MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn vốn cho vay dài hạn

01-12-2014 - 07:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng tăng thêm nguồn vốn cho vay dài hạn, đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp

Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định: Từ ngày 1-2-2015, ngân hàng (NH) chỉ được sử dụng 80% nguồn vốn huy động để cho vay và được phép sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn; bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%, xác xuất rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS) là 150% (hiện nay 250%)...

Nới tín dụng bất động sản

Theo các NH thương mại, dù tỉ lệ cho vay/vốn huy động không thay đổi nhưng việc đưa thêm nhiều loại tiền gửi vào nguồn vốn huy động sẽ làm tổng nguồn vốn huy động tăng lên. Ví dụ, hiện nay, NH vay tiền của NH bạn không được tính vào nguồn vốn huy động nhưng từ 1-2-2015, khoản vay này sẽ được tính vào vốn huy động khiến tổng nguồn vốn của NH tăng lên, làm cho số tiền được phép cho vay tăng theo.

Phó tổng giám đốc chuyên trách về nguồn vốn của một NH tại Hà Nội cho biết hiện có trên 75% vốn huy động là ngắn hạn, NH chỉ được phép sử dụng 30% để cho vay trung, dài hạn. Sắp tới, quy định mới từ Thông tư 36 sẽ cho phép NH sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. Khi đó, NH sẽ có thêm điều kiện để dồn vốn cho vay mua nhà, nhất là khi Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi bổ sung), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi bổ sung) có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, cho phép nhiều đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Mặt khác, NH Nhà nước quy định tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%, giảm rủi ro cho vay BĐS từ 250% xuống còn 150%, đồng nghĩa NH được phép cho vay BĐS nhiều hơn.

Theo NH Nhà nước, Thông tư 36 quy định về tỉ lệ cho vay so với tổng huy động vốn là để bảo đảm an toàn thanh khoản, khả năng chi trả của NH. Còn tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho dài hạn sẽ tạo điều kiện cho các NH đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn trong hoạt động. Đặc biệt, quy định xác suất rủi ro cho vay BĐS được giảm xuống mức thấp nhất nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường nhà đất phát triển.

Thúc đẩy dư nợ,kéo giảm nợ xấu

Thông tư 36 còn hơn 2 tháng nữa mới có hiệu lực nhưng những ngày gần đây, thị trường đã có phản ứng nhất định. Nhiều NH tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động vốn ngắn hạn từ 0,1%-0,3%/năm, đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng xuống còn 4%/năm. Lãi suất cho vay trung và dài hạn cũng giảm thêm bởi đã có hàng loạt NH cho vay sản xuất kinh doanh, mua nhà... với lãi suất 7%-9%/năm.

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học NH TP HCM - cho rằng Thông tư 36 đã đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp về vốn vay dài hạn. Từ đó, DN có thêm đòn bẩy tài chính để đầu tư công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Dương, khi giảm xác suất rủi ro cho vay BĐS, NH phải phòng thủ bằng cách trích lập đủ số tiền dự phòng rủi ro, giám sát chặt tài sản thế chấp, phân tán nguồn vốn theo hướng không tập trung cho vay một hoặc một nhóm khách hàng. Như thế, dư nợ cho vay BĐS sẽ tăng, đồng thời giảm thiểu khả năng phát sinh nợ xấu.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, phân tích: Do khách hàng vay vốn trung và dài hạn với số tiền lớn nên tổng dư nợ cho vay của NH tăng nhanh, đồng nghĩa tỉ lệ nợ xấu giảm xuống. Mặt khác, các khoản vay trung, dài hạn, nhất là vay tiền để mua BĐS, thường kéo dài 5-20 năm nên nợ xấu chưa phát sinh vào năm đầu tiên. Như vậy, trong năm 2015, hệ thống NH sẽ hạn chế được nợ xấu gia tăng, tập trung giải quyết nợ xấu cũ, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ nợ xấu về 3%.

Cần gói hỗ trợ lãi suất

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, điều mà người vay vốn dài hạn luôn lo ngại là phần lớn các NH áp lãi suất trong tương lai theo hướng thả nổi. Nếu trong vài năm tới, lạm phát quay lại, lãi suất tăng cao thì người vay không đủ sức gồng gánh. Vì thế, Chính phủ cần tính đến gói hỗ trợ lãi suất dài hạn đối với doanh nghiệp vay vốn đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ. Bởi lẽ, đây là nhu cầu cấp thiết nhằm tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trước xu thế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.


Vì sao Ngân hàng Nhà nước thay “biển báo tốc độ”?

Theo Thy Thơ

hangnt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên