giảm sút do thị trường BĐS đi xuống. Tuy nhiên ngân hàng đang nỗ lực xử lý bằng bán nợ, bán tài sản của khách hàng để trả nợ.
Cổ đông tiếp theo hỏi, vấn đề cổ tức vẫn bức xúc, dù cổ phiếu hay tiền mặt. Đầu năm cổ đông này đã bán cổ phiếu vì tình hình Eximbank quá bết bát, thua lỗ. Có lẽ chủ tịch Eximbank đã lấn sân sang bóng đá nhiều mà không tập trung vào ngân hàng. Vì sao HĐQT không tiết kiệm chi phí để trả cổ tức cho cổ đông?
Ông Lê Hùng Dũng trả lời: Thời gian qua đã chia cổ tức tổng cộng 87,3% trong 5 năm cả cổ phiếu lẫn tiền mặt, là mức cao so với các ngân hàng khác. HĐQT rất áy náy nhưng thực tế là do tình hình kinh tế khó khăn chứ không phải chủ quan ban lãnh đạo muốn như vậy.
Về việc từ chức hay không, ông Dũng cho biết ông đã chủ động thôi không ứng cử vào nhiệm kỳ tới vì ông biết được luật chơi "thắng làm vua, thua làm giặc".
Cổ đông tiếp theo tiếp tục hỏi về chi phí cho hoạt động khác năm 2014 tăng đột biến. Quý 4/2014 chi phí cho hoạt động khác là hơn 344 tỷ đồng trong khi cả năm có hơn 400 tỷ đồng, năm 2013 chỉ hơn 130 tỷ đồng. Cổ đông hỏi: Chi phí khác là cho hoạt động nào, có liên quan tài trợ bóng đá hay không? Có mâu thuẫn về quyền lợi không khi ông Dũng là chủ tịch VFF. Ngân hàng có phương án xử lý viêc tăng đột biến này không. Việc trích lập dự phòng có phải tăng thêm không?
Sáp nhập Sacombank và Southern Bank khiến tỷ lệ sở hữu của Eximbank từ hơn 10% xuống còn hơn 5%. Ông chủ tịch ủng hộ sáp nhập là vì sao, cơ sở nào HĐQT lại chấp thuận cho 1 Southern Bank đổi 0,75% Sacombank?
Ông Phạm Hữu Phú Tổng giám đốc cho biết, năm 2014 khi kết thúc ĐH 2013, cổ đông đã phê bình vấn đề liên quan bóng đá. Năm 2014 ngân hàng đã cắt hoàn toàn chi phí tài trợ cho bóng đá.
Chi phí đột biến tăng là do trước đây hạch toán tài sản bán nhưng không thành công nên phải hủy và phải trích lập dự phòng.
Liên quan đến Sacombank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, thái độ của Eximbank ủng hộ là do, trước đó Eximbank đã lắng nghe các báo cáo của HĐQT, Ban điều hành Sacombank trong đó nói rõ chủ trương sáp nhập là được cơ quan quản lý xem xét kỹ lưỡng trong thời gian dài và tán thành, nếu cổ đông tự nguyện thì NHNN tán thành. Thêm vào đó, trên cơ sở đó, Eximbank cũng thảo luận về việc tỷ lệ hoán đổi như vậy ngân hàng không đồng ý, mà chỉ đồng ý tỷ lệ 0,55.
Tuy nhiên tỷ lệ Phương Nam 0,75 Sacombank là giấy tờ sổ sách. Còn sau khi chia thực tế, cổ đông Sacombank sẽ nhận thêm 0,385 cổ phiếu, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 0,75 và 1,385, tức tỷ lệ thực tế chỉ 0,54 là phù hợp với chủ trương của ngân hàng. Việc sáp nhập có giảm cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng.
Quy mô ngân hàng về tổng tài sản, vốn điều lệ, Sacombank sẽ trở thành ngân hàng số 1 về cổ phần tư nhân, điều đó là tốt cho cổ đông như Eximbank.
Ngoài ra cứ như tình hình hiện tại thì 40 năm nữa Eximbank mới đuổi kịp Sacombank về mạng lưới. Đó là lý do chúng tôi đồng thuận với Sacombank.
Cỏ đông hỏi: Chủ trương đầu tư vào Eximland là ai đưa ra, con số nợ xấu thực tế là bao nhiêu, là ngân hàng đưa ra hay thanh tra kết luận? Phần đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào Eximland có phải là nợ xấu không?
Cổ đông cần được giải trình số liệu dự phòng cụ thể như thế nào. Hiện nay các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, lãnh đạo nói là theo quy định, vậy lãnh đạo cần nói rõ bao nhiêu dư nợ không có tài sản đảm bảo. Ông chủ tịch cần công khai việc thù lao của HĐQT và BKS trong năm 2014 (1,5% lợi nhuận đã được phê duyệt) bây giờ đã chi chưa? Cách trả lời của chủ tọa đoàn vẫn chưa làm hài lòng cổ đông.
Cổ đông khác hỏi, Eximbank là ngân hàng đầu tiên, các cổ đông đều là người về hưu để mua cổ phiếu. Eximbank từ bị Minh Phụng Epco làm cho lao đao. NHNN đã từng cho vay 300 tỷ và đưa người vào để hỗ trợ cho ngân hàng, trả được nợ, mua được nhà đất, rồi bán được cổ tức cho đối tác Nhật Bản.
Nhân có đại diện NHNN ở đây, cổ đông có ý kiến cần bầu HĐQT và BKS mới. NHNN cần lưu ý Eximbank để cổ đông nhỏ là những người về hưu, NHNN hãy cử chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là người có chuyên môn, trình độ, có cổ phần nhiều, lớn, để họ có tâm huyết với ngân hàng, thúc đẩy ngân hàng để cổ đông nhỏ ăn theo.
Ông Phạm Hữu Phú trả lời, liên quan thù lao HĐQT thì chủ tịch đã giải thích. Việc chi vượt quá mức thông qua. HĐQT đã họp về đề nghị những người nhận quá mức phải trả lại cho cổ đông. Riêng 2015, từ tháng 4 đến nay HĐQT không có lương hay thù lao gì. Số năm trước thừa quá 1,5% cổ đông cho phép sẽ trả lại.
Về lợi nhuận đạt được trong năm 2014 là 1.930 tỷ đồng, nhưng chi phí xử lý nợ xấu và dự phòng là hơn 1.800 tỷ đồng.
Đại diện Eximbank được mời lên trả lời mức thù lao cụ thể cho từng HĐQT, vị đại diện tên Vũ cho biết theo kế hoạch ban đầu là lợi nhuận 1.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận có nhiều lý do khiến cho chỉ đạt 69 tỷ đồng. Phần vượt, ngân hàng đảm bảo sẽ thu hồi bằng mức mà ĐHCĐ đã thông qua. Năm 2014 ngân hàng đã tạm ứng 33 tỷ đồng và năm 2014 đã tạm ứng 8 tỷ đồng.
Cổ đông tiếp theo hỏi, dưới góc độ cổ đông, theo số liệu báo cáo hiện tại, Eximbank là top 5 có quy mô lớn nhất nhưng lợi nhuận chỉ đạt 69 tỷ đồng, bằng 3,8% kế hoạch đề ra. Trong nhiệm kỳ vừa qua, suốt 3 năm gần đây không có cổ tức. Sự giải thích của chủ tọa đoàn là chưa thỏa đáng, HĐQT cần có giải pháp cho cổ đông rõ ràng hơn.
Đại diện Eximbank trả lời, số liệu thống kê cho thấy, cổ tức chưa kể cổ phiếu thưởng năm 2010 là 12,6%; năm 2011 là 19%; năm 2012 là 13%: năm 2013 là 4%. Riêng cổ tức 4 năm đã nhận gần 50% bằng tiền mặt.
Cổ đông hỏi: Dự phòng cho 2015 là bao nhiêu, đã tính đế phần thoái vốn ở Sacombank hay không, có kế hoạch bán nợ tiếp cho VAMC là như thế nào, kế hoạch thu hồi nợ xấu 2015 – 2016 như thế nào?
Cổ đông hỏi: Đầu tư của Eximbank vào Eximland bản chất là thế nào, mối quan hệ nội bộ của HĐQT với Eximland là thế nào, nợ xấu hiện nay ra sao?
Cổ đông hỏi: Năm 2014 xử lý nợ xấu và các vấn đề của quá khứ, hiện nay tồn đọng bao nhiêu. Dự kiến xử lý các vấn đề quá khứ bao giờ cho xong? Về biểu quyết của Eximbank tại Sacombank, theo thông báo là tỷ lệ gần 94% trong đó Eximbank sở hữu 10%, trong HĐQT đã có sự thống nhất về biểu quyết, phải chăng tỷ lệ Eximbank biểu quyết một nửa đồng ý và một nửa không đồng ý, phải chăng nội bộ có vấn đề?
Phó Tổng giám đốc, bà Nhi trả lời về nợ xấu, theo bà Nhi nợ xấu 2015 của Eximbank, con số nợ xấu gồm cả nợ cơ cấu lại đều được đưa vào danh sách nợ xấu tổng cộng 2.400 tỷ đồng tương đương tỷ lệ 2,82%. Có hai con số 2,6% và 2,82% là bởi thống kê ở hai thời điểm khác nhau, cuối 30/6 là 2,82%,
Năm nay NHNN giao cho Eximbank xử lý 2.730 tỷ đồng, trong đó bán nợ VAMC là 2.000 tỷ đồng. Đến nay đã bán 1.526 tỷ đồng, đạt hơn 75% kế hoạch được giao, từ nay đến cuối tháng 9 sẽ bán nốt.
NH cũng tự xử lý được hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bằng thu từ khách hàng (hơn 500 tỷ đồng). NH cũng đã xử lý được bằng quyết định 780 là hơn 400 tỷ đồng. Tổng cộng tự xử lý 1.500 tỷ đồng nợ xấu.
Về bán nợ, từ 2013 đến nay bán nợ liên tục, tổng cộng là hơn 6.300 tỷ đồng đã bán xong. Đây chỉ là bước xử lý nhanh đưa tỷ lệ nợ xấu thực của NHNN về dưới 3% theo yêu cầu của NHNN. Nhưng đây chưa phải là biện pháp xử lý, NH sẽ tập trung thu hồi nợ. Ngân hàng đã thu hồi được 1.500 tỷ đồng từ nguồn bán nợ cho VAMC.
Ông Vũ trả lời, những tháng đầu năm ngân hàng đã trích lập dự phòng một phần nợ xấu, giúp lợi nhuận ở mức 570 tỷ đồng. Những tháng cuối năm sẽ tiếp tục trích lập dự phòng nhưng cũng có kế hoạch đẩy mạnh nguồn thu khác để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận.
Về Eximland, trong những năm trước đúng là có đầu tư, nhưng đến nay các khoản dư nợ ở Eximland đã tất toán thành công. Năm vừa qua Eximbank đã chuyển nhượng phần góp vốn vào Eximland, đến nay không còn bất kỳ mối quan hệ nào.
Cổ đông hỏi chủ trương của ai về việc đập đi hai trụ sở của ngân hàng để xây trụ sở mới. Tại sao không dùng tiền đi thuê trụ sở hiện nay để xây?
Cổ đông là đại diện của Vietcombank có ý kiến về nội dung thù lao. Như chủ tịch Lê Hùng Dũng đã phát biểu sẽ thu hồi, nội dung này sẽ đưa vào nghị quyết và hạch toán đúng quy định.
Ông Dũng trả lời: Việc xây dựng hai trụ sở là xin được chủ trương, trong đó trụ sở ở Lê Thị Hồng Gấm tương đối cao, còn ở Nguyễn Chí Thanh là trụ sở chi nhánh chợ Lớn cũ. Do cơ sở chật chội, Ban điều hành khi đó đã đề xuất di dời hai trụ sở đó để tiến hành đấu thầu, thiết kế, chọn nhà thầu thi công trụ sở mới.
Hiện nay có nhiều đối tác nhà thầu làm việc nhận thi công, trong đó có cả đối tác Nhật.
14h chiều, các cổ đông vẫn chưa hết bức xúc về việc đầu tư của Eximbank vào Eximland và việc chi trả cụ thể như thế nào cho các thành viên HĐQT, BKS tới 33 tỷ đồng
Ông chủ tịch Lê Hùng Dũng tiếp tục cam đoan phần tiền này sẽ được thu hồi và báo cáo HĐQT.
Thêm một cổ đông yêu cầu tất cả các vấn đề trong ĐHCĐ và đưa vào nghị quyết để trả lời cổ đông như là mối quan hệ Eximbank và Eximland, bán nợ cho VAMC bao lâu thì xử lý, rồi tính minh bạch, trách nhiệm, tinh thần, nhân văn của HĐQT để làm rõ các vấn đề. Việc giảm nợ cho Eximland 98 tỷ đồng có phải là lý do khiến lợi nhuận giảm hay không?
Ông Phạm Hữu Phú cho biết, liên quan đến Eximland sẽ có kết quả thanh tra và sẽ thông báo tới cổ đông tại ĐHCĐ bất thường bầu HĐQT.
Thêm cổ đông khác cho biết, tâm thế của cổ đông là đến để bầu HĐQ nhiệm kỳ mới, nhưng đã không được đưa vào chương trình nghị sự. Đề nghị NHNN cho ý kiến.
Ông Phạm Hữu Phú cho biết, nói về cá nhân trong HĐQT thì không ai liên quan đến Eximland, mà liên quan Eximbank. Eximbank sở hữu 10% Eximland nhưng nay đã thoái hết vốn. Còn các vấn đề liên quan miễn lãi, cho vay ở Eximland như thế nào, kết quả thanh tra của NHNN sẽ nói rõ vấn đề này
15h30, ban Kiểm phiếu thông báo kết quả kiểm phiếu với tỷ lệ đa số cổ đông thông qua các tờ trình.
Trí Thức Trẻ