MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Điều chỉnh bước đi nhưng không điều chỉnh hướng đến”

09-10-2014 - 08:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB khuyên các bạn trẻ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần định hướng cho tương lai của mình và hiện thực hóa bằng quyết tâm cao.

Cận kề ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) nên để hẹn gặp ông cũng không phải dễ. Cuộc trò chuyện này được thực hiện ngay sau khi ông tham gia một chương trình truyền hình về doanh nghiệp.

Chào ông! Tính đến nay ông đã tham gia trên thương trường bao lâu?

Hơn 20 năm.

Ngay từ đầu ông đã làm việc ở lĩnh vực ngân hàng?

Không, học xong đại học công việc khởi đầu của tôi là giáo viên.

Vậy ông có thể chia sẻ thời điểm là bước ngoặt chuyển sang lĩnh vực ngân hàng?

Thứ nhất, một phần do thích bay nhảy nên môi trường giáo viên không phù hợp với tôi. Thứ hai thời điểm đầu những năm 90 Ngân hàng Hàng hải có nhu cầu tuyển dụng, đây là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam công khai tuyển dụng nhân sự và đó là cơ hội cho tôi tham gia vào ngành ngân hàng.

Ngân hàng có phải là lĩnh vực anh yêu thích khi còn ngồi trên ghé nhà trường?

Thực ra lúc còn đi học thì tôi thích ngành Marketing vì học Đại học Thương mại, một trong những trường đưa môn này vào giảng dậy từ rất sớm. Tuy nhiên những 1990-1992 thì marketing không phải là ngành dễ kiếm việc và phát triển.

Nhưng kinh tế có rất nhiều lựa chọn chứ không chỉ riêng ngân hàng?

Tôi chọn ngành ngân hàng có hai lý do. Một là tôi học kinh tế ra và thứ hai là ngành ngân hàng dù lúc đó chưa làm nhưng thấy khá thú vị, có vẻ trí tuệ!

Sau hơn 20 năm gắn bó dù gặp nhiều khó khăn và cũng có nhiều cơ hội ở một số hàng khác, thậm chí có nhiều cơ hội để phát triển nhưng tôi không từ bỏ ngân hàng. Thực sự tôi thấy ngân hàng không chỉ là nghề mà thực sự trở thành đam mê. Và tôi nghĩ mình sẽ gắn bó rất lâu với nó, chắc đến khi không còn làm được nữa!

Marketing đã giúp anh rất nhiều trong ngành ngân hàng?

Sau khi tham gia ngân hàng nhất là từ những năm 2000 trở về đây tôi thấy ngân hàng là ngành mà hoạt động trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và ngày càng khốc liệt. Điều này tạo ra nhiều thay đổi trong hệ thống quản trị, chính đam mê và kiến thức về marketing giúp ích cho tôi rất nhiều trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bởi việc quản trị về marketing tốt cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của ngân hàng.

Nhận định của anh về lớp doanh nhân trẻ hiện nay?

Doanh nhân trẻ là một tầng lớp rất hứa hẹn và đáng kỳ vọng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam sau này. Bởi thứ nhất họ được đào tạo bài bản, có môi trường để rèn luyện vì kinh tế Việt Nam gần đây tính thị trường càng rõ nét.

Các bạn trẻ có độ năng động cao trong việc đánh giá cũng như thực hiện các dự án kinh doanh với sự quyết tâm cao. Cùng với đó các bạn có đầy đủ thông tin hơn vì hệ thống thông tin bây giờ tốt hơn.

Và khuyết điểm của họ?

Về khuyết điểm thì thực ra thời nào cũng có. Nhưng ở các bạn trẻ thời nay do có nhiều lựa chọn hơn nên triển khai các hoạt động kinh doanh thì tính tập trung của nhiều bạn không cao, tức là trong khi đang làm việc này lại nhìn sang việc khác có triển vọng hơn, và việc thiếu tập trung khiến kết quả không được như mong muốn.

Thứ hai là yêu cầu về kinh nghiệm, cả kinh nghiệm sống lẫn trải nghiệm trong nghề nghiệp. Có bạn biết khắc phục nhưng có bạn chưa biết cách. Nhưng tôi nghĩ khó khăn là cần thiết để cho những người trẻ trưởng thành hơn trong thế hệ doanh nhân của các bạn.

Nói đến khó khăn, ông có thể chia sẽ những lần vấp ngã nào mà cảm thấy “đau” nhất và cách ông vượt qua nó?

Nhiều lần ngã lắm! Ở trong ngành ngân hàng có những cái ngã tiêu biểu đó là trong hoạt động cho vay. Khi nhận định thị trường sai, dự báo sai, chấp nhận cho vay một phương án kinh doanh mà không thực sự khả thi hoặc đối tượng khách hàng không đúng như mong muốn, thông tin tiếp nhận từ khách hàng không đúng như những gì họ sẽ làm.

Với tôi cũng vậy. Tuy ngã lớn đến mức không dậy được thì chưa có nhưng ở mức xính vính, lo lắng thì có và bị vài lần như vậy. Nhưng nhờ đó lại tích lũy thêm kinh nghiệm.

Nhìn nhận của ông khi doanh nghiệp Việt Nam sắp tới sẽ ra biển lớn?

Đó là cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp, cơ hội mở rộng thị trường, tạo đầu vào cũng như đầu ra. Một cơ hội quan trọng nữa với Việt Nam là khả năng có thể du nhập công nghệ, năng lực quản trị từ những thị trường lớn hơn.

Tuy nhiên thay đổi sẽ tạo ra thách thức. Chắc chắn doanh nghiệp trong nước sẽ có những đối thủ cạnh tranh khác tiến vào và giành giật với mình. Rõ ràng nếu không đổi mới để phù hợp để chiến đấu, giành giật thì anh sẽ bị thua.

Vậy OCB có đề ra chiến lược gì cho sự cạnh tranh sắp tới?

Với OCB sự cải tổ là một quá trình chứ không chỉ chờ đến khi có những sự kiện mới thực hiện bởi như vậy sẽ không kịp. Ở Việt Nam đây không phải là hiệp định tự do hóa thương mại đầu tiên. Trong chiến lược cấu trúc cải tổ của mình bao giờ chúng tôi cũng tính toán có sự tham gia của các hiệp định tự do hóa thương mại.

Chúng tôi không chỉ nhìn trong nước còn phải đánh giá và nhìn thấy những đối thủ tiềm năng đến từ các môi trường khác từ các quốc gia khác… Và mỗi năm chúng có ít nhất một lần rà soát lại chiến lược và thay đổi cho phù hợp với môi trường kinh doanh.

Ông truyền lửa cho nhân viên của mình ra sao?

Tôi nghĩ truyền lửa cũng giống như truyền cảm xúc hay thể hiện quan điểm của mình trong công việc nào đó. Mỗi công việc đều có cảm xúc, sự quyết tâm và mong muốn.

Tôi nghĩ đầu tiên không phải là bên ngoài mà chính là bên trong, tức là mình phải thực sự thích nó, tâm huyết với nó thì những gì mình nó ra, dù có người truyền đạt khéo hoặc vụng về nhưng nếu nói từ tâm, từ sự yêu thích thì người nghe họ rất dễ cảm nhận.

Tôi có tâm niệm chỉ trao đổi, động viên nhân viên của mình thực hiện những việc tôi khao khát làm, việc cảm thấy có ý nghĩa với tổ chức, với chính những nhân viên và cho chính tôi. Như thế mới giữ được lửa cho chính tôi, thông qua đấy người nhân viên họ có sự cảm nhận, đồng thuận với mình. Khi đó họ mới có thể biến quyết tâm của mình thành quyết tâm của họ thì sẽ có lửa trong công việc.

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp?

Nếu ví ngân hàng, tổ chức như một cái cây thì những vấn đề như marketing, sản phẩm dù quan trọng nhưng chỉ là cành của cái cây và gốc rễ của cây là chiến lược, nguồn lực, công nghệ. VÀ gốc rễ bao giờ cũng quan trọng.

Trong ba yếu tố của gốc rễ thì nguồn lực về con người là đặc biệt quan trọng, nhất là trong ngân hàng. Có thể ở trong vài doanh nghiệp nguồn lực chỉ quan trọng ở các cấp lãnh đạo, những người giữ bí quyết công nghệ nhưng với ngân hàng chất lượng dịch vụ, sản phẩm không phải là thứ hữu hình mà được chuyển giao thông qua cán bộ nhân viên từ cấp thấp nhất đến cao nhất.

Văn hóa doanh nghiệp là hình vi mà tổ chức ấy thừa nhận giữa con người với nhau trong tổ chức và với môi trường bên ngoài. Một khi nguồn lực con người chiếm vai trò đặc biệt quan trọng thì việc kết nối giữa con người trở thành then chốt.

Ý kiến của ông về làn sóng nữ doanh nhân tham gia thương trường hiện nay?

Mặc dù là nước ở Đông Nam Á có tiếng là trọng nam khinh nữ nhưng Việt Nam đặc biệt từ cổ xưa đã có những phụ nữ rất xuất sắc. Quan trọng hơn là sự thừa nhận trong xã hội như Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Do đó thời nay việc xuất hiện ngày càng nhiều nữ doanh nhân cũng là chuyện bình thường và ngày càng khẳng định vai trò của người phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh.

Theo ông làm sao để họ cân bằng giữa gia đình và công việc?

Tôi nghĩ mọi sự thay đổi bao giờ cũng cần có sự thay đổi khác để đồng bộ theo. Bản thân người phụ nữ khi là doanh nhân có nhiều ưu điểm khác biệt so với nam giới và hiện có nhiều nữ doanh nhân đang rất thành công.

Việc cân bằng công việc với cuộc sống gia đình tôi nghĩ nếu gia đình có người phụ nữ đảm đương các vai trò trong xã hội và có thể trở thành doanh nhân tốt thì những thành viên khác, cụ thể là người chồng cũng nên tiếp cận với những vai trò khác nhau trong gia đình, đấy là sự thay đổi phù hợp hệ thống.

Khi một người tiến ra phía trước thì người kia “back up” và ngược lại. Nếu có sự thay đổi đồng bộ như thế sẽ không có vấn đề gì trong cuộc sống gia đình.

Theo tôi đối với một người phụ nữ thành đạt nên kiếm cho mình một ý trung nhân có thể back up và đối với người đàn ông thành đạt cũng vậy. Dĩ nhiên trong xã hội vẫn có những gia đình mà cả vợ vẫn chồng đều thành công trên thương trường và tôi hâm mộ hình tượng này.

Bản thân ông thì sao?

(Cười). Cả vợ chồng tôi cùng đi làm. Thực ra công việc ngân hàng cũng cho phép tôi có nhiều thời gian hơn so với nhiều doanh nhân ở các lĩnh vực khác.

Định hướng về nghề nghiệp của ông cho con cái?

Đó là quyền lựa chọn của các con. Nhưng kỳ vọng thực sự của tôi là muốn các con làm nghệ thuật.

Ông có thể chia sẻ thêm?

Những môn làm về nghệ thuật như nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, đây là những môn tôi rất thích. Thông thường những gì mình thích mà không làm được thì lại kỳ vọng con cái hiện thực hóa chúng!

Ai là người mà ông thần tượng trong lĩnh vực kinh doanh?

Cũng có nhiều và tùy từng lĩnh vực khác nhau. Nếu về ý chí, tư tưởng, quan điểm cũng như nhân cách sống tôi hâm mộ ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tưởng Singapore. Còn người mà tôi thích thú về ý tưởng là Bill Gates và trong quá trình kinh doanh tôi cũng đọc sách của ông bởi độ sáng tạo rất cao.

Bill Gates không chỉ nổi tiếng là một trong những người giàu nhất thế giới mà còn là doanh nhân nổi tiếng về công tác từ thiện, chia sẻ của ông về điều này?

Đấy là điều đáng trân trọng ở Bill Gates trong việc đóng góp cho xã hội. Dĩ nhiên chúng ta chỉ biết về ông chỉ qua những gì được công bố, còn để đánh giá con người chính xác phải qua tiếp xúc trực tiếp. Nhưng qua những gì công bố tôi thấy đó là con người rất khác biệt, đặc biệt là trong ý thức với xã hội khi ông cống hiến gần hết tài sản của mình cho công tác xã hội. Đồng thời ông là người hoạt động rất tích cực qua việc trực tiếp đi, xem và tìm hiểu. Đấy là tấm gương mình có thể noi theo.

Theo tôi làm từ thiện là không nhất thiết phải chờ đến khi có nhiều tiền. Thời bao cấp khi kinh tế Việt Nam chưa mở cửa và rất khó khăn, hành động chia ngọt sẻ bùi từng bát cơm, hạt gạo cũng rất đáng quý. Xã hội phát triển ngày càng có nhiều doanh nhân tham gia công tác từ thiện có ý nghĩa cho xã hội. Cá nhân tôi nếu có thể làm được gì sẽ cố gắng làm.

Ông có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ đang có ý định bước chân vào thương trường

Các bạn nên trả lời câu hỏi mình mong muốn trở thành cái gì? Muốn trở thành như vậy thì phải làm những việc gì.

Có thể còn trẻ nên các bạn thiếu kinh nghiệm thì có thể tham khảo ý kiến của thầy cô, của những người có nhiều kinh nghiệm hơn. Các bạn phác thảo kế hoạch và phải quyết tâm thực hiện, trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh bước mình đi nhưng không điều chỉnh hướng mình đến!

Thông điệp của ông nhân ngày Doanh nhân Việt Nam?

Tôi mong muốn các khách hàng, đối tác nhìn ngân hàng OCB có một tham vọng đó là ngân hàng bán lẻ hiện đại và tốt nhất cho khách hàng. Đội ngũ OCB cũng đang rất quyết tâm để thực hiện tham vọng này và tôi mong rằng lửa quyết tâm sẽ được duy trì vì sự phát triển lâu dài của OCB.

Xin cảm ơn ông!


Theo Huyền Trâm

hangnt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên