Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB-
Theo Fitch, các yếu tố chính khiến Việt Nam được nâng xếp hạng bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện và các cán cân được cải thiện rõ rệt.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa đưa ra thông báo nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Theo đó, xếp hạng phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn (IDRs) của Việt Nam từ mức B+ lên BB-.
Mức xếp hạng trần nợ cũng được nâng từ B+ lên BB- và mức xếp hạng phát hành nợ ngoại tệ ngắn hạn được giữ nguyên ở mức B. Triển vọng của Việt Nam được điều chỉnh từ tích cực xuống ổn định.
Theo Fitch, các yếu tố chính khiến Việt Nam được nâng xếp hạng bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện và các cán cân được cải thiện rõ rệt.
Các chính sách điều hành vĩ mô của Việt Nam đã dần chuyển sang các chính sách hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng GDP thực ở mức tốt (đạt trung bình 5,6% trong 3 năm qua, trong khi mức trung bình của các nước có xếp hạng BB là 3,7%. Tỷ lệ lạm phát đã giảm từ mức trung bình 6,6% trong năm 2013 xuống còn 3,2% trong tháng 10/2014.
Ổn định kinh tế vĩ mô góp phần giúp cán cân vãng lai chuyển từ trạng thái thâm hụt 3,7% trong năm 2010 sang thặng dư 4,1% trong năm 2014 (dự báo). Việt Nam đang tiến tới năm thứ 4 liên tiếp ghi nhận thặng dư cán cân vãng lai nhờ xuất khẩu và kiều hối tăng trưởng tốt. Tỷ lệ nợ nước ngoài ở mức 14% GDP, gần với mức trung bình 16% của nhóm được xếp hạng BB.
Fitch sẽ tiếp tục nâng mức xếp hạng của Việt Nam nếu như Việt Nam có thể kiểm soát thâm hụt tài khóa, dẫn đến triển vọng tích cực cho tỷ lệ nợ chính phủ; cải thiện tính minh bạch của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước và cuối cùng là quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng có những bước tiến lớn.
Thu Hương