MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo về tiền, vàng và "chiến dịch" giải quyết nợ xấu của NHNN làm “nóng” thị trường

27-01-2013 - 19:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc nguyên TGĐ Agribank bị khởi tố, bắt giam do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (thất thoát 3.900 tỷ đồng của ngân hàng) cũng là sự kiện đáng chú ý trong tuần.

Cựu lãnh đạo Agribank bị bắt

Tại hội nghị triển khai thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng và nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, sáng 23/1, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã công bố một thông tin hết sức quan trọng đó là đã khởi tố và bắt giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.

Được biết, vụ việc bắt đầu lộ ra từ chuyện dự án Nhà máy Luxfashion (tại Ninh Bình) đóng cửa, không hoạt động sản xuất từ giữa tháng 8.2012. Dự án này được thực hiện bởi Cty liên doanh Lifepro Việt Nam (Lifepro Vietnam), người đại diện theo pháp luật là ông Yang Yong - chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (SN 1980; quốc tịch Trung Quốc). Liên doanh này đã “vẽ” ra dự án với tổng vốn đầu tư lên tới trên 300 triệu USD. Trong đó vốn xây dựng nhà máy Luxfashion gần 193.190.655 USD, vốn lưu động là 112,4 triệu USD.

Tháng 6/2012 dự án được Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho giải ngân phần vốn cố định bằng VND và ngoại tệ tương đương 3.000 tỉ đồng. Ngay sau đó, từ tháng 8/2012 Nhà máy Luxfashion dừng hoạt động, còn giám đốc Cty và hàng loạt chuyên gia nước ngoài bỏ về nước mang theo món nợ 3.000 tỉ đồng của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội không hồi âm.

Ngoài vụ việc trên, trong khoảng thời gian giữ cương vị Tổng GĐ, ông Tân đã đưa Agribank trở thành ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước (tính đến hết ngày 30/6/2012 với 6,14%.

Trước khi bị bắt, ông Tân đang công tác tại NHNN với hàm vụ trưởng.

Hai dự thảo quan trọng về tiền, vàng của NHNN

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước do NHNN công bố để lấy ý kiến ngày 24/1, NHNN sẽ thực hiện mua, bán vàng miếng với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có thiết lập quan hệ mua bán với NHNN. Vệc mua, bán vàng miếng có thể là mua bán trực tiếp hoặc thông qua đấu thầu. Giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN do Thống đốc quyết định. NHNN sẽ thực hiện mở tài khoản, mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng nguyên liệu bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thực hiện bán vàng miếng.

Sau thông tin NHNN có thể mua bán vàng miếng để bình ổn thị trường, cùng với việc đại gia ngân hàng kinh doanh vàng ACB đã thoát nợ vàng, giá vàng sụt giảm mạnh. 

Về dự thảo trên, một số chuyên gia e ngại, NHNN là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng kinh doanh, nếu vừa quản lý vừa buôn bán vàng sẽ tạo ra cơ chế độc quyền. Như trước đây, khi các ngân hàng thương mại chưa tham gia, thị trường vàng không hề có hiện tượng đầu cơ, sốt giá cao độ như thời gian qua. Thế giới đang chuyển hướng từ thị trường vật chất sang thị trường tài chính với các sản phẩm đầu tư tiện ích hơn (như chứng chỉ quỹ). Trong khi đó, Việt Nam vẫn chăm chăm quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng khiến cho danh mục sản phẩm tài chính bị hạn chế. Việt Nam đang quản lý thị trường vàng kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới.

Một chuyên gia cho rằng, NHNN chỉ nên thực hiện chức năng quản lý nhà nước, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng, chính sách thuế. NHNN không nên tham gia sản xuất, kinh doanh, không trực tiếp can dự vào việc kinh doanh của các DN. NHNN nên trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các DN. NHTM không nên đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai các sản phẩm tài chính phái sinh, nếu muốn kinh doanh vàng miếng thì nên thành lập công ty vàng độc lập.

Trong tuần, NHNN cũng đưa ra dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Theo dự thảo, người dân không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Cá nhân giao dịch bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức thì cũng không được dùng tiền mặt thanh toán.

Các cơ quan chức năng có thể sẽ ban hành quy định các giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng; quy định bổ sung giấy tờ chứng minh thanh toán qua ngân hàng vào hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ. Các tổ chức không được dùng tiền mặt giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Ngoài các giao dịch này thì khi tổ chức thanh toán cho tổ chức, cá nhân khác số tiền vượt hạn mức thì không được dùng tiền mặt.

Có ý kiến cho rằng, việc NHNN đưa ra dự thảo này sẽ có lợi cho các ngân hàng. Bởi lẽ trong dự thảo cũng quy định ngân hàng sẽ được ấn định lại mức phí dịch vụ tiền mặt. Nếu các ngân hàng sử dụng phí giao dịch 0% thì sẽ không vấn đề gì, nhưng nếu thu phí thì cả người bán và người mua đều thiệt thòi do phải mất phí cho trung gian là ngân hàng.

Bắt đầu “chiến dịch” giải quyết nợ xấu

Ngày 25/1, NHNN đã có cuộc họp với các ngân hàng về dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC). Theo đó, các TCTD có nợ xấu trên 3% hoặc theo tỷ lệ nào đó do NHNN quy định bị buộc phải bán nợ xấu cho VAMC.

Trong tuần này, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của các TCTD.

Theo đó, kể từ 1/6/2013, các TCTD sẽ phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; việc phân loại tín dụng phải đồng thời theo phương pháp định tính và định lượng; phải tự xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng và cung cấp cho Trung tâm Thông tin tín dụng NHNN kết quả xếp hạng...

Một thống kê ngẫu nhiên, trong tổng hơn 250 nghìn tỷ đồng nợ xấu của hệ thống tới cuối năm 2012 thì 4 NHTMNN đã chiếm tới 46.600 tỷ đồng. Cụ thể, của Agribank là 27.700 tỷ; BIDV là 8.980 tỷ; Vietcombank 5.398 tỷ và Vietinbank 4.464 tỷ. 

Nguyễn Hằng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên