MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ VPBank: Cổ đông muốn cổ tức tiền mặt thay vì “triền miên” cổ phiếu

20-04-2015 - 14:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Chủ tịch HĐQT VPBank khẳng định, cổ đông chỉ được nhận cổ tức bằng tiền mặt khi VPBank tìm được đối tác nước ngoài và không còn bị chịu áp lực về tăng vốn điều lệ.

Chiều nay (ngày 20/4) ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank đang tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015.

Thay mặt ban lãnh đạo, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank  đã trình bày về tình hình kinh doanh năm 2014 và kế hoạch năm 2015.

Theo đó, tổng tài sản hợp nhất năm 2014 của VPBank đạt 163.241 tỷ đồng, tăng 41.977 tỷ đồng (tương đương tăng 34,6%) so với năm 2013 và vượt 5% so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Tổng huy động vốn (tiền gửi của khách hàng, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác và phát hành giấy tờ có giá) tại thời điểm 31/12/2014 đạt 146.991 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ 2013.

Trong đó tiền gửi của khách hàng đạt 108.354 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch ĐHCĐ đề ra. Tính chung trong giai đoạn 2010-2014, tăng trưởng kép CAGR của tiền gửi của khách hàng đạt xấp xỉ 46%.

Tổng dư nợ cấp tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 91.535 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với năm 2013. Trong đó riêng cho vay khách hàng đạt 78.379 tỷ đồng vượt 8% kế hoạch ĐHCĐ đề ra.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2014 đạt 1.609 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước, tuy nhiên chỉ hoàn thành 85% kế hoạch đã đề ra.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng Ngân hàng mẹ đạt 1.537 tỷ đồng, (tăng 21% so với năm 2013). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.254 tỷ, tăng 23% so với năm 2013.

Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,54% trên tổng dư nợ vào cuối năm 2014.

Ông Vinh cho biết, tính riêng khối ngân hàng tư nhân thì VPBank nằm trong TOP 3 ngân hàng có lợi nhuận kinh doanh tốt nhất (chỉ đứng sau MB và Sacombank).

Về chương trình tái cấu trúc ngân hàng VPBank, sau 1 năm thực hiện thì vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2014 lên mức 8.750 tỷ đồng.

Việc huy động nguồn vốn mới trong đó có nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư nước ngoài chưa hoàn thành, HĐQT và ban điều hành tiếp tục thực hiện. và nhiệm vụ nâng cao thêm vốn chủ sở hữu sẽ là nhiệm vụ quan trọng.

“Chúng tôi đặt mục tiêu năm nay vốn chủ sở hữu tăng thêm 5.000 – 6.000 tỷ đồng” – Ông Vinh nói.

Nói về kế hoạch của năm 2015, ông Vinh cho biết VPBank sẽ phải đạt tỷ lệ tăng trưởng nhất định trongg các phân khúc khách hàng được coi là trọng tâm.

Trong đó phân khúc khách hàng các nhân là trên 50% và khách hàng smes (doanh nghiệp nhỏ và vừa) là 30%.

Năm 2015 sẽ phải đạt 10.000 tỷ doanh thu tăng 49% so với năm 2014. Con số này là tham vọng thách thức nhưng quyết tâm sẽ đạt vì nếu đạt được con số này VPBank sẽ bước chân vào nhóm các NHTM có quy mô lớn nhất thị trường.

Nói về số lợi nhuận mục tiêu 2.500 tỷ ông Vinh khẳng định đây là con số không hề nhỏ và VPBank nằm trong Top 3 ngân hàng đặt mục tiêu LNTT cao nhất thị trường hiện nay.

Muốn đạt được mục tiêu này ông Vinh cho rằng không thể thiếu cơ sở vốn và hy vọng cổ đông sẽ đồng ý với ban lãnh đạo VPBank giữ lại lợi nhuận năm 2014 để được bổ sung vào vốn kinh doanh…

Ông Bùi Hải Quân – Phó chủ tịch HĐQT đã thay mặt Hội đồng quản trị trình bày trước đại hội về các tờ trình. Trong đó, đáng chú ý là việc xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ mức 7.324 tỷ đồng lên mức 8.458 tỷ đồng.

Trong đó, lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2014 là 1.077 tỷ đồng và 57,5 tỷ đồng tiền quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ riêng của VPBank.

Đến 15h30, Đại hội bước vào phiên thảo luận với cổ đông.

Ý kiến đầu tiên được đặt với ban chủ tọa là vấn đề nợ xấu

Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank cho biết: Nợ xấu là vấn đề lớn của nền kinh tế và ngành ngân hàng, đó không phải là vấn đề riêng của mỗi ngân hàng mà đó là do kinh tế khó khăn chung. Trước tình trạng đấy NHNN có nhiều giải pháp trong đó bán cho VAMC, việc bán nợ này không phải là chuyển nợ xấu mà là có thêm nguồn tiền để ngân hàng tái đầu tư.

Tại VPBank nợ xấu theo số liệu của kiểm toán chính thức là 2.000 tỷ, tổng nợ bán cho VAMC là 4.300 tỷ; trong đó đã thu nợ được 1.000 tỷ đồng.

Công ty AMC của VPBank có 180 nhân viên có trình độ chuyên môn, trong năm 2014 đã thu được 1.170 tỷ đồng các khoản nợ lâu năm và còn nợ lãi treo 200 tỷ đồng

Kế hoạch năm nay sẽ thu được hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu tiếp và nợ lãi treo 300 tỷ đồng và cũng trong năm nay nợ xấu (cả hạch toán và cấu trúc) giảm xuống khoảng 4.000 tỷ đồng.

Hoạt động của ngân hàng sẽ không tránh được nợ xấu phát sinh và VPBank duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.Trong đó xử lý trên 40% nợ tái cấu trúc, mục tiêu sẽ đưa tổng nợ xấu (nợ tái cấu trúc và nợ treo) sẽ ở mức dưới 5%.

Tổng quỹ dự phòng rủi ro của VPBank hiện nay là 4.000 tỷ đồng và năm 2015 sẽ trích 1.500 tỷ đồng từ ngân hàng và từ 1.000 tỷ đồng từ công ty tài chính. Tổng dự phòng của VPBank sẽ tăng lên khoảng 65% so với mức hiện tại là 52%.

Trong phần thảo luận, đa phần ý kiến của các cổ đông mong ban lãnh đạo VPBank tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì “triền miên” trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Cụ thể, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT đã trả lời rằng: Chia cổ tức là vấn đề thường xuyên mà năm nào cổ đông mong muốn. Ông Dũng khẳng định đây là mong muốn chính đáng.

Chỉ còn 1 nguồn trông đợi duy nhất là lợi nhuận để lại. Trên thực tế cổ tức cổ đông vẫn được nhận nhưng thay vì nhận được tiền thì cổ đông nhận được là cổ phiếu

Ông Dũng khẳng định, cổ đông chỉ được nhận cổ tức bằng tiền mặt khi VPBank tìm được đối tác nước ngoài và không còn bị chịu áp lực về tăng vốn điều lệ.

“Nếu như trong năm nay – 2015 mà VPBank tìm được đối tác chiến lược thì rất có thể năm sau cổ đông sẽ được nhận cổ tức một phần bằng tiền mặt” – Ông Dũng nói.

Cổ đông tiếp tục đòi hỏi VPBank về cổ tức ông Dũng cho rằng đầu tư vào ngân hàng là đầu tư dài hạn. Nếu như muốn sáng mua chiều có lãi thì chỉ có thể đầu tư vào các quán ăn.

Dù trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng đó cũng là tốt hơn so với mặt bằng chung.

“Nếu cổ đông cho rằng đầu tư như thế không khác gì đầu tư giấy lộn thì cổ đông có thể hiện thực hóa lợi nhuận của mình bằng cách bán cho công ty chứng khoán VPBank”.

Về xin ý kiến cổ đông về mua 1 tổ chức tín dụng khác thì ông Hải khẳng định hiện chưa có ý định gì và đối tác nào vào “tầm ngắm” của VPBank nhưng do phát triển trên chiến lược “ba gọng kìm” thì việc mua bán sáp nhập nằm trong chiến lược.

 

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên