MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn lực xử lý nợ xấu

28-01-2015 - 09:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo các NHTM đã từng kêu cách thức xử lý nợ xấu của họ thời gian qua đang ở trong tình trạng “một mình một ngựa”. Tình trạng xử lý tài sản đảm bảo nhiêu khê kéo dài đã bị yếu tố giá thị trường chĩa mũi tên trở lại NH (chủ nợ).

Vốn đầu tư tăng 28%

Nhìn lại tình hình thị trường tiền tệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm qua cho thấy, với cơ chế áp trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, đã đạt được mục tiêu kép: vừa tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh và vừa chủ động cho NH khai thác sử dụng nguồn vốn. Cùng với đó tỷ giá ổn định đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kinh doanh và hạch toán chi phí đối với các nhà xuất nhập khẩu.

Theo đó, năm 2014, dù lãi suất tiền gửi giảm nhưng lượng tiền gửi từ dân cư chiếm tỷ trọng cao nhất 53,8%, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung nguồn vốn huy động là 14,8% của TP. Hồ Chí Minh. Tín dụng bằng VND tiếp tục chiếm tỷ lệ 84,6% so với tổng dư nợ trên địa bàn và có tốc độ tăng 12,7% so với cuối năm 2013. Đặc biệt tín dụng trung dài hạn đến cuối năm 2014 đã tăng 28,4% so với cuối năm 2013, vốn tín dụng đưa vào đầu tư chiếm 51,7% trong tổng cơ cấu kỳ hạn nợ của các TCTD.

Sự tăng trưởng nhanh của dư nợ cho vay trung dài hạn có yếu tố lượng vốn đưa vào sản xuất-kinh doanh thông qua Chương trình kết nối NH-DN, nhu cầu xây dựng nhà xưởng của những công ty mới thành lập và một phần tín dụng cho vay mua nhà để ở theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Nợ xấu phát sinh

Tăng trưởng tín dụng 12,1% năm 2014 đã đưa tổng dư nợ tín dụng của hệ thống NH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lên mức 1,067 triệu tỷ đồng, theo đó 1% tăng trưởng tín dụng ở địa bàn này hiện nay tương đương với hơn 10 ngàn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ hàng chục phần trăm của một địa phương khác.

Quy mô thị trường lớn cũng đi liền với rủi ro cao, theo thống kê của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, tính đến 31/12/2014 nợ xấu của các TCTD đã ở mức 5,31% tổng dư nợ (tỷ lệ này cuối năm 2013 ở mức 4,69%). Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nợ xấu của các TCTD phát sinh ở mức cao do từ nửa cuối năm 2014 các NH phải thực hiện các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo tiêu chuẩn mới của quốc tế. Bên cạnh đó, nợ xấu phát sinh còn do hai TCTD liên quan đến các vụ án lớn là NHTMCP Xây dựng và Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi.

Ngân hàng “một mình một ngựa”

Lãnh đạo các NHTM đã từng kêu cách thức xử lý nợ xấu của họ thời gian qua đang ở trong tình trạng “một mình một ngựa”. Tình trạng xử lý tài sản đảm bảo nhiêu khê kéo dài đã bị yếu tố giá thị trường chĩa mũi tên trở lại NH (chủ nợ).

Trong khi đó, có con nợ (bên vay vốn tín dụng) lợi dụng cơ chế phức tạp để phát mãi tài sản, làm nhùng nhằng khoản nợ phải trả với NH. Đến giữa năm 2014, mặc dù Thông tư liên tịch số 16 của NHNN, Bộ Tư pháp và Bộ TN&MT ban hành hướng dẫn khá mở cho việc thu hồi tài sản đảm bảo nợ vay quá hạn, nhưng các NH cho rằng, khó áp dụng vào thực tiễn do nhiều địa phương không thực hiện hoặc đùn đẩy trách nhiệm xử lý tài sản đảm bảo nợ là việc của NH.

Đặc biệt là đến nay, nhiều địa phương còn chưa có những đơn vị chuyên trách phối hợp với ngành NH để xử lý triệt để những khoản nợ xấu từ những năm trước đây. Nếu không xử lý được các điểm nghẽn trong phát mãi tài sản đảm bảo thì các NH dù muốn cũng khó giải quyết nhanh chóng được các khoản nợ xấu.

Để giúp cho các NH xử lý nhanh chóng được các khoản nợ xấu các năm trước đây, ông Trần Ngọc Hải, Trưởng VPĐD Agribank tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị, TP. Hồ Chí Minh cần chỉ đạo trực tiếp các cơ quan hữu quan xử lý các tài sản đảm bảo là bất động sản, giao thông, đất đai...

Ông Hải cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần làm việc trực tiếp với Bộ TN&MT để thực hiện rà soát lại quy hoạch về đất đai, điều chỉnh những vùng quy hoạch đất treo quá 3 năm và điều chỉnh thông tin quy hoạch trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân thuận tiện thế chấp tài sản vay vốn NH.

Địa phương cam kết vào cuộc

Ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ACB cho rằng, UBND TP. Hồ Chí Minh nên tổ chức chủ trì một cuộc họp xử lý nợ giữa NH và chính quyền địa phương vì hiện nay có nhiều hồ sơ vướng mắc không xử lý được. Trong đó, thẩm quyền giải quyết thuộc về nhiều cơ quan chức năng khác nhau. Nếu chỉ một mình phía NH tích cực thì cũng không thể nào đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu.

Đồng tình với những quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, chính quyền thành phố sẽ không đứng ngoài cuộc trong quá trình xử lý nợ xấu và sẽ có những chỉ đạo cụ thể đến các cơ quan ban ngành để cùng với NHNN thành phố và các TCTD trên địa bàn thực hiện.

Trước mắt, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo rà soát các dự án quy hoạch treo quá 3 năm. Nếu dự án nào đã đầu tư dưới 50% thì sẽ cho dừng lại, các dự án đã đầu tư trên 50% thì chia ra thành từng nhóm căn cứ vào tiến độ thi công, khả năng tài chính để có kế hoạch đầu tư tiếp theo. Kết quả rà soát này sẽ được thông báo đến NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối cho các TCTD liên quan để các đơn vị NH nắm được khi có quan hệ tín dụng và thuận tiện trong quá trình đánh giá, thẩm định cho vay vốn vào từng dự án.

Đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% tổng dư nợ vào cuối năm 2015 là một thách thức không nhỏ của hệ thống NH, tuy nhiên đây là việc phải thực hiện trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống tài chính.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của ngành NH TP. Hồ Chí Minh, được tổ chức mới đây, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cảnh báo, trong năm 2015, các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cần phải sâu sát hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu. Bởi hiện trong tổng số 220 chi nhánh, điểm giao dịch của các TCTD đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn một số chi nhánh có nợ xấu ở mức cao. Bên cạnh việc đưa nợ xấu toàn Ngành xuống dưới 3% tổng dư nợ vào cuối năm 2015, hệ thống NH TP. Hồ Chí Minh phải có phương án tái cơ cấu các TCTD cho những năm sau.

 

Theo Thạch Bình

 

PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên