MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Eximbank: NHNN không tham gia quản trị và dấu hỏi về mối quan hệ với công ty Âu Lạc

25-12-2015 - 13:02 PM | Tài chính - ngân hàng

​Nhân sự mới ở Eximbank đáng chú ý có ông chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng - thành viên HĐQT đến từ Công ty Âu Lạc. Vietcombank và NHNN có tới 3 đại diện ở Eximbank nhưng hiện không điều hành, quản trị.

Nhân sự cấp cao ở Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) đã tỏ, nhưng còn chưa rõ ràng. Nói chưa rõ ràng bởi lẽ trong 3 chức danh chủ chốt thì hiện tại ngân hàng mới có chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban kiểm soát, còn ghế Tổng giám đốc vẫn chưa có, ông Trần Tấn Lộc – phó Tổng giám đốc – đang tạm nắm Quyền Tổng giám đốc.

Đó là chưa kể, tại kỳ đại hội cổ đông bất thường mới đây của Eximbank còn xuất hiện hoài nghi về nhiều điều liên quan đến nhân sự và kết quả bầu cử. Chẳng hạn vì sao nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% số cổ phần có quyền biểu quyết đề cử ứng viên tham gia HĐQT lại không có tên trong danh sách bầu cử và ngân hàng cũng không thông báo cho cổ đông? Hay, tại sao sau khi công bố biên bản bỏ phiếu lần thứ nhất cho thấy ông Lê Minh Quốc chỉ đạt 45,76% số phiếu bầu, sau đó có cổ đông được bầu cử lại (?) và rồi biên bản công bố lần hai và cho ra kết quả 58,11% đồng thời trúng cử vào HĐQT…

Vietcombank và NHNN có 3 “ghế” ở Eximbank nhưng không quản trị, điều hành

Trong thời gian chờ đợi đại hội bầu nhân sự ở Eximbank, “tư lệnh” ngành ngân hàng là Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có lần trả lời báo chí. Theo Thống đốc, NHNN đã thanh tra Eximbank, thông qua số cổ phần của Vietcombank nắm giữ, có thể sẽ đưa nhân sự của NHNN vào điều hành, quản lý Eximbank.

Thời điểm đó (tháng 8/2015), thị trường hầu hết tin rằng, NHNN tới đây sẽ tham gia quản lý Eximbank và vực dậy ngân hàng, đưa Eximbank – vốn đang trải qua giai đoạn đi xuống liên tục suốt 3 năm qua - trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây.

Trước thềm đại hội cổ đông bất thường vào ngày 15/12 vừa qua, niềm tin ấy tăng thêm khi trong danh sách đề cử, ứng cử vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Eximbank có tới 3 cái tên đến từ NHNN và Vietcombank, và cả 3 cùng trúng cử. Đó là ông Cao Xuân Ninh vào HĐQT, ông Lê Văn Quyết vào Hội đồng quản trị và ông Trần Lê Quyết vào Ban kiểm soát.

Trong đó, theo hồ sơ của Eximbank công bố cho cổ đông, ông Cao Xuân Ninh và ông Trần Lê Quyết là hai người đại diện cho Vietcombank cùng 5 cổ đông cá nhân khác, tổng cộng mỗi người đại diện cho 11,287% số cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank (riêng Eximbank là xấp xỉ 8,2%).

Ông Lê Văn Quyết vào HĐQT do chính HĐQT nhiệm kỳ cũ đề cử. Trước khi gia nhập Eximbank thì ông Quyết đang giữ chức Giám đốc Vietcombank Biên Hòa và trước đó công tác tại NHNN tỉnh Đồng Nai.

Trong và ngay sau đại hội, cái tên Cao Xuân Ninh được nhiều cổ đông nhắc tới như là sẽ giữ vai trò làm chủ tịch HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020, tức là vai trò của NHNN sẽ công khai rõ ràng. Thế nhưng đến ngày 16/12, khi Eximbank công bố về nhân sự thì một bất ngờ lại xảy ra đó là ông Lê Minh Quốc – người trúng cử vào Hội đồng quản trị độc lập - lại được giao trách nhiệm quan trọng nhất ở nhà băng này.

NHNN hay đại diện của Vietcombank như vậy không thể làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Và về điều hành, cho đến thời điểm này thì NHNN cũng không giữ vai trò chủ đạo mà vẫn là “người cũ” của Eximbank – ông Trần Tấn Lộc đang là quyền Tổng giám đốc.

Qua thanh tra của NHNN, Eximbank bị phát hiện đã có nhiều sai phạm. Các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ cũ tham gia nhiệm kỳ mới đã có cam kết sửa chữa và ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã đề ra lộ trình 3 năm khắc phục sai phạm.

Vấn đề lúc này là chưa rõ, thời gian tới NHNN sẽ có điều hành hay chỉ đạo gì liên quan đến hoạt động ở Eximbank để tham gia điều hành và quản trị như đã từng đề cập.

Chủ tịch HĐQT và một thành viên HĐQT đến từ công ty Âu Lạc

Đáng chú ý trong cơ cấu nhân sự cấp cao của Eximbank lần này có 2 đại diện đến từ công ty Âu Lạc. Đó là ông chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc và thành viên HĐQT ông Ngô Thanh Tùng. Công ty này không phải là cổ đông lớn của Eximbank và cũng không phải "gã khổng lồ" trên thị trường.

Theo lý lịch của hai thành viên HĐQT nói trên, cả hai đều “xuất thân” từ công ty Âu Lạc. Tìm hiểu về công ty Âu Lạc, chúng tôi thấy trong danh sách ông Lê Minh Quốc là Phó chủ tịch HĐQT công ty và Ngô Thanh Tùng là thành viên HĐQT trong ban Hội đồng quản trị có 5 người.

Tại Eximbank, ông Ngô Thanh Tùng đại diện cho nhóm cổ đông giữ 10,194% cổ phần có quyền biểu quyết, bao gồm Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, công ty cổ phần đầu tư Á Châu, quỹ VOF Investment Limited và hai cổ đông cá nhân là bà Ngô Thu Thúy cùng ông Trần Công Cận. Tại công ty Âu Lạc, bà chủ tịch Hội đồng quản trị tên là Ngô Thu Thúy.

Ông Lê Minh Quốc là Phó chủ tịch HĐQT của công ty Âu Lạc nhưng tham gia Eximbank lại không đại diện cho nhóm cổ đông nào mà chỉ là do HĐQT nhiệm kỳ cũ đề cử.

Với việc 2 thành viên HĐQT của công ty Âu Lạc đều nằm trong HĐQT của Eximbank – một ngân hàng tốp đầu trong số các ngân hàng thương mại cổ phần với tổng tài sản xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng cũng khiến thị trường không khỏi không đặt dấu hỏi về việc liệu Âu Lạc có vai trò gì hay mối quan hệ nào với Eximbank hay không.

Trong mối quan hệ tín dụng với Eximbank, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán 2014 và báo cáo tài chính bán niên độ do E&Y kiểm toán, công ty Âu Lạc có khoản tiền gửi 6 tháng đến kỳ đáo hạn, lãi suất 5,7%/năm. Công ty cũng có khoản vay tín chấp ở Eximbank là 37,6 tỷ đồng cùng hơn 1,7 triệu USD (ngày đáo hạn là từ 5/9 đến 28/11/2015) với lãi suất 3%/năm. Trước đó, công ty cũng có một khoản vay tín chấp khác ở Eximbank là hơn 27 tỷ đồng và hơn 1,2 triệu USD lãi suất 3,5% đáo hạn từ 7/2 – 18/6/2015. Cả hai khoản vay tín chấp là nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn lưu động.

Tìm hiểu thêm về công ty Âu Lạc, chúng tôi được biết doanh nghiệp này là một đơn vị kinh doanh đa ngành nghề, nhưng mạnh ở mảng vận tải xăng dầu bằng đường biển, công ty cũng hướng tới là 1 trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển. Hiện công ty đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược và trực tiếp ký hợp đồng vận tải với nhiều chủ hàng lớn “tầm cỡ” trong nước như Công ty Saigon Petro, Vinapco, Thalexim, Petrolimex, PV Oil, Petimex v.v... và ngoài nước như Shell, Conoco Phillips, PTT Thái Lan, Sinopec, Unipec, BP Singapore, Trafigura, PetroSummit, Sojitz, Elico, Petrochina, Petamina, Foremost, Horizon Petroleum, v.v....

Đến 30/6/2015 công ty Âu Lạc có tổng tài sản 1.028 tỷ đồng, vốn điều lệ 319 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm đạt lợi nhuận thuần từ kinh doanh hơn 64 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 52 tỷ.

Đại diện cổ đông lớn khác ở Eximbank

Ngoài 3 đại diện đến từ Vietcombank và NHNN, 2 thành viên “xuất thân” từ công ty Âu Lạc thì HĐQT và Ban kiểm soát Eximbank hiện nay còn có 2 thành viên đến từ nhà đầu tư chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là ông Yasuhiro Saitoh và ông Naoki Nishizawa.

VOF Investment Limited sở hữu gần 5% vốn Eximbank nhưng không có đại diện nào trực tiếp. Quỹ này đã ủy quyền cổ phần của mình cho ông Ngô Thanh Tùng tham gia HĐQT, cho ông Saitoh trong HĐQT và cho ông Trịnh Bảo Quốc trong Ban kiểm soát.

Trong năm 2015, một cổ đông giữ khá nhiều cổ phần Eximbank là công ty VBĐQ SJC đã bán toàn bộ hơn 25 triệu cổ phần tại nhà băng này, tương đương xấp xỉ 2% vốn qua đấu giá (phiên đấu giá thứ 4 mới thành công với giá 13.000 đồng/cp). Trước đó, ông Lê Hùng Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT, là đại diện của SJC tại Eximbank.

 

Tùng Lâm

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên