MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Eximbank sẽ thay đổi lớn về quản trị

23-10-2015 - 11:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Với việc "thay tướng" này, giới ngân hàng đánh giá là tín hiệu lạc quan cho công tác quản trị điều hành của Eximbank, sớm ổn định bộ máy và khắc phục những tồn tại mà thanh tra NHNN đã khuyến nghị.

Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh Doanh, sáng 22/10, đại diện NHNN đã công bố kết luận thanh tra tại Eximbank sau khi tiến hành thanh tra đột xuất hồi tháng 5/2015.

Trong đợt thanh tra này, NHNN đã tập trung xem xét, làm rõ các vấn đề như: Eximbank chấp hành các quy chế cho vay đối với khách hàng; cho vay kinh doanh chứng khoán; nhóm khách hàng liên quan đến kinh doanh bất động sản. Đáng chú ý, vấn đề "nóng" là sở hữu cổ phần của cổ đông cũng được làm rõ để phát hiện sở hữu chéo, góp vốn ảo.

Sẽ thay "tướng"?

Quyết định thanh tra đột xuất của NHNN được công bố ngay sau khi Eximbank công bố danh sách các ứng viên dự kiến bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 tại ĐHCĐ thường niên vừa qua. Lần đầu tiên, danh sách này xuất hiện nhóm cổ đông lớn sở hữu hơn 20,43% vốn Eximbank đến từ Ngân hàng Nam Á (NamABank).

Hai sự kiện diễn ra khá trùng thời điểm khiến dư luận hoài nghi về khả năng Eximbank đang tồn tại sở hữu chéo, góp vốn ảo. Song thực tế, vấn đề này chỉ là một trong nhiều nội dung quan trọng được NHNN xem xét, thanh tra.

Dù NHNN đã công bố kết luận thanh tra Eximbank, nhưng nội dung chi tiết lại không được tiết lộ. Theo quy trình thanh tra, ngân hàng này sẽ có thời gian nhất định để tự xử lý, khắc phục những tồn tại đã được nêu tại kết luận thanh tra. Nếu hết thời hạn mà Eximbank chưa giải quyết xong thì cơ quan quản lý sẽ áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết.

Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh Doanh, thay đổi lớn nhất của Eximbank sau kết luận thanh tra này là vấn đề quản trị điều hành. Một số lãnh đạo sẽ rút lui, thay bằng các đại diện đến từ Vietcombank và NHNN chỉ định.

Trong ĐHCĐ thường niên 2015 hồi tháng 7, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, đã xin rút khỏi điều hành, không tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới. "Ghế nóng" Chủ tịch HĐQT có thể sẽ là nhân sự do NHNN chỉ định, mà ứng viên sáng giá được cho là đến từ NHNN chi nhánh Tp.HCM giữ hàm Vụ trưởng.

Còn ông Phạm Hữu Phú – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Eximbank – hiện đã hết liệu lực bổ nhiệm vào thành viên HĐQT từ lâu. Ông Phú cũng có đơn đề nghị thôi không điều hành ngân hàng nữa dù lãnh đạo này đang nắm cổ phần và đại diện sở hữu khoảng 10,1099% vốn điều lệ Eximbank.

"Thay thế ông Phú đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Eximbank có thể vẫn là cán bộ của Eximbank. Bởi ngân hàng có đặc thù riêng và công tác điều hành không đơn giản"- Nguồn tin chia sẻ.

Với việc "thay tướng" này, giới ngân hàng đánh giá là tín hiệu lạc quan cho công tác quản trị điều hành của Eximbank, sớm ổn định bộ máy và khắc phục những tồn tại mà thanh tra NHNN đã khuyến nghị.

Theo Điều lệ của ngân hàng, cổ đông và nhóm cổ đông đại diện sở hữu trên 10% vốn điều lệ có quyền ứng cử, hoặc cử một người vào HĐQT. Danh sách ứng viên sẽ trình cổ đông xem xét, biểu quyết thông qua tại ĐHCĐ gần nhất. Tại ĐHCĐ tháng 7/2015, nội dung bầu nhân sự HĐQT đã bị gác lại vì danh sách ứng viên vẫn chưa được NHNN phê chuẩn.

EIB có bao nhiêu vốn thật?

Như vậy, nếu NHNN muốn cử người tham gia ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 thì cần phải gom đủ sở hữu hoặc uỷ quyền đảm bảo tỷ lệ sở hữu tối thiểu 10%.

Được biết, ngân hàng gốc quốc doanh Vietcombank hiện nắm sở hữu 8,2% vốn điều lệ Eximbank. Dù chưa thoái vốn khỏi Eximbank nhưng với cách uỷ quyền cho người đại diện/người được chỉ định của NHNN, thì Vietcombank cũng coi như "rút chân" khỏi hoạt động điều hành Eximbank.

Theo thông tin chưa được kiểm chứng, có một cổ đông sở hữu gần 2% cổ phần EIB đã đồng ý uỷ quyền không huỷ ngang cho NHNN hoặc người được chỉ định để thực hiện quyền cổ đông. Tổng sở hữu của hai cổ đông này sẽ đảm bảo đủ tỷ lệ tối thiểu 10% để NHNN cử người tham gia điều hành Eximbank.

Vấn đề góp vốn ảo tại Eximbank cũng có thể nhìn nhận ở tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn. Cụ thể, cổ đông Sumimoto (Nhật Bản) có sở hữu trên 20,099% với hai đại diện ứng cử vào HĐQT; Vietcombank nắm 8,2%, nhóm cổ đông NamABank nắm trên 20,43%, ông Lê Minh Quốc đại diện nhóm cổ đông nắm 9,895%…

Có thể thấy, tổng sở hữu của nhóm này đã lên tới 58,624% vốn Eximbank, chưa kể một số quỹ đầu tư, cá nhân nắm trên dưới 5% cổ phần. Điều quan trọng là những phần vốn này đều là vốn thực góp, tiền thật.

Để "dẹp loạn" tình trạng sở hữu chéo, góp vốn ảo, NHNN đã ban hành quy định nhằm hạn chế các cổ đông, cá nhân và tổ chức sở hữu vượt trần, góp vốn bằng tiền đi vay của tổ chức tín dụng khác. Bởi khi ngân hàng "hỗ trợ" bơm tiền tăng vốn lẫn nhau thì phản ánh sai lệch dòng tiền, tài sản, vốn của ngân hàng.

 

Theo Thu Hằng

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên